Đắk Doa là thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Sơn Liên (huyện Sơn Tây). Để đến Đắk Doa phải mất 30 phút vượt qua quãng đường chỉ hơn 3 km.
Tại thôn Đắk Doa có 3 điểm lẻ của trường Tiểu học Sơn Liên nằm cách xa nhau. 3 điểm trường này chỉ vỏn vẹn 30 học sinh.
Điểm lẻ đầu tiên nằm ở đầu thôn Đắk Doa. Trong căn phòng cấp 4 đã cũ là 3 học sinh lớp 1 do cô Đinh Thị Thiết (sinh năm 1983, xã Sơn Dung, Sơn Tây) phụ trách. 6 năm gắn bó với điểm trường Đắk Doa, cô Thiết luôn ước mình có 10 học sinh trong lớp để dạy.
"Vừa tốt nghiệp là mình lên đây dạy. Năm đầu còn được 9 học sinh, sau đó số học sinh ít dần, đến giờ chỉ còn 3 em. Dân cư ở đây thưa thớt nên học sinh rất ít, các em lại nhỏ nên không thể đi xa học tập trung. Dạy một lớp chỉ có mấy em thế này buồn lắm nhưng biết phải làm sao", cô Thiết chia sẻ.
Gắn bó với những học sinh người Ca dong ở thôn Đắk Doa 6 năm, cô Thiết không chỉ là cô giáo mà còn là người mẹ của các em. Dù thu nhập ít ỏi thế nhưng cô vẫn trích lương mua thêm sách vở hoặc chăm sóc các em những lúc ốm đau.
"Nhà xa trường, đường đi rất khó nên mình ở lại luôn đến cuối tuần mới về. Ở đây ít dân cư nên buồn lắm. Nhiều hôm phải xin phụ huynh cho các em ở lại trường. Ở đây, các em chính là nguồn vui lớn nhất. Giờ chỉ mong sao lớp có thêm học sinh để cô trò cùng nhau học tập, vui chơi", cô Thiết mong ước.
Cách điểm trường của cô Thiết gần 2 km là hai điểm lẻ khác dành cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5. Trong đó, điểm trường của lớp 2 cũng chỉ có 5 học sinh. Điểm đông nhất là điểm xóm ông Ngang với 22 học sinh của 3 khối lớp. Trong đó, lớp 3 có 10 học sinh, lớp 4 có 9 học sinh và lớp 5 chỉ có 3 học sinh.
Điểm trường này do 3 thầy giáo phụ trách giảng dạy. Họ đều là những giáo viên từ các huyện đồng bằng lên vùng cao công tác. Nhiều người đã gắn bó với giáo dục vùng cao gần 10 năm.
Thầy Bùi Nguyên Bảo (sinh năm 1987) có quê ở TP. Quảng Ngãi. Từ khi ra trường, thầy Bảo đã đến với giáo dục vùng cao, trong đó có 3 năm gắn bó với điểm trường xóm ông Ngang của thôn Đắk Doa.
Được phụ trách lớp học đông nhất với 10 học sinh, thế nhưng thầy Bảo không giấu được những nỗi niềm khi phụ trách lớp học "đặc biệt". "Chỉ có lòng yêu nghề, yêu trẻ mới có thể giữ chân được thầy cô giáo ở những nơi xa xôi với những lớp học chỉ có vài học sinh như thế này. Dạy một lớp quá ít học sinh rất khó. Đôi lúc thấy buồn nhưng nghĩ lại vì các em nên phải cố gắng", thầy Bảo tâm sự.
Ông Bùi Thế Giới - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây, cho biết: ngành chưa có kinh phí xây dựng nhà bán trú cho các em, trong khi đó địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư thưa thớt nên nhiều học sinh nhỏ tuổi không thể vượt quãng đường xa để đến điểm trường chính. Vì vậy, toàn huyện phải duy trì 11 điểm trường lẻ để đảm bảo cho các em được ra lớp đúng quy định.
Theo Dân trí
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy