Dòng sự kiện:
Luật báo chí (sửa đổi) có gì mới?
05/04/2016 17:41:25
ANTT.VN - Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) vừa được 89,47% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua trong phiên họp sáng nay 5/4. Luật báo chí có nhiều điểm mới quan trọng được dư luận quan tâm.

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Công tác báo chí 2 năm liên tục được cấp thẻ nhà báo

Điều kiện thời gian công tác 3 năm mới được cấp thẻ như luật hiện hành là chủ đề gây tranh luận sôi nổi thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng quy định bắt buộc thời gian 3 năm là quá dài. Luật Báo chí mới đã giảm điều kiện thời hạn công tác của nhà báo từ 3 năm xuống 2 năm với nhà báo được cấp thẻ lần đầu (tuy nhiên giữ nguyên quy định 5 năm đổi thẻ một lần). Đây là một trong những điểm mới quan trọng của Luật báo chí mới.

Trường đại học tư, bệnh viện từ cấp tỉnh được thành lập cơ quan báo chí

Về điều kiện thành lập cơ quan báo chí, ngoài các đối tượng theo luật hiện hành, luật báo chí mới đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của luật Giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của luật Khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.

Như vậy quy định trên cho phép các cơ sở giáo dục, tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài được phép ra tạp chí khoa học.

Báo đăng sai phải cải chính: Báo và trang tin dẫn lại cũng phải đăng cải chính

Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, luật Báo chí mới đã bổ sung một số quy định mới về cải chính như: Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Đồng thời quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí.

Tăng cường bảo vệ nguồn tin

Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, so với luật hiện hành, luật Báo chí mới đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Đồng thời, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.

Luật hóa quy định về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo

Luật Báo chí mới bổ sung, luật hoá những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó quy định Hội nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.

Cấm đưa tin quy kết tội danh khi chưa có kết luận của tòa án

Điều 9 Luật Báo chí mới đã quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, trong đó đã quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn một số hành vi so với Luật Báo chí hiện hành, có bổ sung một số hành vi như: Cấm thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em, thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng....

Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) có 6 chương, 61 điều, có hiệu lực từ 1/7/2016

P.V

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến