Công ty dẫn đầu Hà Tĩnh - Mitraco: Đầu tư ngoài ngành, không còn đường lui?
13/08/2015 16:38:13
ANTT.VN – Bắt đầu đi theo phong trào đầu tư thành Tổng công ty nhà nước đa ngành từ những năm 2005, Mitraco Hà Tĩnh đang dần đi chệch hướng so với mũi nhọn về khai thác khoáng sản và công nghiệp khai thác cảng để “dấn thân” cung cấp các sản phẩm chăn nuôi lợn siêu nạc và bò thịt.

Tin liên quan

 

Với tham vọng trở thành các “chea-bol” của Việt Nam, nhiều tập đoàn, mà điển hình là Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn điện lực Việt nam (EVN)… đã thành lập các công ty con và đầu tư vào những lĩnh vực ngoài nhiệm vụ chính được giao.

Không chịu đứng ngoài làn sóng đó, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) có quyết định bất ngờ khi lấn sân sang nông nghiệp, cụ thể là chăn nuôi và chế biến sản phẩm thịt lợn siêu nạc.

Giữa năm 2005, Mitraco khánh thành tổ hợp nuôi lợn với quy mô 1.200 nái, 24.000 lợn thương phẩm/lứa với số vốn đầu tư 32 tỷ đồng. Đây là khu chăn nuôi lợn siêu nạc lớn nhất khu vực và tạo ra "cú sốc" trong lĩnh vực này ở miền trung.

Theo đà đó, nhờ sự đầu tư dàn trải trên hàng chục lĩnh vực khác nhau, hàng loạt các công ty con được kết nạp vào hệ thống như CTCP may Hà Tĩnh, CTCP thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc, công ty TNHH Giống và VTNN Mitraco, công ty TNHH thực phẩm chế biến Mitraco…

Hiện nay, trong tổng số 16 công ty con của Mitraco, việc chỉ đạo sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp khai khoáng lại cho thấy tình hình không khả quan, gặp khó khăn lớn.

Tình hình kinh doanh các công ty con của Mitraco trong năm 2014

Năm qua, các công ty trong lĩnh vực công nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng với doanh thu thuần đạt vài chục tỷ đồng, trừ công ty cảng Vũng Áng Việt – Lào với doanh thu 294 tỷ đồng. Sau khi được đầu tư mạnh và hoạt động ổn định, những “đứa con” làm nông lại chứng tỏ tài năng của mình khi đem về doanh thu hàng trăm tỷ như CTCP Chăn nuôi Mitraco với 216 tỷ đồng, thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc với 197 tỷ đồng…

Lợi nhuận sau thuế năm 2014 của Mitraco đạt 68,67 tỷ đồng, nhưng riêng công ty mẹ lỗ đến 21,5 tỷ, CTCP gạch ngói là VLXD Hà Tĩnh lỗ 2 tỷ, CTCP khoáng sản Mangan lỗ 6,23 tỷ hay CTCP Vận tải và xây dựng, CTCP Cơ khí và xây lắp Mitraco cũng là nguyên nhân kéo tụt kết quả kinh doanh của Mitraco trong năm đầu tiến hành cổ phần hóa.

Bước sang năm 2015, Mitraco cũng không có ý định đầu tư để cải thiện tình hình, đưa hoạt động của doanh nghiệp theo hướng đi được xác định ban đầu.

Sau bước chuyển mình trở thành doanh nghiệp cổ phần với 1.023 tỷ đồng vốn nhà nước – chiếm 83% tổng vốn điều lệ, Mitraco cũng xác định thực hiện tái cơ cấu, cải thiện danh mục đầu tư và tài sản ngoài ngành kinh doanh chính, dành nguồn hợp lý cho nghiên cứu đầu tư vào dịch vụ công nghiệp phụ trợ các ngành công nghiệp nặng tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh…

Nhìn vào thực tế tại Mitraco, các dự án đầu tư lớn lại không hề có dấu hiệu liên quan đến ngành mũi nhọn của mình. Các dự án hàng chục tỷ đồng được đầu tư trong năm 2015 như dự án Nhà ở công nhân tại Khu kinh tế Vũng Áng với 133,4 tỷ đồng, Nhà máy chế biến súc sản Mitraco lên tới 83,8 tỷ đồng, dự án Rau củ quả 23,3 tỷ đồng hay nuôi bò thịt chất lượng cao đang trong quá trình triển khai…

Dây chuyền giết mổ lợn được Mitraco mạnh tay đầu tư

Ngoài ra, để khép kín chuỗi giá trị và tạo đầu ra ổn định, bền vững cho chăn nuôi sản phẩm lợn siêu nạc, đầu năm 2015, Mitraco đã đưa vào hoạt động nhà máy giết mổ và chế biến súc sản với công suất giết mổ 120 con lợn/giờ, 50 con bò/ngày và sản xuất hai tấn sản phẩm (giò chả, xúc xích) với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng.

Mục tiêu của Mitraco có phần đi theo chủ trương quyết liệt thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ đề ra, nhưng xét trên tình hình thực tế, con đường quay lại định hướng phát triển chính của Mitraco vẫn còn khá xa.

Như ANTT.VN đã đề cập trong bài trước, hiện tại, có thể chính những công ty ngoài ngành là nguồn lợi nhuận để cứu vãn tình hình kinh doanh ngành khai khoáng đang gặp nhiều khó khăn của Mitraco. Nhưng với vai trò là doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh Hà Tĩnh, vốn nhà nước hơn nghìn tỷ đồng, thiết nghĩ, công ty cần tìm ra hướng đi đúng đắn hơn trong việc sử dụng vốn của mình.

“Thoái vốn là việc cần thiết phải làm như là một công việc để tái cấu trúc DNNN. Tái cấu trúc DNNN đầu tiên phải tái cấu trúc chức năng: DNNN có được làm lĩnh vực đó hay không chứ không hẳn vì anh không đủ vốn, đầu tư đó không hiệu quả. Có những thứ có hiệu quả nhưng mà lĩnh vực đó anh đừng mó tới” – trích lời Nguyên Bộ trưởng kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá.

Hoa Liên

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến