Dòng sự kiện:
Mảng bán lẻ trở thành 'gánh nặng' với Tập đoàn Hoa Sen
24/02/2023 12:59:12
Kỳ vọng chuyển từ sản xuất sang bán lẻ của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) gặp thách thức trong 2 quý gần đây khi tiêu thụ suy giảm và phải nuôi thêm hệ thống bán lẻ.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ Hoa Sen Home trở thành “gánh nặng” khi thị trường ảm đạm. Ảnh: Lê Toàn

Thách thức kép

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên đầu năm 2022, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen cho biết, trọng tâm của Công ty là tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh cốt lõi, mở rộng chuỗi Hoa Sen Home và siêu thị vật liệu xây dựng. Một trong những tham vọng của Công ty là chuyển định giá cổ phiếu HSG từ nhóm cổ phiếu thép với định giá P/E là 4-5 lần sang định giá ngành bán lẻ với hệ thống phân phối được định giá P/E là 25 lần.

Tuy nhiên, tham vọng trên đang chịu thách thức kép trong giai đoạn cuối năm 2022, khi giá HRC giảm mạnh, việc tiêu thụ gặp khó khăn. Theo đó, trong năm 2022, giá nguyên liệu đã tăng 22% trong 4 tháng đầu năm, sau đó giảm 33% vào 8 tháng còn lại. Đối với thị trường tiêu thụ, nhu cầu tôn mạ trong nước và xuất khẩu đều chậm lại trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, Hoa Sen còn tham gia lĩnh vực bán lẻ. Điều này dẫn tới hai quý liên tiếp, từ ngày 1/7/2022 đến 31/12/2022, Công ty ghi nhận lỗ 1.567,18 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với mức lỗ gần nhất là quý IV/2018 (lỗ 101,8 tỷ đồng). Con số lỗ này cũng lớn hơn rất nhiều mức lỗ 2 quý gần nhất của các doanh nghiệp cùng ngành: Công ty cổ phần Thép Nam Kim lỗ 775 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên lỗ 107 tỷ đồng và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC ghi nhận lỗ 770 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, khác với hầu hết doanh nghiệp tôn thép niêm yết, Hoa Sen vận hành các cửa hàng bán lẻ để bán sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng. Điều này trong các năm trước là lý do khiến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp khá cao, nhưng cũng cần mất chi phí để duy trì sức mạnh thương hiệu. Chi phí bán hàng của Hoa Sen luôn duy trì ở mức cao, chiếm trung bình 7,3% doanh thu trong 3 năm gần nhất, khoảng 600-1.200 tỷ đồng mỗi quý.

VDSC ước tính, nếu trừ chi phí bán hàng vào doanh thu, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen sẽ tương đương các nhà sản xuất tôn mạ khác do sản phẩm có sự tương đồng nhất định. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường đặc biệt chậm chạp như hiện tại, việc phải “nuôi” thương hiệu lại là một điểm yếu của Hoa Sen so với các đối thủ cạnh tranh.

Chu kỳ thu hẹp có thể đang lặp lại

Thép là ngành có tính chu kỳ khá cao, vì vậy kết quả kinh doanh biến động tương đối mạnh. Ngành này đã đạt đỉnh trong giai đoạn năm 2016-2017, sau đó lao dốc giai đoạn 2018-2019 và bắt đầu hồi phục từ năm 2020 đến đầu năm 2022.

Thời điểm thị trường gặp khó khăn, Hoa Sen có dấu hiệu thu hẹp các chi nhánh để thích ứng với thị trường. Cụ thể, ngày 31/12/2018, Hoa Sen có 472 chi nhánh trên cả nước, nhưng tính tới ngày 31/12/2020 chỉ còn 80 chi nhánh. Điều tương tự đang có dấu hiệu lặp lại, khi thời điểm ngày 30/6/2022, Hoa Sen có 8.258 nhân viên nhưng tới cuối năm 2022, số lượng nhân viên giảm 11,2%, tương ứng giảm 924 người trong nửa cuối năm.

Bên cạnh việc thu hẹp số lượng nhân viên, quy mô tồn kho và các khoản phải thu của Hoa Sen cũng có dấu hiệu suy giảm. Cụ thể, thời điểm ngày 30/6/2022, tổng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 14.342,2 tỷ đồng, chiếm 62,1% tổng tài sản. Thời điểm 30/9/2022, giá trị này là 8.847,4 tỷ đồng, giảm 5.494,8 tỷ đồng so với đầu quý và chiếm 52% tổng tài sản. Và thời điểm 31/12/2022, con số chỉ còn 7.635,46 tỷ đồng, giảm 1.211,94 tỷ đồng so với đầu quý và chiếm 47,8% tổng tài sản.

Trong cơ cấu tồn kho và các khoản phải thu, giảm mạnh chủ yếu do tồn kho liên tục giảm. Thời điểm ngày 30/6/2022, tồn kho ghi nhận 12.344,6 tỷ đồng, nhưng thời điểm 31/12/2022 chỉ còn 5.980,5 tỷ đồng, giảm 6.364 tỷ đồng, tương ứng giảm 51,6% trong nửa cuối năm.

Tác giả: Duy Bắc 

Theo: Đầu Tư
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến