Ngày 13/5, Bắc Kinh tuyên bố áp các mức thuế mới lên một loạt mặt hàng Mỹ để đáp trả quyết định của Tổng thống Donald Trump nâng thuế lên lượng hàng 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ảnh: AP
Mặc dù đàm phán có thể vẫn tiếp tục, song chiến tranh thương mại mà Tổng thống Trump khơi mào từ tháng 1/2018 đang nóng trở lại và gây thêm thiệt hại kinh tế cho các công ty và người tiêu dùng ở cả hai nước.
Trong một bài viết trên báo Asia Times, nhà kinh tế học về thương mại quốc tế Greg Wright tin có 3 lý do khiến cuộc thương chiến Mỹ - Trung sẽ không thể sớm kết thúc.
Các nền tảng
Mọi bằng chứng đang cho thấy các nhà đàm phán đạt rất ít tiến bộ trong việc giải quyết những bất đồng cơ bản giữa hai bên.
Vấn đề cấp thiết nhất liên quan đến các đặc điểm cấu trúc của kinh tế Trung Quốc là nước này không có nhiều động lực thay đổi. Vấn đề quan trọng nhất và tồn tại lâu nhất là Trung Quốc có được một phần sự phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây là nhờ trợ cấp mạnh cho các công ty và ngành công nghiệp mục tiêu. Mỹ muốn Trung Quốc minh bạch hơn nữa và giảm bớt sự trợ cấp này.
Cũng theo Washington, phía Trung Quốc không hành động đủ để bảo vệ tài sản trí tuệ nước ngoài bên trong quốc gia này. Việc thi hành luật về bản quyền rất yếu, và các hãng của Mỹ buộc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc thì mới có thể làm ăn ở nước này.
Thực tế đó ước tính gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ hàng trăm tỷ đôla mỗi năm.
Nhưng Trung Quốc không có vẻ sẽ thay đổi, một phần vì nền kinh tế nước này đang tiến triển chậm hơn so với trước, và bất kỳ sự thay đổi lớn nào trong chính sách cũng sẽ rất rủi ro.
Trung Quốc có thể chấp nhận chuyển khỏi mô hình kinh tế này nếu các ưu đãi phù hợp được triển khai. Nhưng vấn đề là vẫn cần chờ xem chính quyền ông Trump có đủ kiên nhẫn để thỏa hiệp với mục tiêu ngắn hạn nhằm tạo ra một chặng đường dài hướng tới một sân chơi bình đẳng hơn hay không
Cà rốt và cây gậy
Quan điểm đàm phán của Mỹ đặt nặng vào "cây gậy" và đặt nhẹ vào "cà rốt".
Thậm chí trước chiến tranh thương mại, các công ty Trung Quốc đã hứng chịu thuế quan cao khi xuất sang Mỹ - với một số mặt hàng từ lúc Trung Quốc chưa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Và các mức thuế này gần như chắc chắn không được dỡ bỏ dù kết quả đàm phán thế nào. Còn có một số loại thuế nữa được gọi là chống phá giá (khi một mặt hàng bán ở Mỹ với mức giá quá thấp).
Nhìn chung, các mức thuế này đều tăng gần gấp đôi khi chính quyền ông Trump tấn công vào hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại hiện thời. Trung Quốc sẽ không muốn tỏ ra khuất phục trước sức ép từ Mỹ khi đã phải chịu sẵn các mức thuế cao mà không đem ra thương lượng được.
Vì vậy, đàm phán thương mại sẽ tiếp tục bế tắc trừ khi Mỹ quyết định chìa ra cho Trung Quốc một "củ cà rốt" nào đó, chẳng hạn giảm bớt các mức thuế hiện hành.
Thiệt nhiều hơn lợi
Các tổn thất của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ hiện nay đã rất cao, nhưng sẽ còn tồi tệ hơn nữa trong tương lai. Và điều đó càng khiến cho nó khó kết thúc sớm.
Người tiêu dùng có thể chưa cảm nhận rõ rệt tác động của các đòn thuế mà Mỹ và Trung Quốc đang giáng vào nhau, vì chúng trải rộng ở hàng nghìn sản phẩm, và ở một số trường hợp được các công ty Mỹ tự chịu để cạnh tranh.
Tuy nhiên trên thực tế chúng tiêu tốn của mỗi người Mỹ khoảng 11USD mỗi tháng, theo một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Dự trữ liên bang New York, Đại học Columbia và Đại học Princeton.
Thực tế, chính quyền ông Trump đã vô tình cung cấp một cuộc thử nghiệm lý tưởng cho việc tính toán các chi phí này khi áp thuế quan lên máy giặt hồi tháng 1. Kết quả là 1.800 việc làm được tạo ra ở Mỹ.
Tuy nhiên, mức tăng của giá máy giặt và, vô tình cả máy sấy, khiến người tiêu dùng Mỹ chịu thiệt hơn 1,5 tỷ USD. Điều này có nghĩa là mỗi công việc tiêu tốn 815.000USD, quá đắt cho việc thúc đẩy công ăn việc làm.
Và nếu người tiêu dùng không để ý đến các mức thuế trước đó thì giờ đây họ sẽ cảm thấy tác động từ những gì ông Trump triển khai từ ngày 10/5 vừa qua.
Tổng thống Trump tuyên bố ông có ý định đánh thuế lên tất cả các mặt hàng xuất khẩu khác trong những tháng tới nếu như hai bên không đạt thỏa thuận. Theo tính toán của Oxford Economics, điều này rất có thể làm kìm hãm sức tăng trưởng kinh tế Mỹ ở mức nửa điểm phần trăm trong năm 2020 và tiêu tốn 300.000 việc làm.
Theo VietNamNet
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy