Đồng loạt báo lỗ quý IV/2022
Trong mùa báo cáo tài chính quý IV/2022, thép là một trong những nhóm ngành gây thất vọng nhất với bức tranh lợi nhuận đầy ảm đạm. Sau đà lao dốc lợi nhuận từ đỉnh kể từ đầu năm 2021, hầu hết doanh nghiệp ngành này đã trải qua ít nhất một kỳ kinh doanh thua lỗ trong năm 2022.
Là doanh nghiệp đứng đầu thị phần về thép xây dựng, Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với mức lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2022. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này lãi hơn 7.400 tỷ đồng. Lỗ quý thứ 2 liên tiếp kéo lợi nhuận cả năm 2022 giảm hơn ba phần tư, từ mức hơn 34.580 tỷ đồng về còn hơn 8.400 tỷ đồng - chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Ngay sau đó, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng báo lỗ hơn 410 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022, nâng mức lỗ thêm 93% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này có lợi nhuận âm kể từ năm 2014 và cũng là mức lỗ lớn nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2011.
Thép Nam Kim (HoSE: NKG) công bố lợi nhuận sau thuế quý IV/2022 âm hơn 350 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 450 tỷ đồng. Với hai quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận doanh nghiệp này quay về mức âm sau 10 năm lãi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Cả năm 2022, Thép Nam Kim lỗ 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi khoảng 2.225 tỷ đồng.
Trong nhóm ngành thép, không thể không kể đến “ông lớn” ngành tôn mạ - Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) cũng báo lỗ ròng 680 tỷ đòng trong quý I niên độ 2022 - 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến 31/12/2022) dù đạt doanh thu thuần 7.917 tỷ đồng.
Việc kinh doanh dưới giá vốn cùng gánh nặng chi phí khiến Thép SMC (HoSE: SMC) cũng báo lỗ 515 tỷ đồng trong quý IV/2022 - đây cũng là khoản lỗ quý kỷ lục doanh nghiệp này từng ghi nhận kể từ khi hoạt động. Cả năm 2022, SMC ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 645 tỷ đồng - qua đó chính thức tái lỗ sau 7 năm.
Tương tự, Thép Pomina (POM) tiếp tục lỗ thêm 460 tỷ quý IV, khiến lợi nhuận cả năm 2022 của doanh nghiệp này âm hơn 1.100 tỷ đồng.
Gang thép Thái Nguyên (Tisco - UpCOM: TIS) lỗ 17 tỷ đồng trong quý IV/2022 trong khi cùng kỳ lãi 9 tỷ đồng. Cả năm 2022, công ty ghi nhận 11.697 tỷ đồng doanh thu, giảm 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 9 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi sau thuế 122 tỷ đồng.
Chi phí tăng mạnh bào mòn lợi nhuận
Năm qua, ngành thép chịu nhiều áp lực bao gồm gánh nặng chi phí tài chính từ việc lãi suất/tỉ giá tăng, gánh nặng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho,...
Tính đến hết ngày 31/12/2022, nợ phải trả của đa số doanh nghiệp thép đều đã giảm so với quý trước đó. Tập đoàn Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã thanh toán hơn 13.200 tỷ đồng nợ so với thời điểm cuối năm 2021 và hiện chỉ còn mức 74.222 tỷ đồng.
Song, áp lực về lãi suất cũng như biến động tỉ giá USD khiến các khoản chi phí lãi vay của Hoà Phát tăng lên từng quý, trong đó thời điểm quý IV/2022, doanh nghiệp phải chi tới 932 tỷ đồng để trả lãi vay.
Đáng chú ý, hầu hết khoản nợ phải trả của doanh nghiệp thép đến từ vay nợ tài chính như thông qua ngân hàng, vay cá nhân, trái phiếu,... Năm 2022, dưới động của lãi suất, chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp trong quý IV/2022 thậm chí đã tăng từ 2 - 3 lần so với quý đầu năm.
Tồn kho xuống mức thấp nhất trong vòng 7 quý
Sau khi đẩy lượng tồn kho lên mức kỷ lục vào cuối quý II/2022, các doanh nghiệp thép đã đồng loạt giảm mạnh tích trữ trong hai quý liên tiếp sau đó.
Tồn kho toàn ngành thép tại thời điểm 31/12/2022 ước tính giảm khoảng 20.000 tỷ đồng so với cuối quý III/2022, xuống còn khoảng 66.000 tỷ đồng – mức thấp nhất trong vòng 7 quý trở lại đây. Tính chung trong nửa sau của năm 2022, tồn kho toàn ngành thép đã giảm khoảng 45.000 tỷ đồng.
Trong đó, Hòa Phát tiếp tục là cái tên xả kho mạnh nhất trong quý cuối năm với lượng tồn kho giảm gần 9.400 tỷ đồng so với đỉnh vào cuối quý trước. Tuy nhiên, tồn kho của doanh nghiệp này vẫn chiếm quá nửa trong tổng lượng tồn kho của toàn ngành thép thời điểm 31/12, với giá trị gần 34.500 tỷ đồng (đã bao gồm trích lập dự phòng giảm giá 1.236 tỷ đồng).
Không chỉ riêng Hòa Phát, tồn kho của hầu hết các doanh nghiệp thép đều đã giảm mạnh trong quý IV. Trong đó, Hoa Sen, Thép Nam Kim, VNSteel, Pomina có lượng tồn kho giảm đến hàng nghìn tỷ sau quý vừa qua.
So với con số kỷ lục cuối quý II/2022, phần lớn các doanh nghiệp thép hàng đầu đã giảm khoảng 40-70% giá trị tồn kho, ngoại trừ Thép Nam Kim và Thép Tiến Lên vẫn duy trì ở mức cao.
Ngành thép vẫn còn khó trong đầu năm 2023
Dù tiếp tục phá đáy lợi nhuận nhưng lãnh đạo Hòa Phát lại tỏ ra khá lạc quan với tình hình ngành thép. Tập đoàn nhận định ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục, đồng thời nhấn mạnh đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt.
Đánh giá của Hòa Phát không phải không có cơ sở khi ngành thép nói chung đang đón nhận một số tín hiệu tích cực. Giá than, nguyên vật liệu quan trọng nhất trong luyện thép đã quay đầu giảm mạnh sau thời gian dài neo cao vùng đỉnh. Điều này có thể sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận của ngành thép thời gian tới.
Ngành thép đã qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà phục hồi trong năm 2023 (Ảnh: Hữu Thắng).
Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo năm 2023, các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn trong bối cảnh nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng... Kỳ vọng của ngành thép năm nay là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm 2022.
Theo VNDirect, về xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Nhưng nhìn chung, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và có thể chỉ thực sự khởi sắc vào nửa cuối năm 2023.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định tình trạng khó khăn, thua lỗ của doanh nghiệp thép có thể sẽ còn tiếp tục trong đầu năm 2023 do hoạt động xuất khẩu kém khả quan, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất; các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỉ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành thép.
Nhưng với các giải pháp mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án xây dựng, giao thông… thị trường thép vẫn nhìn thấy những "điểm sáng" trong năm 2023.
Nhận định của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) cho thấy, nhu cầu thép thế giới sẽ tăng trở lại khoảng 1% trong năm 2023 nhờ động lực là đầu tư công cũng như tình hình thiếu hụt năng lượng đã được kiểm soát trên thế giới.
Trong đó, khu vực ASEAN sẽ dẫn đầu tăng trưởng về tiêu thụ thép nhờ định hướng đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng. Đây được kỳ vọng sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của thép Việt Nam thời gian tới. Ngoài ra, nguồn cung thép thị trường châu Âu trong năm 2023 được dự báo tiếp tục thiếu hụt do giá năng lượng cao. Các doanh nghiệp của Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy