Dòng sự kiện:
Ngân hàng với cuộc đua công nghệ và tăng vốn
03/03/2022 09:11:03
Các ngân hàng đang đầu tư hàng triệu USD để phát triển hệ thống công nghệ, đồng thời đẩy nhanh tăng vốn nhằm bảo đảm CAR.

Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN 

Việc áp dụng số hóa đã giúp các ngân hàng giảm chi phí hoạt động, tăng chất lượng tài sản và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng đang đẩy nhanh tăng vốn nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Đây cũng là chỉ tiêu để ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng và đảm bảo sớm hoàn thành các chỉ tiêu Basel II, III.

Tăng số hóa huy động vốn rẻ

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), nhiều ngân hàng đã chi hàng triệu USD để phát triển hệ thống core banking, từ đó giúp khách hàng dễ dàng kết nối và thanh toán tự động trên nền tảng di động.

Đồng quan điểm Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã chứng khoán: VCBS), cho biết, năm 2020 -2025, chuyển đổi số, ngân hàng số, hệ sinh thái là những mục tiêu đang được nhiều ngân hàng theo đuổi. Thành công bước đầu đã đến với những ngân hàng đang đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng nhờ nắm giữ được nhiều dữ liệu.

Hiện nay, công nghệ sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong ngành ngân hàng. Có thể kể đến các ngân hàng tự động như: TPB livebank, MBB smart bank cho phép khách hàng có thể mở thẻ, nạp, rút tiền bằng vân tay.

Một số công nghệ đang được các ngân hàng áp dụng thời gian gần đây như phê duyệt trước khoản vay. Ngân hàng thực hiện liên kết với các đơn vị đối tác để đánh giá khách hàng và đề xuất các dịch vụ và tiện ích phù hợp cho khách hàng lựa chọn; mở rộng nền tảng Corebanking mở - Open API; eKYC – công nghệ xác minh nhân dạng từ xa; robot hóa một số thao tác và nghiệp vụ đơn giản.

Các ngân hàng cũng mở rộng thanh toán và kết nối ví điện tử với các công ty tài chính, các hệ thống doanh nghiệp, tập đoàn, trường học nhằm tạo một hệ sinh thái thanh toán liên thông.

Theo VIS, để tăng tỷ lệ CASA (huy động không kỳ hạn trên tổng nguồn vốn huy động), các ngân hàng đang cạnh tranh tăng cường áp dụng số hóa giúp khách hàng thuận tiện trong chức năng thanh toán, từ đó thu hút được tệp khách hàng rộng lớn.
Tỷ lệ CASA là một chỉ số về chi phí để huy động vốn, do đó nó phản ánh khả năng sinh lời hoặc khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng.

VIS cũng cho rằng, chức năng số hóa còn giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động và tăng chất lượng tài sản, từ đó góp phần làm giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng cao thì càng có lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh lãi suất cho vay cũng như có nhiều cơ hội cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần.

Năm 2021, tỷ lệ NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng tăng trở lại mức trung bình trên 3% nhờ chi phí vốn giảm sâu hơn mức giảm tỷ suất sinh lời trung bình của tài sản.

Mặt bằng chung lãi suất đầu vào các ngân hàng đã giảm từ giữa 2020, trong khi mức giảm của lãi suất cho vay lại không đồng pha tạo nên biên chênh lệch có lợi cho các ngân hàng.

Thực tế, theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), doanh thu và lợi nhuận toàn ngành ngân hàng năm 2021 lần lượt ở mức 406.694 tỷ đồng và 163.846 tỷ đồng; tăng 16,7% và 24,2% so với năm 2020.

Tuy nhiên, đà tăng của NIM chậm lại từ quý III/2021 và nhiều ngân hàng đã tăng cường các gói hỗ trợ lãi suất để cung cấp vốn cho giai đoạn cuối năm. VIS cho rằng, tỷ lệ NIM của các ngân hàng có thể tăng chậm lại các quý đầu năm 2022 khi các ngân hàng tăng dần lãi suất huy động.

Ngoài ra trong thời gian tới, nhiều ngân hàng tăng cường áp dụng tiêu chuẩn Basel III thì việc nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn vốn, dự trữ bắt buộc cũng sẽ tác động lên NIM. Các ngân hàng sẽ càng gia tăng số hóa để huy động các nguồn vốn giá rẻ để bù lại.

Cuộc đua tăng vốn

Theo VIS, câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022, đáng chú ý nhất là các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Việc tăng vốn giúp các ngân hàng gia tăng vốn chủ sở hữu, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Đây cũng là chỉ tiêu để được cấp hạn mức tín dụng và đảm bảo sớm hoàn thành các chỉ tiêu Basel II, III.

Thực tế trong năm 2021, các ngân hàng đã tăng vốn hơn 23% với tổng cộng hơn 92.000 tỷ đồng. Đây là năm có tốc độ tăng vốn mạnh mẽ nhất và vượt qua cả năm 2018.

Các ngân hàng có mức tăng vốn mạnh nhất trong năm đáng kể nhất là Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng 78%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội tăng 52%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) tăng 48%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) tăng 40%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tăng (MBBank) tăng 35%.

Top đầu vốn điều lệ đã xuất hiện các gương mặt mới như VPBank, MBBanK và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Dự kiến năm 2022, Vietcombank sẽ phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6%. Sau phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm 10.236 tỷ đồng lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Vietcombank còn có kế hoạch phát hành gần 308 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư, qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 50.401 tỷ đồng. Ngân hàng có kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 54.134 tỷ đồng trong thời gian tới thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Hay như Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) sẽ chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông năm 2021 thông qua.

OCB đang tạm thời giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 21,8% nhằm chuẩn bị cho sự tham gia nhiều hơn của các cổ đông nước ngoài.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB), MBBank, VIB và OCB cũng có kế hoạch chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ khoảng 20% để tăng vốn điều lệ trong năm nay. Đặc biệt, MBBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên trên 45.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Tiếp đến, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức năm 2021, tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ.

Nhận định về kết quả kinh doanh toàn ngành ngân hàng năm 2022, Chứng khoán VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn.

Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% bao gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), MBBank, Techcombank, ACB, TPBank, MSB.

Trên thị trường chứng khoán, mức định giá của cổ phiếu các ngân hàng đã cao hơn trung bình quá khứ. Do đó, giá cổ phiếu của các ngân hàng năm 2022 có thể sẽ diễn biến trái chiều do tốc độ tăng trưởng và các câu chuyện riêng, VCBS nhận định./.

Tác giả: Văn Giáp

Theo: Bnews
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến