Dòng sự kiện:
Lối thoát nào cho Huawei?
22/05/2019 18:30:32
Trong gần hai chục năm qua, Trung Quốc dựng lên một bức tường kỹ thuật số giữa họ với phần còn lại của thế giới.

Đó là rào chắn một chiều để chặn các hãng nước ngoài như Facebook và Google, nhưng tạo điều kiện cho các công ty công nghệ Trung Quốc phát triển thoải mái trong nước và vươn ra thế giới.

Google đã bắt đầu hạn chế cung cấp dịch vụ phần mềm cho Huawei sau lệnh cấm của chính phủ Mỹ. ảnh: New York Times

Giờ đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump chặn nốt chiều còn lại. Google hôm 20/5 thông báo sẽ dừng cung cấp dịch vụ phần mềm cho Huawei, sau khi Nhà Trắng hạn chế hãng công nghệ viễn thông Trung Quốc này tiếp cận công nghệ Mỹ. Phần mềm của Google giúp điện thoại thông minh của Huawei hoạt động, và các ứng dụng được tải sẵn về thiết bị Huawei đang được bán trên khắp thế giới.

Chính quyền Trump vừa tạm nới lỏng hạn chế Huawei, nhưng chủ yếu để giúp các nhà cung cấp dịch vụ mạng ở nông thôn đang sử dụng thiết bị của Huawei. Đối với Huawei và hầu hết các công ty Mỹ khác, lệnh cấm vẫn nguyên hiệu lực.

Hiện nay Trung Quốc vẫn đang kiểm soát chặt chẽ hoạt động trên mạng của người dân, khiến 1/5 cộng đồng sử dụng internet của thế giới không tra cứu trên Google hay đăng ký kênh YouTube. Lệnh cấm mới của Mỹ sẽ càng tăng tốc quá trình dẫn đến ngày người dân Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng điện thoại và thiết bị Trung Quốc với chip và phần mềm nội địa.

Nhưng trong nỗ lực vươn ra quốc tế, những công ty như Google trao cho Huawei một nền tảng chung cho tất cả khách hàng ngoài Trung Quốc. Điện thoại và các thiết bị khác của Huawei được tải Google Play, kho ứng dụng và giải trí, những ứng dụng phổ biến khác như Gmail và YouTube. Giấy phép sử dụng hệ điều hành Android giúp khách hàng của Huawei cập nhật bảo mật và các tính năng mới cho thiết bị của họ.

Nếu Google chấm dứt hợp tác, Huawei sẽ phải sử dụng nền tảng của riêng họ. Nhiều khách hàng nước ngoài như ở châu Âu sẽ không thích những xáo trộn như vậy. Trong cả chục năm qua, Trung Quốc đã cố gắng xây dựng hệ điều hành của riêng họ nhưng chưa thành công lắm. Những hãng khác có thể sẽ làm theo Google, khiến giấc mơ mở rộng thị trường quốc tế của Huawei thêm áp lực.

“Bước đi của chính quyền Trump bao hàm hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người Trung Quốc”, báo New York Times dẫn lời bà Nicole Peng, một nhà phân tích tại hãng nghiên cứu công nghệ Canalys. “Điều đó đến sớm hơn dự đoán. Nhiều người giờ mới nhận ra nó đã trở thành sự thật”, bà Peng nói.

Chưa rõ bước đi của chính quyền Trump có thực sự cô lập được Huawei với phần còn lại của thế giới không. Nhưng có chuyên gia nói Trung Quốc vẫn còn quân bài để chơi. Hôm 20/5, báo chí Trung Quốc đưa tin chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm một mỏ đất hiếm - các loại khoáng sản thiết yếu chế tạo nhiều sản phẩm công nghệ. Chuyến thăm của ông Tập có vẻ là lời nhắc nhở rằng Trung Quốc đang thống trị ngành đất hiếm và có thể dừng cung cấp ra bên ngoài, như họ từng làm trước đây.

Dù Mỹ vừa đẩy Huawei vào tình thế khó khăn, giới phân tích cho rằng vụ việc tương tự giữa chính quyền Trump và một hãng viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE cho thấy Huawei vẫn còn lối thoát.

Theo các nhà phân tích, nếu chính quyền Trump đang sử dụng Huawei, hãng có quy mô lớn hơn nhiều ZTE, làm công cụ mặc cả trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc, Washington có thể đòi hỏi Trung Quốc nhượng bộ chính trị để đổi lấy việc nới lỏng hạn chế đối với tập đoàn này. Nhưng Huawei không ngồi yên chờ 2 chính phủ giải quyết vấn đề. Tháng 3 năm nay, Huawei đã kiện chính phủ Mỹ kìm hãm ảnh hưởng toàn cầu của họ. Các quan chức chính phủ Mỹ chưa bình luận gì về vụ kiện, CNN đưa tin.

Theo Tiền phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến