MBBank: Nới room lên 20%, có thoát lưới sở hữu chéo?
19/02/2016 15:48:32
ANTT.VN – Dù giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức tín dụng là 30% nhưng room ngoại của MBB trước đây chỉ là 10% và luôn trong tình trạng kín room.

Tin liên quan

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank – mã: MBB) vừa công bố thông tin về việc mở room nhà đầu tư nước ngoài từ 10% lên 20% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của MB từ ngày 19/02/2016.

Hiện tổng số cổ phiếu đang lưu hành của MB là 1.600 triệu cổ phiếu. Như vậy, số lượng chứng khoán nhà đầu tư nước ngoài được nắm giữ tối đa theo quy định là 320 triệu cổ phiếu MBB.

MBB là một cổ phiếu cổ phiếu nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, thường xuyên kín room ngoại.

Trong năm 2015, MBBank đã phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 11.593,94 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng. Hoạt động tăng vốn này đã giúp "dư" ra một phần cổ phiếu MBB để nhà đầu tư nước ngoài có thể mua thêm, room ngoại của MBB đã khá nhanh chóng bị lấp đầy sau đó.

Ngân hàng TMCP Quân Đội nới room ngoại từ 10% lên 20%

Dù giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức tín dụng là 30% nhưng room ngoại của MBB chỉ là 10%. Tại ĐHĐCĐ nhiều năm nay, các cổ đông Ngân hàng này liên tục đặt vấn đề về việc nới room nhưng MBBank vẫn giữ chủ trương giữ phần room ngoại này "để dành" cho NĐT chiến lược.

Ngoài ra, động thái mở rộng room ngoại thêm 10% có thể khắc phục được tình trạng sở hữu chéo tại MBBank khi một số tổ chức tín dụng như Vietcombank hay Maritimebank có cơ hội bán bớt cổ phần tại đây để đưa tỷ lệ về mức dưới 5% theo quy định của Thông tư 36. Hiện tại, Vietcombank đang nắm giữ 7,16% cổ phần của MBB, trong khi đó MaritimeBank sở hữu 8,74% vốn tại ngân hàng Quân đội.

Trước đó, "Vietcombank đã liên tục khẳng định ngân hàng sẽ không bán bớt số cổ phần tại MBB, có vẻ như Maritime Bank lại có quan điểm khác. Và do đó, sau khi room cho nhà đầu tư nước ngoài tăng lên, có thể sẽ một số giao dịch thỏa thuận quy mô lớn diễn ra mặc dù MBB cho biết ngân hàng không lựa chọn trước bất kỳ nhà đầu tư nào" - công ty chứng khoán HSC từng cho biết.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh thanh tra NH Nhà nước, nếu đến thời hạn cuối của Thông tư 36, NH nào không thực hiện đúng quy định nắm giữ cổ phần tại NH khác thì cơ quan quản lý sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 96 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ và NH hoặc cưỡng chế NH đó bán cổ phần. “Do Thông tư 36 được ban hành vào tháng 11-2014 nên các NH có đủ thời gian để tính toán thoái vốn khỏi NH bạn nên không có lý do gì để “thoái lui” trong thực hiện quy định thông tư này” - ông Nghĩa nói.

Hoa Liên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến