Theo thống kê trong tháng 11, có 16 tham gia cuộc đua tăng lãi suất huy động. Đó là: Kienlongbank, CBBank, SeABank, BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank. Trong đó, MB, Agribank và VIB là các ngân hàng đã có hai lần tăng lãi suất kể từ đầu tháng 11.
Riêng ABBank đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất với mức tăng các kỳ hạn dưới 12 tháng. Nhưng ABBank cũng đã hai lần giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng trong các lần điều chỉnh này.
Đáng chú ý, sau 2 lần tăng lãi suất huy động áp dụng cho cả hình thức gửi tiền ở quầy và online trong tháng này, Agribank đang bỏ xa nhóm Big 4 về lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Đơn cử, tại kỳ hạn 3-5 tháng, Agribank đang huy động ở mức 2,9%/năm, trong khi VietinBank và BIDV huy động ở mức 2,3%/năm và Vietcombank là 1,9%/năm.
Một ngân hàng nhóm Big 4 tăng 2 lần lãi suất tiết kiệm trong tháng.
Hiện lãi suất huy động trung bình khoảng 6%/năm cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn cũng nhích lên mức 4-5%.
Mức lãi suất huy động trên 6%/năm với kỳ hạn dài đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng như Ocean Bank, BaoViet Bank, BVBank, HDBank, NCB, ABBank, Bac A Bank, Saigonbank…
Thời gian gần đây, các ngân hàng đang tăng cường cạnh tranh thu hút tiền gửi không chỉ bằng lãi suất mà còn bằng nhiều chương trình khuyến mãi. Có ngân hàng khách gửi tiết kiệm có cơ hội trúng xe máy SH Mode, MacBook Air M3, iPhone 16.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 31/10 đã tăng 10,08% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Đây được xem là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TPHCM - nhận định, về cuối năm, nhu cầu cho vay tăng mạnh nên các ngân hàng phải đẩy mạnh lãi suất để huy động vốn, chuẩn bị nguồn tiền để đạt chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, việc này không đáng ngại mà mang yếu tố mùa vụ nhiều hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy - CEO khoa Tài chính ngân hàng, trường Đại học Nguyễn Trãi - dự báo: “Từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,3 - 0,5%/năm ở các kỳ hạn trung và dài hạn (6-12 tháng) để đáp ứng nhu cầu tín dụng và đảm bảo thanh khoản. Lãi suất cho vay khả năng duy trì ở mức hiện tại hoặc chỉ giảm nhẹ ở một số lĩnh vực ưu tiên. Các lĩnh vực rủi ro cao có thể phải chịu mức lãi suất tăng nhẹ”.
Theo ông Huy, quý IV hàng năm luôn là thời điểm doanh nghiệp tăng cường vay vốn để sản xuất, kinh doanh và chuẩn bị hàng hóa Tết. Để đáp ứng nhu cầu tín dụng này, các ngân hàng cần tăng huy động tiền gửi nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn giải ngân, tạo áp lực đẩy lãi suất huy động lên cao.
“Ngoài ra, các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Nhiều ngân hàng đã chạm ngưỡng tỷ lệ cho vay trên huy động. Điều này buộc các tổ chức tín dụng phải ưu tiên tăng nguồn huy động để củng cố thanh khoản nên việc tăng lãi suất huy động thời gian này là khó tránh khỏi”, ông Huy nói.
Ngày 27/11, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn yêu cầu các ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất tiền gửi ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro. Từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. |
Tác giả: Ngọc Mai