Hàng loạt công ty bị đưa vào danh sách đen
Trung Quốc chuẩn bị tiến hành thêm các biện pháp trừng phạt sau khi Mỹ đưa 23 thực thể của nước này vào danh sách đen hạn chế xuất khẩu vào tuần trước. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ rất thận trọng trong việc đáp trả bởi nước này vẫn ngần ngại trước khả năng phân tách về công nghệ trên quy mô lớn, các chuyên gia và cố vấn chính phủ Trung Quốc cho hay.
Ảnh minh họa: Reuters
Động thái mới đây của chính quyền Tổng thống Biden diễn ra sau khi một số nhà sản xuất silicon đa tinh thể của Trung Quốc tháng trước bị đưa vào "danh sách các thực thể" như một nỗ lực của Mỹ nhằm khiến Trung Quốc chịu trách nhiệm về các hành động ở khu tự trị Tân Cương.
Bắc Kinh đã phủ nhận mạnh mẽ các cáo buộc từ phương Tây, đồng thời cáo buộc các lệnh trừng phạt này nằm trong nỗ lực kiềm chế sự phát triển công nghệ và quyền lực gia tăng của Trung Quốc.
22 công ty và 1 cá nhân ở Trung Quốc đã bị trừng phạt vào 9/7, phần lớn đều liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các sản phẩm an ninh. 14 thực thể bị trừng phạt với cáo buộc liên quan đến vấn đề Tân Cương, 5 thực thể bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc và 4 thực thể được cho là làm ăn với những công ty đang chịu các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ.
"Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới nhắm vào các công ty cụ thể liên quan đến sự chia tách về mặt công nghệ", Shi Yinhong - một cố vấn Hội đồng Nhà nước Trung Quốc và là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin đánh giá.
Nhà phân tích này cũng cho biết: "Số lượng các công ty Trung Quốc hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ từ cuối thời chính quyền cựu Tổng thống Trump cho tới nay đã ở mức khá cao".
Mặc dù Tổng thống Mỹ Joe Biden không đẩy mạnh chiến lược đối phó với Trung Quốc trên các mặt báo hay phương tiện truyền thông như người tiền nhiệm nhưng ông vẫn tiếp nối lập trường cứng rắn của ông Trump, hiện đang nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ
Hồi tháng 4/2021, Mỹ đưa 7 thực thể siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách các thực thể "tiến hành những hoạt động đi ngược với những lợi ích đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ".
"Mỹ chắc chắn sẽ thêm nhiều công ty Trung Quốc hơn vào danh sách trừng phạt tương tự như những gì đang làm hiện nay", ông Shi cho hay.
Đáp trả sẽ gây tác động tiêu cực
Trong một thông báo đưa ra ngày 12/7, Beijing Kyland Technology - công ty mẹ của công ty Armyfly cho biết, công ty này đã chuẩn bị trước cho các lệnh trừng phạt có thể xảy ra và sẽ tiếp tục làm việc để tìm nguồn nguyên liệu thay thế.
Công ty này cũng khẳng định, những tác động từ các biện pháp trừng phạt trên vẫn ở tình trạng "có thể xoay xở được", bởi công ty này vẫn được phép xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, việc nhập khẩu các thành phần từ Mỹ sẽ cần giấy phép đặc biệt từ chính phủ Mỹ.
Công ty công nghệ Wuhan Raycus Fiber Laser Technologies thì cho biết trong một thông báo rằng, các biện pháp trừng phạt "không có bất kỳ tác động nào" với doanh nghiệp này bởi những thiết bị và vật liệu cốt lõi hầu hết đều là tự sản xuất và công ty này đã xây dựng được một chuỗi cung ứng chủ yếu là các nhà sản xuất nội địa.
Ngày 11/7, Bộ Thương mại Trung Quốc đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ là "sự đàn áp vô lý" đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, gây nên "sự phá hủy nghiêm trọng" với các quy tắc thương mại và kinh tế toàn cầu.
"Chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo phù hợp các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đất nước chúng tôi", thông báo của Bộ này cho hay.
Hồi tháng 6, cơ quan lập pháp Trung Quốc đã thông qua luật chống trừng phạt mới, cung cấp nền tảng pháp lý để tiến hành các biện pháp đáp trả trước các cá nhân, gia đình và tổ chức chịu trách nhiệm tiến hành các lệnh trừng phạt nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, luật này mang ý nghĩa răn đe hơn là một cơ chế thực sự mà Trung Quốc sẽ sử dụng để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
"Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ không phản ứng theo kiểu ăn miếng trả miếng bởi Trung Quốc không muốn sự chia tách xảy ra", Yu Wanli, một chuyên gia về mối quan hệ Mỹ - Trung cho hay.
"Vấn đề là hiện nay, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vẫn phụ thuộc lớn vào Mỹ, vì thế, biện pháp đáp trả ăn miếng trả miếng có lẽ sẽ gây ra một số tác động tiêu cực".
Ông Shi nhận định, các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ tạo khó khăn đáng kể cho các công ty Trung Quốc về ngắn và trung hạn nhưng chúng cũng "buộc Trung Quốc phải thúc đẩy các sáng kiến công nghệ và tự điều chỉnh tốt hơn để phù hợp với luật pháp và các hoạt động quốc tế".
Andy Mok, một học giả cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa cũng đồng quan điểm khi cho rằng sẽ ngày càng có nhiều lệnh trừng phạt hơn từ phía Washington song Bắc Kinh sẽ cân nhắc trong việc đáp trả.
Tác giả: Kiều Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy