Dòng sự kiện:
Mặc biến số toàn cầu, ngân hàng vẫn kỳ vọng sống khỏe
04/03/2022 10:25:31
Lãnh đạo nhiều ngân hàng lạc quan cho rằng, bất ổn kinh tế - chính trị trên toàn cầu sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến mục tiêu lợi nhuận ngân hàng năm 2022.

Các ngân hàng tỏ ra lạc quan về ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay.

Lãi suất có thể tăng, nhưng ngân hàng có nhiều cửa sinh lời

Chiến sự Nga - Ukraine đang đẩy lạm phát và giá nguyên liệu tăng mạnh, phủ bóng mây u ám lên nền kinh tế toàn cầu. Với Việt Nam, bất ổn chính trị thế giới đang khiến giá nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu tăng mạnh, kéo theo nguy cơ lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, so với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh trong nước, ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành ít bị ảnh hưởng.

Theo ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam, căng thẳng chính trị Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng một phần đến tâm lý người dân, khiến họ dịch chuyển từ tiền gửi ngân hàng sang vàng, bất động sản, buộc các ngân hàng phải nâng nhẹ lãi suất huy động. Nguy cơ nhập khẩu lạm phát cũng là một trong những lý do khiến ngân hàng phải tăng lãi suất đầu vào, từ đó dẫn tới biên lãi thuần (NIM) có thể giảm ở một số ngân hàng không tăng được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Mặc dù vậy, theo ông Phục, ảnh hưởng của tình hình thế giới đến hoạt động ngành ngân hàng trong nước không quá lớn, triển vọng lợi nhuận năm nay vẫn rất sáng sủa (lãi ròng ngân hàng năm nay dự báo tăng 20-25% so với năm 2021), xuất phát từ nhiều yếu tố.

Thứ nhất, tín dụng đang phục hồi tốt, dự kiến cả năm tăng 14%.

Thứ hai, các ngân hàng đang ngày càng khai thác mảng kinh doanh ngoài lãi, lợi nhuận từ mảng này ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.

Thứ ba, ngân hàng số ngày càng phát triển, giúp ngân hàng giảm chi phí, cải thiện lợi nhuận.

Ngoài ba nguyên nhân trên, còn có nhiều yếu tố nữa khiến lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ vượt trội so với doanh nghiệp các ngành khác. Cụ thể, năm 2022, các ngân hàng sẽ không phải chịu áp lực giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp như năm 2021. Bên cạnh đó, năm 2021, hàng loạt ngân hàng đã nâng mức trích lập dự phòng cao hơn mức quy định (trích lập 100% dự phòng cho nợ cơ cấu trong khi Ngân hàng Nhà nước cho phép trích lập trong 3 năm), nên cơ hội được hoàn nhập dự phòng, gia tăng lợi nhuận là rất lớn.

Ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính nhận định, ngân hàng vẫn là một trong những ngành ít ỏi có thể nhìn thấy triển vọng tăng trưởng rõ ràng và mức độ tăng trưởng khá cao so với mặt bằng chung.

Triển vọng tốt, vì sao cổ phiếu vua vẫn lao dốc?

Bất chấp bất ổn trên toàn cầu, các ngân hàng tỏ ra lạc quan về ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng trong năm nay, tăng trên 31% so với năm 2021. MSB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 6.800 tỷ đồng, tăng gần 34%, VPBank đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 5 năm tới có thể lên đến 30-35%...

Ngân hàng vẫn là một trong những ngành ít ỏi có thể nhìn thấy triển vọng tăng trưởng rõ ràng và mức độ tăng trưởng khá cao so với mặt bằng chung.

“Tất nhiên, vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát quay lại, sự phục hồi của một số ngành vẫn chậm…, song nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sáng sủa hơn năm trước. Ngân hàng là một trong các ngành được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhất năm nay. Ngoài tín dụng phục hồi, thì tăng trưởng của ngành còn đến từ thu nhập ngoài lãi, kiểm soát chi phí”, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank nhận định.

Lãnh đạo các ngân hàng cũng thừa nhận, những biến số của kinh tế thế giới và trong nước rất khó lường, song giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

“Theo đánh giá của chúng tôi, khả năng năm nay lạm phát trong nước vẫn sẽ dưới 4%, bất chấp lạm phát thế giới tăng mạnh và căng thẳng Nga - Ukraine. Tuy vậy, đánh giá ở thời điểm này có thể chưa chính xác. Những yếu tố như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các nước tăng lãi suất, lạm phát, xuất khẩu, gián đoạn chuỗi cung ứng… đều ảnh hưởng đến doanh nghiệp và ngân hàng. Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Hai năm qua, các ngân hàng đã xây dựng được hệ thống phòng thủ rất tốt và chúng tôi tin rằng, giai đoạn khó khăn nhất đã qua”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết.

Mặc dù triển vọng lợi nhuận rất sáng sủa, song cổ phiếu “vua” vẫn liên tục lao dốc từ đầu năm đến nay. Theo dõi dòng tiền, có thể thấy, từ đầu năm đến nay, dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu ngân hàng không tăng. Những thông tin tích cực về mua bán - sáp nhập (M&A), nới room ngoại, phát hành cổ phiếu tăng vốn… chỉ khiến các cổ phiếu ngành này phấn khích vài phiên rồi lại cắm đầu đi xuống.

Theo ông Đặng Trần Phục, năm 2022 sẽ không có sóng tăng giá với cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, những thông tin về tăng vốn, chia cổ tức bằng cổ phiếu, nới room, M&A… sẽ hỗ trợ cổ phiếu ngân hàng trong trung và dài hạn.

Tác giả: Thùy Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến