Dòng sự kiện:
Lợi nhuận năm 2023 của HSG ước lỗ 75 tỷ, NKG lãi 195 tỷ đồng?
20/08/2023 11:00:31
Theo đánh giá của SSI Research, trong quý 2/2023, ngành tôn mạ ghi nhận kênh xuất khẩu phục hồi tích cực so với quý trước, nhưng biên lợi nhuận kênh xuất khẩu có thể thu hẹp trong quý tới.

Lợi nhuận ròng phân hóa do chênh lệch giữa tỷ lệ xuất khẩu và công suất hoạt động

Lợi nhuận ròng của HSG và NKG lần lượt đạt 14 tỷ đồng và 125 tỷ đồng, tiếp tục ghi nhận mức giảm đáng kể so với cùng kỳ là giảm 95% đối với HSG và giảm 38% đối với NKG do sản lượng tiêu thụ giảm và giá bán trung bình giảm của cả hai công ty đều giảm hơn 15% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, so với quý trước lại có sự khác biệt. Trong khi lợi nhuận của HSG giảm 95% so với mức nền tương đối cao là 251 tỷ đồng trong quý trước (nhờ có khoản hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho 466 tỷ đồng), trong khi lợi nhuận của NKG dương trở lại, phục hồi sau khoản lỗ 49 tỷ đồng trong Q1/2023.

HSG và NKG ghi nhận sản lượng phục hồi so với quý trước cùng với xu hướng toàn ngành, mặc dù vẫn giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép của HSG và NKG trong quý lần lượt đạt 361 nghìn tấn và 236 nghìn tấn, tương ứng tăng 22,7% và 21% so với quý trước nhờ xuất khẩu ổn định, nhưng vẫn giảm 13,3% và giảm 9,5% so cùng kỳ. Theo đó, công suất hoạt động của HSG và NKG lần lượt là 60% và 80%.

 

Khoảng cách giữa giá HRC tại thị trường Mỹ/châu Âu và châu Á ngày càng thu hẹp và có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận trong quý tới

HSG và NKG đã nhận được đơn đặt hàng trước từ 1-2 tháng. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân trong Q3/2023 có thể thấp hơn so với quý trước do giá HRC ở hầu hết các thị trường đã điều chỉnh khoảng 20% kể từ mức đỉnh so với đầu năm vào tháng 3.

Khoảng cách giữa giá HRC tại Mỹ/châu Âu và tại Việt Nam theo USD đang thu hẹp khoảng từ 350-700 USD/tấn vào cuối tháng 4 xuống còn 140-340 USD/tấn, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận kênh xuất khẩu trong thời gian tới. Thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 50% và 60% sản lượng xuất khẩu của HSG và NKG.

Ngoài ra, xuất khẩu thép của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc, với khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng 28% so cùng kỳ đạt 51,2 triệu tấn, nhờ lượng thép tồn kho của Trung Quốc tăng và đồng Nhân dân tệ suy yếu.

Lợi nhuận năm 2023 của HSG ước lỗ 75 tỷ, NKG lãi 195 tỷ đồng

Với HSG, do lợi nhuận Q3/2023 không đạt như kỳ vọng, SSI Research điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận trong năm 2023 xuống mức lỗ 75 tỷ, phần lớn là do khoản lỗ đáng kể trong quý đầu tiên của niên độ tài chính.

SSI Research kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của HSG sẽ giảm 24,4% đạt 1,35 triệu tấn. Trong năm 2024, SSI Research kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của HSG có thể phục hồi 14% đạt 1,54 triệu tấn. Biên lợi nhuận gộp năm 2024 được kỳ vọng sẽ cải thiện từ 10,1% trong năm 2023 lên mức trung bình 11,8% nhờ công suất hoạt động tốt hơn và giá đầu vào giảm. Theo đó, SSI Research kỳ vọng HSG sẽ đạt được 558 tỷ đồng lợi nhuận trong năm tài chính tiếp theo.

Đối với NKG, với KQKD Q2/2023 phù hợp với ước tính của SSI Research, nên công ty chứng khoán này giữ nguyên ước tính lợi nhuận năm 2023 đối với NKG là 195 tỷ đồng.

Trong năm 2024, SSI Research kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của NKG sẽ tăng 5% sso cùng kỳ đạt 928 nghìn tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sẽ lần lượt tăng 10% và 2% so cùng kỳ đạt 369 nghìn tấn và 558 nghìn tấn. Biên lợi nhuận gộp kỳ vọng cải thiện nhẹ từ 7,1% lên 7,5% nhờ chi phí đầu vào điều chỉnh nhẹ. Theo đó, lợi nhuận ròng năm 2024 dự kiến tăng 32% so cùng kỳ đạt 257 tỷ đồng. 

Ở mức giá hiện tại, HSG đang giao dịch ở mức P/E, P/B và EV/EBITDA dự phóng 2024 lần lượt là 23,6x, 1,2x và 7,6x, trong khi NKG giao dịch ở mức P/E, P/B và EV/EBITDA dự phóng 2024 lần lượt là 20,4x, 0,9x và 8,1x.

SSI Research hiện khuyến nghị trung lập đối với cả 2 cổ phiếu, với giá mục tiêu 1 năm cho NKG là 19.300 đồng/cổ phiếu và 19.900 đồng/cổ phiếu cho HSG dựa trên P/B và EV/EBITDA mục tiêu lần lượt là 0,9x và 7,5x đối với NKG, và lần lượt là 1,2x và 7,5x đối với HSG.

Trong ngắn hạn, SSI Research kỳ vọng cả hai công ty có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận trên so với cùng kỳ trong 2 quý tới, nhờ mức nền thấp trong năm trước.

So với quý trước, lợi nhuận ròng của HSG có thể cải thiện trong quý tới nhờ cả sản lượng và lợi nhuận trong quý trước đều thấp, trong khi lợi nhuận Q3 của NKG có thể điều chỉnh so với mức của Q2 do giá xuất khẩu bình quân thấp hơn.

Về dài hạn, SSI Research cho rằng giá thép đã trải qua khoảng hai năm điều chỉnh kể từ mức đỉnh năm 2021, do vậy có xu hướng ổn định và hồi phục dần. Tuy nhiên, thời điểm vẫn chưa rõ ràng do nhu cầu toàn cầu yếu và nguồn cung ổn định từ Trung Quốc.

Tác giả: Minh An

Theo: Vietnamdaily
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến