Kỳ vọng từ sức bật nền kinh tế
Sau nhịp tăng trưởng mạnh trong tháng 6, tăng trưởng tín dụng có phần sụt giảm trong tháng 7, nhưng diễn biến chung của nền kinh tế vẫn mở ra kỳ vọng cho các ngân hàng đẩy mạnh cho vay trong những tháng còn lại cuối năm.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tín dụng đã đáp ứng các yêu cầu chung của nền kinh tế. Riêng tín dụng thuộc các lĩnh vực ưu tiên đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mặt bằng chung, đặc biệt, tín dụng nông nghiệp nông thôn có tỷ trọng lớn nhất trong các lĩnh vực ưu tiên.
Đại diện NHNN cho biết, các yếu tố khách quan từ nền kinh tế cũng đang phát đi những tín hiệu tích cực, khi kinh tế tăng trưởng tốt thì nhu cầu vay vốn cũng sẽ tăng cao hơn. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng khá, thể hiện rõ xu hướng phục hồi của nền kinh tế với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024. Tính chung GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. Nhiều tổ chức quốc tế gần đây đã đưa những dự báo lạc quan về tăng trưởng GDP cả năm 2024, với khả năng có thể đạt khoảng 6,5% - 6,9%.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều mà MB và các ngân hàng kỳ vọng nhất là sức hấp thụ của nền kinh tế. Ngoài sức hấp thụ của nền kinh tế, hiện nay các ngân hàng đều có các giải pháp tổng hợp, không có giải pháp duy nhất nào để đảm bảo tăng trưởng tín dụng và hấp thụ thị trường. Riêng với MB, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này năm nay khoảng 15,5% và ngân hàng dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu vào khoảng giữa quý IV.
Vẫn cảnh báo các yếu tố rủi ro
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngân hàng quý III/2024 do Vụ Dự báo thống kê thuộc NHNN thực hiện cho thấy, các tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể cải thiện tốt hơn trong quý III/2024 so với quý II/2024 và trong năm 2024 so với năm 2023 khi nền kinh tế có nhiều diễn biến tích cực và phục hồi.
Trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Theo nhận định của các tổ chức tín dụng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý II/2024 vẫn duy trì trạng thái tốt. Các ngân hàng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong quý III/2024 và cả năm 2024 so với năm 2023.
Về kỳ vọng lợi nhuận, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý II/2024 có cải thiện, nhưng chưa thực sự rõ nét so với quý I/2024 và chưa đạt được như kỳ vọng của các ngân hàng. 70 - 75,5% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý III/2024 và cả năm 2024. Trong năm 2024, 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 11% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 và 2,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo về rủi ro cho vay, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp thuộc Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, nợ xấu tăng cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Trong khi đó, trong kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngân hàng quý III/2024 cũng đưa ra thông tin cho biết, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tiếp tục tăng trong quý II/2024 và được dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhẹ trong quý III/2024. Đánh giá tổng thể năm 2024, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục tăng nhẹ, nhưng tốc độ tăng mặt bằng rủi ro đã chậm lại so với năm 2023.
Về mặt cơ chế, các ngân hàng cũng đã được thực hiện kéo dài thời gian giãn, hoãn nợ cho khách hàng gặp khó khăn đến hết năm 2024. Việc này được thực hiện theo Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Việc được thực hiện kéo dài thời gian hoãn, giãn nợ giúp các ngân hàng không phải chuyển nhóm nợ với một số khoản nợ mà thực chất khách hàng vẫn khó khăn chưa trả được nợ, giúp phần nào không làm cho số liệu nợ xấu bị tăng lên trên sổ sách.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 02 và Thông tư 06, các ngân hàng vẫn phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ đang thực hiện giãn, hoãn nợ cho khách hàng thuộc đối tượng này. Theo đó, việc này cũng vẫn sẽ làm giảm lợi nhuận tương ứng với số tiền phải thực hiện trích lập dự phòng.
Tăng trưởng tín dụng quý III/2024 có thể đạt 3,7% Vụ Dự báo thống kê của Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự báo, dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,7% trong quý III/2024 và tăng 14,1% trong năm 2024. Dự báo này đã được điều chỉnh tăng 0,47% so với mức dự báo 13,6% tại kỳ điều tra trước. Huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,3% trong quý III/2024 và tăng 10,1% trong năm 2024. |
Tác giả: Chí Tín