Dòng sự kiện:
Mang án oan 40 năm, người nhận bồi thường, người quyết kiện
01/11/2020 15:07:49
Trong 3 người, cụ ông còn lại và gia đình cụ ông đã mất không chấp nhận mức bồi thường án oan và đâm đơn khởi kiện tới TAND tỉnh.

Cụ Khổng Văn Đệ (ngoài cùng bên phải), ông Trần Ngọc Chinh (giữa) và vợ ông Trần Trung Thám (ôm di ảnh của chồng) tại buổi cải chính công khai hồi tháng 10/2019

Chịu án oan gần 40 năm với tội danh “giết người”, tháng 10 vừa qua, một trong ba người đàn ông bị hàm oan đã chấp nhận lời xin lỗi, nhận bồi thường. Cụ ông còn lại và gia đình cụ ông đã mất không chấp nhận mức bồi thường và đâm đơn khởi kiện tới TAND tỉnh.

Nỗi đau đeo đẳng suốt 40 năm

Chiều 12/10, cụ Khổng Văn Đệ (97 tuổi, trú xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) được con cháu đưa đến UBND xã Đồng Thịnh để làm thủ tục ủy quyền tiếp nhận số tiền hơn 1,167 tỷ đồng bồi thường oan sai.

Do không có tài khoản ngân hàng, cụ Đệ đã ủy quyền chuyển tiền vào tài khoản của bà Phan Thị Ái Vân (con dâu cụ Đệ).

Ngày 27/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện gia đình cụ Khổng Văn Đệ cho biết: “Gia đình đã nhận được đủ khoản tiền bồi thường oan sai cho cụ Đệ sau nhiều lần thương lượng”.

Theo bà Phan Thị Ái Vân, mặc dù tổn thất đối với gia đình là rất lớn nhưng sau nhiều lần thương lượng, gia đình đồng ý với số tiền bồi thường 1,167 tỷ đồng.

“Bố tôi năm nay đã 97 tuổi rồi, gia đình quyết định nhận số tiền đó để phụng dưỡng bố tôi, đồng thời cũng là mong muốn khép lại nỗi đau đeo đẳng bố tôi suốt 40 năm qua, bởi mỗi lần nhắc lại chuyện này, bố tôi hay cả gia đình tôi đều chẳng vui vẻ gì”, bà Vân nói.

Nhưng ngoài cụ Đệ, trong vụ án oan này còn có 2 cụ ông khác đến giờ vẫn chưa đồng ý nhận đền bù. Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/12/1979, tại thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh xảy ra cái chết của ông Chu Văn Quản (Bí thư Chi bộ thôn). Sau đó, ông Trần Ngọc Chinh (78 tuổi, trú thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh) cùng em trai là ông Trần Trung Thám và cụ Khổng Văn Đệ ở cùng thôn bị bắt với cáo buộc giết người.

Tuy nhiên, sau đó ông Thám chết trong trại tạm giam và công an thông báo nguyên nhân do mắc bệnh. Tới năm 1983, cơ quan công an mới tìm ra hung thủ đích thực của vụ án, ông Chinh và cụ Đệ được thả về nhưng không có một lời giải thích nào ngoài tờ quyết định đình chỉ vụ án, khiến họ phải mang thân phận bị can gần 40 năm.

“Trước khi bị bắt giam, tôi là một thượng úy quân đội khỏe mạnh, tương lai tươi sáng, là niềm tự hào của gia đình. Sau 36 tháng tù, tôi trở về nhà với thân hình tiều tụy, chỉ còn nặng chưa đến 40kg, bố mẹ tôi còn chẳng nhận ra. Đau đớn thay, em trai tôi còn mất trong tù”, ông Chinh nhớ lại.

Ông Chinh cũng ám ảnh việc trở lại quê nhà, dân làng chỉ đứng xa dè bỉu và cho rằng “thằng giết người mãn hạn tù, được thả rồi”. Không một ai lui tới hỏi thăm, chia vui, ông đi xin việc ở đâu cũng khó. Con cái của các ông đều chịu sự ghẻ lạnh, kỳ thị của xóm giềng.

Suốt những ngày ông bị đi tù, các con đã phải bươn chải mưu sinh, cuộc sống khốn khó nên khi ông về nhà trong sự ghẻ lạnh mang án oan giết người, cuộc sống của cả gia đình cũng chẳng khấm khá được hơn.

Nói về việc mình chưa chấp nhận mức bồi thường mà Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra, ông Trần Ngọc Chinh cho biết, án oan đó đã biến cuộc đời ông sang một trang khổ nhục, kéo theo cuộc sống của các con ông đều khốn khó.

“Thiệt hại từ 39 năm chịu án oan là cả cuộc đời của tôi và các con, nên khi quá nhiều lần thương lượng về mức bồi thường không thành, tôi và gia đình chú Thám đã rút yêu cầu bồi thường và đâm đơn khởi kiện”, ông Chinh cho hay.

Khởi kiện vì không đồng ý mức bồi thường 857 triệu đồng

Bà Mầu Mai Quyên, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự (Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: “Cùng thời điểm giải quyết đơn yêu cầu bồi thường với gia đình cụ Khổng Văn Đệ, chúng tôi cũng làm việc với gia đình các ông Trần Ngọc Chinh và ông Trần Trung Thám. Quá trình giải quyết đơn yêu cầu bồi thường, chúng tôi luôn mong muốn sẽ “bù đắp lại phần nào sự mất mát” của các gia đình đã bị hàm oan, sau gần 40 năm mới được cải chính, xin lỗi công khai”.

Bà Quyên khẳng định, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc cũng như các cơ quan chức năng đã vận dụng mọi cơ chế, chính sách để bồi thường cho các gia đình mức cao nhất có thể.

Tuy vậy, yêu cầu bồi thường của ông Trần Ngọc Chinh và bà Trần Thị Thắm (vợ ông Trần Trung Thám) quá lớn. Ông Trần Ngọc Chinh yêu cầu bồi thường gần 13 tỷ đồng, bà Trần Thị Thắm yêu cầu bồi thường 25 tỷ đồng nên quá trình giải quyết, thương lượng tại Viện KSND không thành và hai gia đình hiện đã đưa đơn kiện sang TAND để sau này sẽ có những phán xét khách quan, công bằng nhất.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng (Văn phòng Luật sư Thái Hưng) - người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ông Chinh cho biết: “Ban đầu, ông Chinh đòi bồi thường 12 tỷ 870 triệu đồng, gồm tiền thu nhập bị mất; thiệt hại tinh thần, sức khỏe bị xâm hại, việc thu nhập bị giảm sút do thiệt hại về sức khỏe, từng phải đi các bệnh viện điều trị sau khi ra tù. Tuy nhiên, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc dựa trên 4 căn cứ về thiệt hại, chi phí, tổn thất để bồi thường cho ông Chinh tổng số tiền hơn 857 triệu đồng. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm là ông Chinh phải được bồi thường 12 tỷ 870 triệu đồng và gia đình ông Trần Trung Thám được bồi thường 25 tỷ đồng”.

Đại diện Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho biết, sẽ rà soát các quy định và tích cực phối hợp với cơ quan chức năng liên quan trong việc giải quyết bồi thường cho 3 cụ ông ở Vĩnh Phúc bị oan sai gần 40 năm, trong đó có 2 gia đình ông Trần Ngọc Chinh và Trần Trung Thám đòi bồi thường gần 38 tỷ đồng.

“Quy định hiện hành đã rất rõ ràng về những thiệt hại nào được bồi thường, mức bồi thường ra sao và thời gian tính thiệt hại bồi thường. Cơ quan nào gây oan sai thì cơ quan đó phải có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho người dân. Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) sẽ hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường khi vụ việc đã được UBND cấp tỉnh hướng dẫn mà người bị thiệt hại tiếp tục yêu cầu Bộ Tư pháp hướng dẫn”, Đại diện Cục Bồi thường Nhà nước cho hay.

Án oan suýt bị “chìm xuồng”

Thời điểm năm 1983, khi hung thủ đích thực của vụ án được tìm ra (sau đó bị xử chung thân), ông Chinh và cụ Đệ được thả về trong sự dè bỉu, kỳ thị của xóm làng vì khi đó không có cơ quan nào đứng ra cải chính, xin lỗi, minh oan cho họ.

Không cam chịu sự ghẻ lạnh, mang án oan giết người, ông Chinh và cụ Đệ bắt đầu viết đơn gửi lên các cơ quan chức năng. “Tay tôi viết hàng trăm lá đơn gửi đi, các cơ quan chức năng từ cấp xã, huyện, tỉnh... cho đến Trung ương, nhưng đều không được hồi âm hoặc chỉ nhận lại thông báo đã chuyển đơn lên cấp trên”, ông Chinh nói.

Đến khoảng tháng 3/2019, anh Trần Văn Mạnh (43 tuổi, con trai ông Thám) đăng tải câu chuyện của gia đình lên mạng xã hội thì được luật sư Nguyễn Văn Hưng, Trưởng văn phòng Luật sư Thái Hưng và cộng sự (Đoàn Luật sư Vĩnh Phúc) tới gặp và giúp đỡ đi tìm công lý.

Tháng 10/2019, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc xin lỗi công khai ba cụ ông, thừa nhận có những “sai sót dẫn đến hậu quả không ai mong muốn”.

Tác giả: Việt Hòa

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến