Dòng sự kiện:
Luật an toàn thông tin: Cấm tin nhắn, email rác
04/06/2015 18:32:55
ANTT.VN – Việt Nam lần đầu ban hành Luật An toàn thông tin - đây là một trong những nội dung làm nóng nghị trường tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng nay 4.6.2015

Tin liên quan

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình Dự thảo Luật An toàn Thông tin (nguồn: quochoi.vn)

Hoàn thiện hành lang pháp lý về an toàn thông tin

Trình bày tại Quốc hội về sự cần thiết phải ban hành Luật An toàn thông tin (ATTT), Bộ trưởng Bộ thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Sơn cho biết: Công nghệ Internet phát triển như vũ bão cùng với tính chất hai mặt của nó đang là mối thách thức đối với việc thực thi luật pháp để điều chỉnh những hành vi lợi dụng mạng Internet nhằm tuyên truyền, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, độc hại, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Đặc biệt, việc tấn công vào các trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử và dịch vụ trực tuyến ở Việt Nam được dàn dựng bởi các nhóm tội phạm đang ngày càng phổ biến hơn, nhằm làm gián đoạn, gây thiệt hại về uy tín chính trị và kinh tế của đất nước.

Dưới góc độ cá nhân, sự hoành hành của tin nhắn, email rác mang tính chất quảng cáo thương mại đang hàng ngày hàng giờ phát tác, gây phiền toái không ít cho cá nhân người sử dụng các phương tiện thông tin như điện thoại, internet…

Trong khi đó, cũng tại Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật ATTT nói trên, Bộ trưởng Son cho biết: thực tiễn thời gian qua, hành lang pháp lý về an toàn thông tin còn thiếu, không đồng bộ và chưa theo kịp với hiện trạng phát triển của xã hội cũng như hội nhập quốc tế. Việt Nam chưa có một văn bản ở tầm luật để điều chỉnh toàn diện hoạt động an toàn thông tin trên mạng bảo đảm một môi trường mạng an toàn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bởi vậy, một trong những mục đích xây dựng luật là để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Dự thảo Luật ATTT trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp lần này gồm 9 chương, 56 điều. Dự thảo quy định về hoạt động an toàn thông tin, bao gồm: Bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; Bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; Mật mã dân sự; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin; Kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin; Phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; Quản lý nhà nước về an toàn thông tin; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin.

Dự thảo Luật ATTT lần đầu được xây dựng nhưng cũng đã kịp thời điều chỉnh những vấn đề rất nóng như vấn đề phát tán tin nhắn, email rác (Khoản 2 Điều 1 của Dự thảo Luật ATTT quy định: “Tổ chức, cá nhân không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý, yêu cầu, hoặc người tiếp nhận thông tin từ chối, trừ trường hợp người tiếp nhận có nghĩa vụ phải tiếp nhận thông tin theo quy định của pháp luật”); Vấn đề quy trách nhiệm cho các tổ chức, đơn vị kinh doanh viễn thông trong bảo vệ người tiêu dùng trước nạn mất an toàn thông tin (Khoản 3 Điều 11 quy định: “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phải có biện pháp quản lý, phát hiện và ngăn chặn phát tán thông tin, phần mềm độc hại, thư rác từ địa chỉ Internet do mình quản lý và cung cấp theo yêu cầu của cơ quan chức năng”); Vấn đề kinh doanh trái phép thông tin cá nhân của khách hàng (Khoản 2 Điều 29 buộc các “ Tổ chức, cá nhân không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân thu thập, tiếp cận hoặc kiểm soát được cho bên thứ ba trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”)...

Đề nghị đưa dịch vụ Viber, Skype, WeChat vào luật An toàn thông tin

Đây là đề nghị khá thu hút dư luận của Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật An toàn thông tin vừa được công bố tại phiên họp Quốc hội sáng nay. Theo Ủy ban này, các dịch vụ OTT (over the top) như Viber, Skype, Zalo, Wechat... hiện đang rất phát triển, nguy cơ mất ATTT qua các dịch vụ này là rất cao. Nhưng dự thảo chưa có quy định rõ, vì vậy cần bổ sung quy định về các dịch vụ này trong dự Luật ATTT.

Mặt khác, theo Báo cáo thẩm tra, Dự thảo Luật ATTT vẫn còn một số điểm cần bổ sung, điều chỉnh. Cụ thể, Báo cáo chỉ ra rằng phần lớn nội dung của dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên mạng (bao gồm mạng viễn thông, internet và mạng máy tính), do đó, tên gọi của dự thảo Luật nên đổi thành Luật an toàn thông tin mạng để bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng phải là một nội dung cơ bản, quan trọng trong Luật này. Nhưng quy định trong dự thảo Luật có dung lượng và nội hàm còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, Dự thảo Luật chưa có sự phân biệt trong việc thu thập, xử lý, sử dụng các thông tin do cá nhân thực hiện khai báo theo yêu cầu của tổ chức cung cấp dịch vụ với các thông tin cá nhân do cá nhân chủ động đưa lên mạng. Do vậy, chưa thể hiện được một cách toàn diện trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong việc bảo vệ, bảo đảm an toàn đối với từng loại thông tin cá nhân.

Dự thảo cũng chưa chỉ ra được những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân cũng như chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định có tính khả thi hơn về bảo vệ thông tin cá nhân trên cơ sở Bộ luật dân sự (sửa đổi), kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo chương trình kỳ họp, dự kiến Quốc hội thảo luận tại hội trường để xem xét, cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật an toàn thông tin vào 24/6 tới.
 
 HY (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến