Bộ Giáo dục và đào tạo vừa xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành. Điều khoản quy định về chế độ tiền lương trong Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi năm 2009 đã có nội dung mới.
Cụ thể, Điều 81 về tiền lương trong dự thảo nêu cần sửa đổi: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.
Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay lương của nhà giáo nhìn chung còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục.
Cụ thể, theo Bộ Giáo dục và đào tạo, việc sửa đổi, bổ sung Điều 81 về tiền lương của nhà giáo, nhằm thể chế hóa khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 trong việc xác định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Việc đánh giá tác động đối với chính sách này đã được thực hiện khi Bộ Giáo dục và đào tạo trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Gần đây, hàng loạt giáo viên ở nhiều tỉnh viết đơn xin ra khỏi biên chế để tìm một công việc khác bươn trải mưu sinh. Thêm vào đó giọt nước mắt đắng chát của cô giáo Hà Tĩnh 37 năm dạy học khi nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đã tác động rất lớn đến tâm lý của những người đang đứng trên bục giảng.
Có lẽ vì thế, thông tin này như cơn mưa rào giữa trời nắng hạn. Mặc dù dự thảo mới chỉ nằm trên giấy nhưng các thầy cô giáo vẫn không khỏi khấp khởi mừng vui. Nó trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi từ trường về nhà lên đến mạng xã hội.
Cô giáo Hoàng Minh Ngọc, giáo viên trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội)
Cô giáo Hoàng Minh Ngọc, giáo viên trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) hào hứng: “Chị tin chắc các giáo viên sẽ rất vui nếu dự thảo này được Chính Phủ phê duyệt. Nhà nước phải mạnh dạn đầu tư cho giáo dục mà khởi đầu là chế độ đãi ngộ cho nhà giáo. Có như vậy, chất lượng giáo dục mới cao được.
Lương cao, chế độ đãi ngộ nhân tài rõ rệt mới thu hút được các bạn trẻ tài năng thi vào các trường sư phạm. Còn với thế hệ giáo viên đang công tác thì đó như đòn bẩy, động lực để họ làm việc hăng say hơn và sẽ không phải rơi nước mắt vì đồng lương nữa”.
Chị Ngọc cũng tâm sự chính bản thân chị có nhiều lúc rất tủi thân khi so sánh với các nghề khác về lương, thưởng… Ngay cả trong chế độ giải thưởng của trường, quận, ngành cũng quá eo hẹp, không xứng đáng với chất xám và công sức bỏ ra. Sự chênh lệch giữa người có thành tích và người không có thành tích không có nhiều khác biệt dẫn đến mất tinh thần phấn đấu.
“Nói chung, chị thấy chất xám trong ngành giáo dục bị rẻ rúm. Chị hoàn toàn ủng hộ dự thảo của Bộ Giáo dục và đào tạo. Có như vậy, giáo viên không phải lo toan mưu sinh nhiều, họ có thời gian nghiên cứu chuyên sâu. Phải có cả quy định về dạy thêm học thêm cho rõ ràng nữa chứ không để giáo viên vừa bỏ công sức vừa bị mang tiếng như hiện nay”, chị Ngọc chia sẻ thêm.
Thầy giáo Hứa Phát Đại, giáo viên trường Trung học cơ sở xã Phước Long (Phước Long, Bạc Liêu) thì thấy rằng đây là chuyện bình thường vì giáo viên xứng đáng với điều đó. Đáng lẽ lương và phụ cấp của giáo viên phải tăng từ lâu rồi chứ không phải đến tận bây giờ mới được quan tâm.
“Nhưng muộn còn hơn không em ạ. Ở trường anh đang dạy, nhiều giáo viên trẻ phải làm thêm nghề tay trái để mưu sinh. Nhiều giáo viên đã có thâm niên công tác hơn 10 năm mà vẫn bấp bênh. Hay chính bản thân anh chẳng hạn, với đồng lương này thì khó lập gia đình.
Nhà nước cần phải quan tâm hơn. Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Khi người thầy đã cơm no áo ấm chắc chắn họ sẽ dồn hết tâm huyết với nghề, yêu bục giảng hơn, trau dồi chuyên môn để ươm mầm thêm nhiều tài năng cho đất nước”, anh Đại thẳng thắn.
Giáo viên biên chế lo một thì giáo viên hợp đồng lo mười. Trương Thị Loan vừa tốt nghiệp khoa Văn học, trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, đang là giáo viên hợp đồng tại trường Trung học cơ sở Viên An (Ứng Hòa, Hà Nội). Mới đây đây Nhà nước đã cắt giảm biên chế, tức là số lượng giáo viên hợp đồng như Loan sẽ tăng. Mà lương hợp đồng chỉ 1,3 triệu đồng/ tháng.
Cô giáo Trương Thị Loan, giáo viên trường Trung học cơ sở Viên An (Ứng Hòa, Hà Nội)
Loan đã rất sốc khi cầm trên tay tháng lương đầu tiên và không biết phải chi tiêu như thế nào để đủ trong vòng một tháng. Suốt mấy tháng qua, lúc nào Loan cũng trong cảnh giật gấu vá vai và chẳng còn biết cảm giác được mặc một chiếc áo mới là gì. Loan mong muốn lương và phụ cấp của giáo viên hợp đồng sẽ tăng để cuộc sống dễ thở hơn.
Ngay từ khi em Nguyễn Minh Thư, quê Hưng Yên chọn thi vào trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đã phải nghe không ít lời khuyên can từ người thân, bạn bè như “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, thất nghiệp rồi đồng lương ba cọc ba đồng… nhưng Thư quyết tâm theo đuổi đến cùng vì ngay từ khi còn bé em đã rất thích chơi trò đóng vai làm cô giáo.
Thư cảm nhận được sự lo lắng của bố mẹ qua mỗi cuộc điện thoại hay những lần về thăm quê. Thư hiểu được nỗi lo ấy vì nó cũng luôn canh cánh trong lòng em. Liệu rằng ra trường đồng lương giáo viên bèo bọt có đủ nuôi sống Thư trên mảnh đất Thủ đô cái gì cũng đắt này?
“Nghe được thông tin này, em vội gọi về khoe với mẹ. Hai mẹ con cùng nói với nhau rằng mong nó sẽ thành hiện thực để sinh viên sư phạm chúng em bớt một mối lo”, Thư hào hứng.
Tâm sự với những giáo viên đang và sắp đứng trên bục giảng, chúng tôi cảm nhận được đam mê, khao khát mãnh liệt gắn bó với nghề. Họ mong dự thảo này sớm được Chính Phủ phê duyệt để thầy cô ấm lòng, vững tay chèo đưa lớp lớp học trò cập bến tri thức.
Mạnh Long
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy