Ma trận ‘đối tác chiến lược’ Tập đoàn Tân Tạo của bà Đặng Thị Hoàng Yến
25/05/2016 11:06:48
ANTT.VN – Dòng tiền thiếu minh bạch giúp vốn chủ sở hữu của ITA tăng tới 22 lần trong 10 năm qua…

Tin liên quan

Công ty Cổ phần Đại học Tân Tạo là một mắt xích trong dòng tiền thiếu minh bạch của ITA. Ảnh: Ttu.edu.vn

Như đã đề cập ở kỳ trước, chỉ sau 10 năm lên sàn (2006-2015),  phương thức huy động vốn chủ yếu của ITA là phát hành cho cổ đông hiện hữu. Trong số hơn 800 triệu cổ phiếu phát hành trong giai đoạn này, 42% dùng để cấn trừ nợ, 37% để chi trả cổ tức, 14% để trả thưởng, chỉ có vẻn vẹn 7% được tung ra thị trường dưới hình thức cổ phiếu thường.

Đáng chú ý là tất cả các công ty đồng ý cấn trừ nợ cho ITA đều hoặc là công ty có cổ phần của ITA, hoặc công ty sở hữu cổ phần ITA.

ITA bỏ hơn 2.600 tỷ đồng góp vốn vào 4 đơn vị mới thành lập trong năm 2008. Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán ITA 2008

Sau một loạt các hoạt động tách, lập công ty mới cũng như hoán đổi nợ thành vốn cổ phần, các chủ nợ lại trở thành cổ đông lớn của ITA. Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán ITA 2014

ITA qua các năm góp vốn hàng nghìn tỷ đồng vào các đơn vị như Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Tạo, Công ty Cổ phần Đại học Tân Tạo, Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Tạo, Công ty Cổ phần Hạ tầng Tân Tạo, Quỹ ITA “Vì tương lai”…

Điểm đặc biệt của những doanh nghiệp trên là vốn điều lệ rất ‘khủng’, từ 5.000 – 9.000 tỷ đồng, tuy nhiên ITA chỉ chiếm 10-19% cổ phần, vừa đủ để những pháp nhân này không bị liệt vào danh mục “Công ty liên doanh, liên kết”, hay “Công ty con”.

Chỉ sau một vài năm đi vào hoạt động, những công ty này sau đó có những khoản ‘chi viện’ hàng nghìn tỷ đồng với ITA. HĐQT công ty gọi những ‘chủ nợ’ của mình là các ‘Đối tác chiến lược’.

Điều lạ lùng là những ‘đối tác chiến lược’ này sau đó lại chấp nhận cấn trừ khoản nợ khổng lồ để nhận lại cổ phiếu phát hành thêm của ITA, mà nếu quy ra giá thị trường thì chỉ còn non nửa.

Chỉ tính riêng bằng cách này, vốn chủ sở hữu của ITA đã tăng tới 3.360 tỷ đồng trong 10 năm qua, ‘cuốn’ bay luôn số tiền tương ứng tại danh mục “Nợ phải trả”, giúp báo cáo tài chính của ITA đẹp hơn rất nhiều.

VCSH tăng 22 lần, Tổng tài sản tăng 8 lần, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của ITA thậm chí lại đi xuống sau 10 năm qua.

Điều này khiến nhiều người nghi ngại rằng ITA đang thực hiện ‘thủ thuật’ để tăng vốn ảo. Luận cứ này càng có cơ sở khi mà nguồn vốn, tài sản của công ty tăng lên chóng mặt nhưng lợi nhuận thì vẫn ‘lẹt đẹt’ sau 10 năm lên sàn.

Đó là chưa kể các ‘đối tác chiến lược’ có vốn đầu tư từ ITA cũng là những pháp nhân đủ sức vay tiền ngân hàng, để rồi sau đó quay lại cho ITA vay.

Ngoài ra, với việc chỉ phát hành nhỏ giọt cổ phiếu ra công chúng, giới đầu tư có lý do để cho rằng chiến lược của những người đứng đầu ITA là ‘nói không với người ngoài’, qua đó các thành viên HĐQT công ty này có thể thoải mái điều hành, thông qua những nghị quyết ‘thật như đùa’, tiêu biểu như Nghị quyết số 2602/BHB-HĐQT-ITACO-13 ngày 26/02/2013 về việc : “Đồng ý thông qua việc Công ty Cổ phần Đại học Tân Tạo thay cho Công ty Tân Tạo (ITA-PV) góp vốn vào Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Tân Tạo”.

Điều khó hiểu nằm ở chỗ ITA chỉ nắm 15% cổ phần của Cty CP Đại học Tân Tạo (theo BCTC 2012 của ITA), vậy ITA lấy tư cách gì để thông qua nghị quyết buộc Đại học Tân Tạo thay mặt ITA cho một công ty khác vay vốn?

Đây chỉ là một trong rất nhiều những điểm khó hiểu tới mức vô lý trong các BCTC đã kiểm toán của ITA.

Những vấn đề nổi cộm tại ITA sẽ tiếp tục được ANTT.VN phân tích trong kỳ tới, mang tên: “Những điểm vô lý trong báo cáo tài chính của ITA”.

Nghi Điền- Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến