Dòng sự kiện:
Lợi nhuận phân hóa mạnh, thách thức chực chờ ngân hàng
07/01/2024 15:13:14
Tăng trưởng tín dụng và nợ xấu là hai yếu tố chính tác động đến hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024.

Hoàn thành chỉ tiêu

Sacombank vừa là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2023, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tăng 50% so năm 2022, đạt 9.500 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Tổng tài sản của Ngân hàng ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng, cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của PVcomBank, ông Nguyễn Việt Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, PvcomBank đã hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Cụ thể, năm 2023, doanh thu của Ngân hàng ước đạt 129% kế hoạch giao, lợi nhuận trước thuế ước đạt 100% kế hoạch, giao nộp ngân sách nhà nước ước đạt 225% kế hoạch được giao, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lớn hơn 8%.

Trong khi đó, VIB dự báo lãi cả năm 2023 đạt 8.640 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2022. Dự báo lợi nhuận cho thấy, ngân hàng không đạt được mục tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đã đề ra. Tuy nhiên, con số này phù hợp với ước tính của lãnh đạo Ngân hàng. 

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, MB lãi hơn 20.300 tỷ đồng sau thuế năm 2023, nâng giá mục tiêu lên 25.900 đồng/cổ phiếu. Mức tăng trưởng tín dụng cao, khả năng NIM (biên lãi ròng) được cải thiện, chất lượng tài sản cao hơn trung bình và định giá hấp dẫn là những yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu MBB.

Dựa vào kết quả kinh doanh các quý trước, nhiều dự báo cho rằng, lợi nhuận ngân hàng năm 2023 đối mặt với sự phân hóa mạnh, thậm chí có nơi còn khó cán đích mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, nhiều ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh, tăng trưởng lợi nhuận âm so với năm trước, như ABBank giảm 59,6%; Eximbank giảm 46,5%; VietABank giảm 25,7%...

Trong 28 ngân hàng đã báo cáo tài chính quý III/2023 được thống kê cho thấy, có 8 tổ chức có lợi nhuận chưa vượt qua mốc 50% kế hoạch năm. Có ngân hàng chỉ mới thực hiện được 15-30%. Phần còn lại đã hoàn tất được 50-60% kế hoạch năm.

Năm 2024 sẽ ra sao?

VNDirect đã hạ dự báo năm 2024 với MB, lợi nhuận được kỳ vọng đạt 22.381 tỷ đồng, giảm 2,5% so với dự báo cũ. Các nhà phân tích đã nâng dự phóng tăng trưởng cho vay của MB từ 19,8% lên 22,5%, phản ánh triển vọng tín dụng mạnh mẽ. Tuy nhiên, dự phóng thu nhập ngoài lãi được điều chỉnh giảm 8,1% trong năm 2024, do phân khúc bán bảo hiểm (bancassurance) và tư vấn tài chính đang gặp khó khăn.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, tăng trưởng tín dụng và nợ xấu là hai yếu tố chính tác động đến hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024. Cả hai yếu tố này đều phụ thuộc vào sự hồi phục của nền kinh tế cùng với tác động từ cách thức điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Theo đó, nếu các ngân hàng trung ương trên thế giới đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, tăng trưởng kinh tế trong nước phục hồi, thì nợ xấu sẽ giảm và tăng trưởng tín dụng khả quan, tác động tích cực lên hoạt động của ngành ngân hàng trong năm 2024. Nếu ngược lại, thì sẽ còn khó khăn.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức 12% và vẫn chịu áp lực từ nền kinh tế, cũng như thị trường bất động sản chậm phục hồi. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế toàn ngành có thể không bằng năm ngoái, nhưng sẽ đạt khoảng 10%. Tuy nhiên, sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng tiếp tục diễn ra và càng mạnh mẽ hơn ở năm 2024.

Theo đó, trong trường hợp thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lợi nhuận các ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Ngược lại, ngân hàng có bộ “đệm” mạnh hay những ngân hàng có kế hoạch tăng vốn năm nay, sẽ có động lực tăng trưởng mạnh, kỳ vọng vượt bình quân ngành, với mức tăng trưởng lợi nhuận 18-20%.

Giới phân tích tài chính cho rằng, thời gian qua, dù ngành ngân hàng có những bước đệm trong việc trích lập dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu, giảm cho vay vào lĩnh vực rủi ro, nhưng đến khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực (từ tháng 6/2024), thì các khoản nợ đang được cơ cấu sẽ về đúng nhóm phân loại nợ và nợ xấu có thể xuất hiện nhiều hơn. Điều này đòi hỏi ngân hàng xuất quỹ dự phòng để xử lý nợ xấu, lợi nhuận vì thế cũng sẽ bị bào mòn hơn.

Tác giả: Vân Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến