Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố phương án thu giá dịch vụ đường dẫn vào nhà ga cảng hàng không.
Theo đó, từ năm 2020, ACV sẽ không thu tiền đối với xe ra vào khu vực đón trả khách trong khoảng thời gian nhất định. Những ôtô ra vào cảng quá thời gian quy định sẽ được thu tiền theo thời gian như dịch vụ sân đỗ ôtô.
Việc bỏ thu phí được đánh giá là hợp lý bởi khoản phí vào đường dẫn đã được ACV thu từ rất lâu, đảm bảo hoàn vốn cho tuyến đường. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn còn ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Đường dẫn sân bay là công trình do ACV đầu tư xây dựng và thu phí nhưng ACV lại không phải trả phí sử dụng đất cho nhà nước. Ảnh: Hoàng Hà.
ACV vẫn có nguồn thu, chỉ người dân thiệt
Là người thường đến sân bay mỗi tháng 1 lần, tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình (Phó trưởng khoa Tài chính đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển) cho biết ông hài lòng với dịch vụ và mức giá sử dụng đường dẫn mà ACV cung cấp.
"Tôi đã đến nhiều sân bay trên thế giới, ở đó việc đưa phương tiện vào sân bay phải trả phí dịch vụ là rất chuyện bình thường. Đường dẫn sân bay phải được giao cho một đơn vị quản lý, mà đã quản lý thì đồng nghĩa với việc phải thu phí để duy trì hoạt động", ông nói.
Tại sân bay Nội Bài, hiện nay phí sử dụng đường dẫn vào nhà ga và phí bãi đỗ đang được tính chung. Ôtô muốn vào đường dẫn đón khách ngay hoặc vào bãi đỗ xe thì khi ra khỏi sân bay đều trả mức phí 15.000 đồng cho một giờ đầu tiên. Mức giá này rẻ hơn nhiều so với phí dịch vụ đỗ ôtô theo quy định của thành phố là 25.000 đồng/giờ.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: Ngọc Tân.
Theo ông Bình, trong trường hợp mất đi nguồn thu từ những xe đón khách ở đường dẫn, ACV chắc chắn sẽ đẩy mức giá ở bãi đỗ xe lên để bù lại, từ 15.000 đồng có thể tăng lên thành 50.000 đồng/giờ. Chỉ cần đưa ra 1 loạt chi phí cần thanh toán, ACV làm việc này không khó.
"Tôi lo ngại rằng việc miễn thu phí sử dụng đường dẫn sân bay trong thời gian nhất định về bản chất là miễn phí cho nhóm khách hàng này nhưng sẽ tăng phí của nhóm khách hàng khác. Đáng nói, nhóm khách hàng được hưởng lợi từ việc miễn thu phí đường dẫn sẽ có đa số là các hãng taxi, trong đó có cả xe cóc, xe dù", ông Bình nêu quan điểm.
Miếng ngon của các hãng taxi
Từng là Phó giám đốc xí nghiệp xe khách Transerco, ông Bình khẳng định tình trạng tranh giành lốt xe, địa bàn của các hãng taxi tại lối ra vào bến xe là rất khốc liệt. Đó là chuyện miếng cơm manh áo và họ sẵn sàng sử dụng cả xã hội đen.
Theo ông Bình, đã xác định đường dẫn vào nhà ga là đường của công thì khó kiểm soát tình trạng bát nháo. Bản thân ACV cũng khó đảm bảo trật tự tại đường dẫn vì họ không còn nguồn thu từ khu vực này. Nhân viên an ninh dần dần sẽ bị cắt giảm và trách nhiệm trong công việc cũng khó được như trước đây.
Cò taxi sân bay Nội Bài hành hung nhân viên an ninh sân bay vì bị cản trở việc chèo kéo khách. Ảnh cắt từ clip.
"Sắp tới nếu đường dẫn vào nhà ga sân bay được thả cửa, các doanh nghiệp taxi sẽ ùn ùn kéo đến, tạo ra một cảnh tượng tranh giành khách không khác gì bến xe Giáp Bát. Mỗi tài xế taxi sẵn sàng lái xe chậm như rùa bò trước cửa nhà ga để chèo kéo khách, khi sắp hết thời gian miễn phí thì họ lại phóng ra cửa rồi vòng ngược lại. Việc này trước đây họ không dám làm vì phải trả phí ra vào đường dẫn", ông Bình phân tích.
Khi đường dẫn vào nhà ga đã trở thành lãnh địa của taxi thì chính những người dân thường xuyên lái xe đến sân bay sẽ bị ảnh hưởng vì ách tắc giao thông. Theo ông Bình, việc đảm bảo an ninh và duy trì trật tự giao thông tại lối ra vào sân bay là cực kỳ quan trọng, vì đây còn là bộ mặt quốc gia.
Cần có hội đồng thẩm định
Vấn đề thu phí xe ra vào sân bay của ACV được quan tâm trong nhiều năm qua. Dư luận đặt câu hỏi vì sao ACV bỏ vốn đầu tư xây đường dẫn rồi thu phí sử dụng, trong khi họ không phải trả tiền sử dụng đất cho Nhà nước như cách làm của các doanh nghiệp BOT.
Trước vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và kết luận việc thu phí sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ôtô đưa, đón, trả khách của ACV là không đúng quy định của pháp luật về đất đai.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Ảnh: Ngọc Lan.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương) tán thành với kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng như những vấn đề bức xúc mà dư luận đặt ra. Tuy nhiên ông cũng ghi nhận nhu cầu thu phí của ACV là có cơ sở.
"ACV đã tiếp thu ý kiến của thanh tra, tuy nhiên họ vẫn muốn có một khoản thu nhất định để duy trì an ninh, đèn chiếu sáng, bảo trì bảo dưỡng... Tôi thấy đó là những đòi hỏi có lý và thiết thực. Nên mời một hội đồng thẩm định độc lập để xem xét các số liệu có liên quan, xem mức thu phí như thế nào thì hợp lý", ông Doanh nói.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, mấu chốt của vấn đề không phải là thu phí hay miễn phí, mà ở chỗ rạch ròi và minh bạch nguồn thu.
"Nhà nước và ACV nên xây dựng phương án để trích một phần nguồn thu từ dịch vụ đường dẫn nộp vào ngân sách, còn lại bao nhiêu chi phí đảm bảo giao thông, bao nhiêu chi phí duy tu... Trong trường hợp ACV không quản lý đường dẫn nữa thì vẫn nên có một đơn vị vào cuộc quản lý và thu phí để duy trì hoạt động", ông Bình nêu quan điểm.
Theo Zing.vn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy