Theo tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên 2023 được tổ chức vào ngày 26/9 tới đây, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (HNX: SLS) lên kế hoạch kinh doanh niên độ 2023 – 2024 với tổng doanh thu thuần xấp xỉ 1.046 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 39% so với thực hiện niên độ trước.
Lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 137 tỷ đồng, giảm gần 74% so với con số thực hiện trong niên độ 2022 – 2023. Công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỉ lệ 50% cho niên độ 2023-2024.
Đáng chú ý, về kế hoạch phân phối lợi nhuận cho niên độ 2022-2023 vừa qua, công ty dự kiến trình cổ đông tỉ lệ trả cổ tức bằng tiền là 100% (tương ứng 1 cổ phiếu nhận 10.000 đồng).
Đây không phải là lần đầu tiên doanh nghiệp này chi trả mức cổ tức bằng tiền mặt cao ngất ngưởng như vậy. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, Mía đường Sơn La đã thực hiện chi trả cổ tức với tỉ lệ 100% bằng tiền cho niên độ 2021-2022.
Nhìn lại kỳ kinh doanh tại niên độ 2022-2023, doanh thu thuần của Mía đường Sơn La ghi nhận trên 1.676 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 523 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 93% và 179% so với năm trước. Đây là kỷ lục mới về cả doanh thu và lợi nhuận mà doanh nghiệp mía đường này ghi nhận được kể từ khi hoạt động. EPS cả năm đạt 53.423 đồng, mức cao nhất sàn chứng khoán.
Nói về kế hoạch sụt giảm, ban lãnh đạo công ty dự báo trước những khó khăn do thị trường, giá cả nguyên vật liệu, tác động của biến đổi khí hậu làm sụt giảm sản lượng mía.
Công ty cho biết, bước sang năm 2023, ngành mía đường tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino diễn ra khá nghiêm trọng khiến tình trạng khô hạn, nắng nóng của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc khá gay gắt.
Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến vùng nguyên liệu mía, nhiều diện tích bị chết hoặc ảnh hưởng do khô hạn nên nguy cơ năng suất, sản lượng vụ tới có khả năng giảm sâu. Hơn nữa, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác,...
Diễn biến thị giá cổ phiếu SLS từ đầu năm đến nay (Ảnh: TradingView).
Trong một báo cáo gần đây, SSI Research cho rằng giá đường tinh luyện sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg từ quý II/2023.
Ngoài ra, đơn vị này kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô.
SSI kỳ vọng giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía. Các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.
Hiện Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu đường cho niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10/2023. Nguyên nhân chính là để đảm bảo nhu cầu nội địa của Ấn Độ và lo ngại sản lượng yếu (El Nino gây thiếu mưa). Việc này có khả năng tác động tích cực đến giá đường thế giới trong niên vụ 2023/2024. Điều này trở thành động lực cho cổ phiếu đường trong thời gian gần đây.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/8, cổ phiếu SLS giảm hơn 5% về còn 206.000 đồng/cổ phiếu, song đã tăng 27% trong 3 tháng gần nhất và 74% so với thị giá đầu năm 2023.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy