Đứng trước thu nhập thực tế của người làm công ăn lương ngày càng xa rời mục tiêu “đủ mức sống tối thiểu”, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn do đại dịch Covid-19, nhiều khả năng, Chính phủ đồng ý tăng 6% lương tối thiểu kể từ ngày 1/7/2022 theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã quay trở lại trạng thái bình thường như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tốc độ tăng trưởng GDP đã phục hồi trở lại, khi mà quý I năm nay tăng 5,03% - cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020 (tăng tương ứng 4,72% và 3,66%), nhưng thu nhập bình quân của người lao động quý I năm nay chỉ tăng 2% so với cùng kỳ và tăng 4% so với quý I/2020. Như vậy, người lao động không được hưởng trọn thành quả từ sự tăng trưởng kinh tế. Khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ hiện đóng góp trên 94% vào tăng trưởng kinh tế, thế nhưng, trong 3 tháng đầu năm nay, thu nhập bình quân tháng của người lao động ở 2 khu vực này chỉ có 7,3 triệu đồng và 7,5 triệu đồng.
So với cùng kỳ năm 2021 và 2020, mỗi tháng chỉ tăng được 100.000 - 200.000 đồng. Mức tăng vô cùng thấp so với tốc độ tăng trưởng GDP và đặc biệt thấp so với công sức mà họ đã bỏ ra làm việc mỗi ngày không dưới 10 tiếng đồng hồ để đóng góp vào sự tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Quý I năm nay lạm phát đã tăng 1,92%, sau khi tăng 1,84% trong năm 2021 và 3,23% năm 2020, trong đó các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm; hàng may mặc, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; y tế; giáo dục còn tăng cao hơn rất nhiều. Như vậy, thu nhập của người lao động trong khu vực doanh nghiệp đã bị giảm xuống đáng kể do lạm phát.
Dân số Việt Nam bình quân tăng khoảng 1,1 triệu người mỗi năm, theo đó, mỗi năm lực lượng lao động bổ sung thêm khoảng 1 triệu người. Thế nhưng, do thu nhập bị giảm khiến lực lượng lao động và số lao động có việc làm đã không tăng kể từ quý I/2020 đến nay, thậm chí, số lao động có việc làm quý I năm nay còn giảm khoảng 435.000 người so với quý I/2019.
Kể từ ngày 1/7/2022, người lao động trong khu vực doanh nghiệp sẽ được tăng lương tối thiểu thêm 6% nếu Chính phủ thông qua đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Mỗi tháng, người lao động trong khu vực doanh nghiệp sẽ có thêm 180.000 - 260.000 đồng, số tiền rất nhỏ, không đủ bù đắp bởi lạm phát, nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với những người đang “bán mồ hôi trong các dây chuyền sản xuất”. Đây là động lực để thu hút người lao động vào làm việc tại khu vực công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực của tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, lương tối thiểu tăng 6%, với dự báo lạm phát năm nay sẽ tiệm cận, thậm chí vượt mục tiêu 4%, thì chỉ trong khoảng thời gian ngắn, thu nhập của người lao động lại bị giảm xuống do lạm phát. Hơn nữa, nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động, Chính phủ bắt đầu thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà trọ là 500.000 đồng/tháng/lao động. Hết thời gian hỗ trợ (3 tháng) thu nhập của người lao động lại bị giảm xuống, khi đó với mức lương tăng thêm 180.000 - 260.000 đồng mỗi tháng sẽ không còn đủ hấp dẫn người lao động tiếp tục làm việc ở khu vực doanh nghiệp và tình trạng thiếu hụt lao động vẫn không có cách gì giải quyết.
Muốn thu hút và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, năng lực, kinh nghiệm, trình độ, không có cách nào khác, doanh nghiệp phải chủ động cải thiện đời sống cả vật chất lẫn tinh thần, trong đó nâng thu nhập là cốt lõi trên cơ sở thỏa thuận tiền lương khi ký hợp đồng lao động, chứ không nên chờ đợi mỗi khi Chính phủ nâng lương tối thiểu mới chủ động nâng lương.
Đã đến lúc Việt Nam không thể lấy thế mạnh trong thu hút đầu tư bằng nhân công giá rẻ, mà phải cạnh tranh bằng cơ chế thông thoáng và lực lượng lao động dồi dào, có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của chủ đầu tư. Muốn thu hút được lực lượng lao động, không có cách gì khác là phải cải thiện đời sống, trong đó nâng thu nhập là yếu tố cốt lõi.
Nhiều chuyên gia và định chế tài chính đã cảnh báo, nguy cơ mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt không phải là giá xăng dầu tăng, nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng, hay thị trường xuất khẩu ngày càng canh tranh khốc liệt, công nghệ sản xuất, quản lý chưa theo kịp với thế giới, mà chính là lực lượng lao động. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến năng lực cạnh tranh giảm xuống, Việt Nam sẽ không còn là khu vực hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tác giả: Mạnh Bôn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy