Liên quan việc điều tra sự cố metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ngày 25/1, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết quá trình thi công trên công trường vẫn diễn ra nhằm đảm bảo tiến độ các hạng mục còn lại của dự án.
Song, do gối cầu tại vị trí VD14 (đoạn cầu cạn xảy ra sự cố trượt gối) có một phần bê tông đầu dầm bị nứt vỡ khiến bước thi công cáp thuộc gói thầu CP3 (nhà thầu Hitachi phụ trách) chịu ảnh hưởng.
Gối cầu bị phát hiện xê dịch vị trí tại trụ P12-34, đoạn cầu cạn VD12-34 (ngã tư Thủ Đức - Bình Thái, TP Thủ Đức). Ảnh: T.T.
Để giải quyết vấn đề này, tại cuộc họp gần nhất vào tháng 1, Tư vấn giám sát NJPT đề xuất 4 phương án đảm bảo khả năng chịu lực an toàn cho người và thiết bị thi công tại đoạn dầm bị hỏng.
Hướng thứ nhất, tạm dừng kéo cáp tại gói thầu CP3 cho đến khi sự cố được giải quyết. Hướng thứ 2, vẫn tiếp tục kéo cáp theo kế hoạch của Hitachi, với điều kiện nhà thầu SCC chịu hoàn toàn trách nhiệm về sau. Hướng thứ 3, kéo cáp với các hộp nối kỹ thuật chờ sẵn. Và hướng thứ 4, vẫn kéo cáp theo cách thức chuyển hướng thi công tại đoạn dầm hỏng VD14.
Sau khi trao đổi dựa trên 4 hướng đề xuất nêu trên, MAUR đề nghị nhà thầu Hitachi tiếp tục thi công kéo cáp tại các vị trí đủ điều kiện.
"Việc này nhằm đảm bảo tiến độ dự án với 2 mũi thi công khác nhau, nhưng không bao gồm đoạn dầm hỏng VD14 đến khi hoàn thành các đánh giá kỹ thuật, an toàn của đoạn dầm", đại diện MAUR cho hay.
Ngoài ra, MAUR cho biết các gối cao su bản thép trên hệ thống cũng đang được quan trắc lại toàn bộ để có căn cứ xem xét độ tiếp xúc êm thuận giữa đáy dầm và gối cầu, từ đó đánh giá độ ổn định của các gối này.
Tư vấn giám sát NJPT đề xuất 4 phương án khả năng chịu lực an toàn cho người và thiết bị thi công tại đoạn dầm bị hỏng. Ảnh: Duy Hiệu.
Trước đó, tháng 10/2020, MAUR phát hiện vụ trượt gối cao su khỏi đá kê đầu tiên tại trụ P14-10 (VD14, đoạn ga Công nghệ cao, hướng Bến Thành đi Suối Tiên). Sự cố chưa rõ nguyên nhân thì mới đây, tháng 1/2021, một gối cầu khác (VD12, đoạn ngã tư Thủ Đức và Bình Thái) được phát hiện trong tình trạng xê dịch vị trí.
Hội đồng chuyên gia đánh giá các sự cố này có thể không phải hiện tượng đơn lẻ. Đến nay, các bước thí nghiệm, quan trắc chất lượng, kỹ thuật gối vẫn đang diễn ra.
Chủ đầu tư MAUR đề nghị nhà thầu và các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, báo cáo chính thức nguyên nhân vụ việc để sớm có phương án khắc phục và các biện pháp phòng ngừa trong tương lai đối với 2 khu vực cầu cạn VD14 và VD12 nêu trên.
Metro số 1 dài 19,7 km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình, tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đến tháng 1, công trình đạt hơn 81% tổng khối lượng. Thành phố đặt mục tiêu đưa dự án khai thác cuối năm 2021.
Tác giả: Thư Trần
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy