Dòng sự kiện:
Lợi nhuận ngân hàng sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao
06/10/2022 11:24:51
Động lực tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ suy giảm khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng.

Dư địa tăng trưởng không còn nhiều

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) vừa công bố báo cáo cập nhật ngành ngân hàng. Cụ thể, Agriseco nhận định hạn mức tín dụng không còn nhiều.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đầu năm đạt 9,91%. Như vậy, với mục tiêu tăng tín dụng trong hạn mức 14% thì room tín dụng trong 4 tháng cuối năm chỉ còn khoảng 4%.

Vừa qua, NHNN đã có quyết định nới room chính thức cho các ngân hàng với mức tăng có sự phân hóa, dao động từ 0,7% - 4%. Ước tính quy mô điều chỉnh thêm vừa qua vẫn chưa chạm tới mục tiêu 14% trong bối cảnh NHNN phải cân đối giữa ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Do đó, Agriseco kỳ vọng vào một đợt bổ sung room giai đoạn cuối năm cho một số ngân hàng.

Bên cạnh đó, Agriseco dự báo NIM toàn ngành có thể chịu áp lực thời gian tới khi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay được duy trì ổn định.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỉ giá neo cao, thanh khoản căng, lãi suất liên ngân hàng có lúc tăng vượt mức kỷ lục 7,5% trong gần một thập kỷ, vừa qua NHNN đã điều chỉnh tăng các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu) thêm 1% sau gần 2 năm ổn định mức thấp.

Cùng với đó, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn (1 tháng đến dưới 6 tháng) được tăng lên mức 5% trong khi lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 0,5%.

Agriseco cho rằng, NIM các ngân hàng sẽ chịu áp lực trong thời gian tới khi định hướng điều hành của NHNN hiện nay là tăng lãi suất huy động nhưng vẫn cố gắng duy trì ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế.

Thêm vào đó, Thông tư 08/2021 quy định về điều chỉnh mức trần tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 37% hiện tại xuống 34% vào đầu tháng 10 cũng có thể khiến chi phí vốn các ngân hàng gia tăng (do phải tăng huy động dài hạn khiến chi phí vốn cao hơn).

Tuy nhiên, Agriseco duy trì quan điểm NIM vẫn sẽ có sự phân hóa khi NIM có thể ổn định tại các ngân hàng tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng, đẩy mạnh phát triển công nghệ số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và có khả năng huy động vốn từ thị trường quốc tế.

Kỳ vọng tỉ lệ CASA tại các ngân hàng sẽ có thể hồi phục trở lại thời gian tới (khi tín dụng được nới) sau đà giảm chung ở quý II/2022.

Như vậy, Agriseco đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021. Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này kỳ vọng một số yếu tố có thể hỗ trợ cho nhóm ngân hàng thời gian tới bao gồm việc có thể có thêm đợt nới room vào cuối năm cho một số ngân hàng khi hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn dưới mục tiêu 14%, các kế hoạch tăng vốn dự kiến được triển khai thời gian tới và định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được chiết khấu về mức hấp dẫn khi giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm.

Áp lực gia tăng nợ xấu

Về bức tranh tài chính, nợ xấu của ngành ngân hàng có thể tăng sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực. Theo đó, tổng nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) của các ngân hàng được niêm yết tại thời điểm 30/6/2022 đã tăng 10,4% so với thời điểm 31/12/2021. Điều này có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai.

Một số ngân hàng có mức tăng so với đầu năm như: Vietcombank (tăng 70,1%), MBBank (tăng 44,9%), Lienvietpostbank (tăng 42,9%). Ngược lại, một số ngân hàng có nợ nhóm 2 giảm là: ABBank ( giảm 44,6%), ACB (giảm 20,7%), MSB (giảm 20,7%), VPBank ( giảm 9,6%),...

Nợ tái cơ cấu tại đa số các ngân hàng đã giảm so với đầu năm khiến tỉ lệ nợ trên/tổng dư nợ thời điểm 30/6/22 ở mức khá thấp, điển hình tại Techcombank, VIB và Vietcombank lần lượt là 0,1%, 0,3% và 0,4%. Biến động tích cực trên sẽ giúp những ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng nợ tái cơ cấu trước đó có thể được hoàn nhập trong tương lai.

Ngược lại, những ngân hàng có tỉ lệ nợ tái cơ cấu ở mức cao và dự phòng rủi ro các khoản nợ trên thấp sẽ có thể chịu áp lực nợ xấu gia tăng. Agriseco cho rằng khi Thông tư 14 hết hạn vào cuối tháng 6 vừa qua sẽ phản ánh lên nợ xấu các ngân hàng thời gian tới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Agriseco Research duy trì đánh giá rủi ro nợ xấu là hiện hữu và cần theo dõi. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng đã chủ động đẩy mạnh việc trích lập dự phòng lên mức cao kỷ lục cùng công tác quản trị rủi ro đang ngày càng được nâng cao trong hệ thống ngân hàng, khiến rủi ro nợ xấu, nên Agriseco cho rằng không quá lo ngại.

Về tình hình kinh doanh, tỉ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng trên 50%. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng nửa cuối năm của các ngân hàng có thể gặp áp lực khi mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng được NHNN điều chỉnh nhưng vẫn thấp hơn so với kỳ vọng.

Agriseco cho rằng, để đạt được kế hoạch đặt ra đầu năm, các ngân hàng có thể phải có những giải pháp riêng như cơ cấu lại vốn tín dụng (đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tăng thu hồi nợ…) và tăng thu ngoài lãi. Trong khi đó, các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao, bộ đệm rủi ro và room tín dụng thấp sẽ gặp áp lực.

Tác giả: Lê Thanh Hồng

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến