Sau khoảng thời gian lình xình từ đầu năm, thị trường chứng khoán hiện đang có mức tăng trưởng đầy tích cực cùng sự trở lại của dòng tiền đầu tư đã đẩy giá của toàn ngành lên một mức cao mới.
Trong bối cảnh đó, không ít những cổ phiếu lớn nhỏ đều tranh thủ bứt phá, với một mức nền khá tốt cùng sự hậu thuẫn của chính sách và giá cả, cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La tại phiên giao dịch ngày 12/7 đã có mức tăng 1,8%, qua đó chạm ngưỡng 181.300 đồng/cổ phiếu, thiết lập đỉnh lịch sử từ khi niêm yết, kỷ lục cũ được thiết lập hồi tháng 4/2023 (162.500 đồng).
Mức giá này đã đưa cổ phiếu SLS vào top 7 cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán Việt Nam, nâng vốn hoá của Mía đường Sơn La lên tới 1.775 tỷ đồng.
Thống kê của Người Đưa Tin, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu SLS đã tăng hơn 50% từ vùng giá 120.000 đồng/cổ phiếu, trong đó, riêng hai tháng vừa qua tăng tới hơn 13% lên 181.400 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, chỉ số VN-Index đã tăng 10,2% kể từ đầu năm và tăng 5,6% trong một tháng qua.
Ngoài mức tăng mạnh về điểm số, thanh khoản ở cổ phiếu này cũng có những thay đổi rõ rệt khi từ vài nghìn cổ phiếu, những phiên tăng điểm mạnh còn lên tới 20.000 cổ phiếu được khớp lệnh.
Được biết cổ phiếu SLS đạt mức thị giá trên 100.000 đồng từ hồi tháng 3/2017 với mức giá 176.500 đồng/cổ phiếu, khối lượng giao dịch trung bình 19.000 cổ phiếu/phiên. Trong nửa đầu năm 2017, cổ phiếu SLS đánh dấu sự tăng giá mạnh mẽ 99% so với hồi đầu năm (từ 85.500 đồng/cổ phiếu) và từng có thời điểm chạm ngưỡng 200.000 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 26/5/2017), tuy nhiên sau đó đã không thể giữ ở mức giá này.
Phải đến tháng 4/2021, hưởng ứng xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu SLS đã trở lại mức giá 119.000 đồng/cổ phiếu và duy trì cho đến nay.
Diễn biến cổ phiếu SLS trong vòng 3 năm qua (Nguồn: TradingView).
Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (HNX: SLS) - tiền thân là nhà máy Đường Sơn La, được thành lập từ năm 1995. Năm 2008, công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh hoạt động là công ty cổ phần. Các sản phẩm chính của công ty bao gồm sản phẩm đường, mía nguyên liệu, phân vi sinh, giống cây... Trong đó doanh thu đến từ sản phẩm đường, mật rỉ chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu của công ty (hơn 90%).
Mía đường là ngành mang tính chu kỳ mạnh và kết quả kinh doanh của ngành này lên xuống theo giá đường trên thị trường. Vì vậy, thông tin giá bán đường lên mức cao là thông tin tích cực, thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu nhóm ngành này.
Trong thời gian gần đây, giá đường đang ghi nhận sự biến động mạnh và đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ do lo ngại về nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu. Giá đường thô thế giới ghi nhận nhịp tăng "thẳng đứng" kể từ đầu tháng 4, chạm 23,38 US cent/lb vào ngày 12/7, tăng gần 20% kể từ đầu năm và cũng là mức cao nhất kể từ quý I/2012.
Tại thị trường trong nước, hưởng lợi từ giá đường thế giới tăng cao, giá nguyên liệu mía đường cũng đang tiếp nối đà tăng của thế giới. Hiện mía nguyên liệu đang dao động từ 850.000 - 1.150.000 đồng/tấn tùy thuộc khu vực.
Chứng khoán SSI dự báo giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam.
Nhìn nhận riêng về đà tăng mạnh của cổ phiếu SLS. Theo báo cáo tài chính giữa niên độ 2022-2023 (từ 1/7/2022 đến 31/3/2023), doanh thu thuần của Mía đường Sơn La đạt 1.126 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ. Khấu trừ các chi phí, công ty lãi ròng 298 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 30.482 đồng.
Ngoài ra, Mía đường Sơn La còn được biết đến là là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao đều đặn. Kể từ khi lên sàn năm 2012, chưa năm nào doanh nghiệp không chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Những năm gần đây, tỉ lệ chi trả thường lên đến trên 50%. Gần đây nhất, doanh nghiệp đã chi gần trăm tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021-2022 bằng tiền với tỉ lệ lên đến 100% cho cổ đông.
Bên cạnh đó, Mía đường Sơn La còn được nhà đầu tư chú ý khi thường xuyên duy trì EPS cao trên 10.000 đồng. Một trong những lợi thế giúp doanh nghiệp đạt được kết quả này đến từ việc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo Chứng khoán VNDirect, giá đường toàn cầu trong 6 tháng đầu 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ cùng với sản xuất đường ở châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết bất lợi (hạn hán).
Đồng thời, nhóm phân tích lo ngại rằng giá xăng tăng cao gần đây có thể thúc đẩy các nhà máy Brazil và Ấn Độ chuyển hướng trồng mía sang sản xuất ethanol. Do đó, VNDirect dự báo giá đường Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng của giá đường thế giới.
Từ tháng 8/2022, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại 47,64% đối với các sản phẩm đường mía có nguồn gốc Thái Lan từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar).
VNDirect kỳ vọng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn so với năm 2022, dẫn đến lượng đường nhập khẩu giảm trong khi tồn kho đường nhập khẩu giá rẻ năm 2022 đang giảm dần.
Tác giả: Phạm Hồng Nhung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy