Lương thực Vĩnh Long: Hạt gạo làng ta, có bão tháng bảy. Có mưa tháng ba...
10/12/2015 15:57:40
ANTT.VN – Cổ phiếu rơi vào diện kiểm soát và ngừng giao dịch, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp, đóng cửa và giải thể hầu hết xí nghiệp nhà máy thủy sản 100 tỷ đồng, CTCP Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long thực sự đang lâm vào cảnh khốn cùng, nguy cơ mất vốn nhà nước rất cao. "Hạt gạo làng ta" đang đối mặt với muôn vàn khó khăn...

Tin liên quan

Nguy cơ mất 47,8 tỷ đồng vốn nhà nước của Vinafood 2

Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (HSX: VLF) được chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần từ năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 52 tỷ đồng, tiền thân là Công ty lương thực thực phẩm Vĩnh Long.

Sau đó, VLF đã liên tục thực hiện tăng vốn điều lệ, mở rộng vùng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 5 xí nghiệp sản xuất lúa gạo xuất khẩu tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang và đặc biệt nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed 100 tỷ đồng tại Đồng Tháp.

Hiện tại, vốn điều lệ của VLF là 119,6 tỷ đồng với vốn góp của nhà nước – Tổng công ty Lương thực Miền Nam chiếm tỷ lệ 40% - cổ đông lớn nhất hiện nay của công ty.

Thị trường xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn đầu ra khiến tình hình kinh doanh Vinh Long Food lỗ lũy kế đến 1167,3 tỷ đồng, nguy cơ mất vốn nhà nước rất lớn

Từ sau khi được niêm yết trên sàn chứng khoán TP Hồ Chí Minh – sự kiện được coi là bước ngoặt trong tình hình kinh doanh của Vĩnh Long Food, nhưng công ty không tận dụng được những lợi thế mà ngược lại, tình hình ngày càng bết bát với số lỗ báo cáo định kỳ ngày càng tăng.

Từ năm 2013, VLF lỗ 19,4 tỷ đồng, con số này tăng lên 63,63 tỷ đồng và chỉ tính tiêng 9 tháng đầu năm 2015, VLF báo lỗ thêm 86,055 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số lỗ lũy kế tính đến 30/09/2015 của CTCP Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long là 167,336 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với số vốn góp của cổ đông hiện tại. Số tiền mà Vinafood 2 đầu tư vào VLF là 47,8 tỷ đồng có nguy cơ không thu hồi lại được.

Lối thoát nào cho lúa gạo Vĩnh Long?

Nguyên nhân thua lỗ được Vĩnh Long Food đưa ra do tình hình thị trường không thuận lợi và Công ty gặp khó khăn về tài chính nên chỉ hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014. Mặc dù không hoạt động nhưng VLF vẫn phải gánh chịu chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp nên kết quả kinh doanh ngày càng bết bát.

Ngoài ra, VLF còn gặp khó khăn về tài chính do hệ lụy từ việc đầu tư Nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed, công nợ tồn đọng chậm thu hồi.

Từ tháng 7/2014, nhằm giảm bớt chi phí, HĐQT của VLF đã thông qua quyết định cho ngừng hoạt động Nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed (sau đó đã được bán với giá 56 tỷ đồng cho CTCP Thức ăn chăn nuôi Spotlight vào tháng 4/2015), ngừng kinh doanh ngành hàng siêu thị do hoạt động không hiệu quả và đẩy mạnh bán hàng hóa tồn kho, các tài sản không cần dùng để thu hồi vốn, trang trải chi phí kéo dài hoạt động cho Công ty.

Nhà máy thức ăn thủy sản Domyfeed được Vinh Long Food mua với giá 100 tỷ đồng vào cuối năm 2012 và bán lại với giá 56 tỷ đồng vào tháng 4/2015

Cổ phiếu VLF cũng rơi vào diện kiểm soát và tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 10/04/2015 do lợi nhuận sau thuế cả hai năm 2013 và 2014 là số âm, lỗ lũy kế cũng đã vượt quá vốn điều lệ thực góp.

Trước tình hình đó, cổ đông lớn là Tổng công ty Lương thực Miền Nam và bản thân VLF đã có những thay đổi nội bộ như bãi miễn nhiệm một số thành viên ban lãnh đạo và nỗ lực tìm ra con đường mới cho Công ty.

Ngày 29/09,  VLF miễn nhiệm Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Vinh theo nguyện vọng cá nhân. Bên cạnh đó, công ty còn quyết định “khai tử” 4/5 chi nhánh trực thuộc công ty kể từ 01/10/2015 là Xí nghiệp Mỹ Thới (tại TP Long Xuyên, An Giang), Xí nghiệp An Bình (Quận Ninh Kiểu, Cần Thơ), Xí nghiệp Tân Thạnh (huyện Thới Lai, Cần Thơ) và xí nghiệp Bao Bì (huyện Long Hồ, Vĩnh Long).

Tiếp đến, ngày 23/11 vừa qua, Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đã cử ông Phạm Văn Ẩn thay cho ông Nguyễn Ngọc Nam đại diện 20% vốn nhà nước tại đây và tham gia HĐQT công ty. Theo đó, HĐQT của VLF đã bầu bổ sung ông Phạm Văn Ẩn làm ủy viên HĐQT và bầu thay thế ông Châu Hiếu Dũng làm chủ tịch HĐQT.

Ngay sau đó, ngày 27/11, Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long đã tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường để trình Đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua quyết định tái cơ cấu Công ty liên quan về ngành nghề kinh doanh, cơ cấu tổ chức và các vấn đề khác.

Tuy nhiên, mọi sự không như đã định, chỉ có 9 cổ đông đại diện cho hơn 5 triệu cổ phần – chiếm tỷ lệ 42,38% tổng số cổ phần của VLF có mặt để tham dự Đại hội. Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2015, tỷ lệ cổ phần có đại diện tham dự không đạt 51% nên phiên họp không thành công.

Hiện tại, VLF chưa có thông báo gì thêm về phương án tái cơ cấu công ty cũng như hướng đi mới để cải thiện tình hình trong thời gian tới.

Ngày 07/12/2015, Thanh tra Chính phủ ra thông báo số 3610/TB-TTCP thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Tổng công ty Lương thực Miền Nam và một số đơn vị thành viên.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Tcty tổ chức thu hồi số tiền gần 9,3 tỉ đồng do thu phí ủy thác xuất khẩu và nghiệm thu sai so với thực tế gói thầu..; Hạch toán kế toán theo đúng quy định những khoản phải thu, phải xử lý hơn 46 tỉ đồng tại Cty Lương thực Vĩnh Long và Cty CP Sài Gòn Lương thực.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo liên bộ: Bộ NN &PTNT, Bộ Tài chính thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân liên qua đến việc kiểm tra, giám sát, quản lý, sử dụng vốn đối với Tcty Lương thực Miền Nam và các đơn vị thành viên thuộc thẩm quyền. Đồng thời kết luận cũng kiến nghị Bộ Công an sớm có kết luận điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 2 vụ việc tại Cty Lương thực Vĩnh Long và Cty Cp Lương thực Hậu Giang mà Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an ngày 24/10/2014.

Hoa Liên

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến