Ngân hàng đã sẵn sàng “tiền tươi” cho gói hỗ trợ doanh nghiệp trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Ảnh: Đ.T
Cho vay 0% không cần thế chấp: Ngân hàng đã sẵn 7.500 tỷ đồng “tiền tươi”
Ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19, quy mô khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất khoảng 7.500 tỷ đồng (cho vay tái cấp vốn).
Theo Quyết định số 23, người sử dụng lao động được vay vốn lãi suất 0% để trả lương, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2022. Doanh nghiệp cũng không cần chứng minh về doanh thu hoặc tài chính. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Thủ tục hành chính được cắt giảm tối đa.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, ông Huỳnh Văn Thuận, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, ngày 8/7, Ngân hàng ban hành văn bản hướng dẫn và bắt đầu triển khai tập huấn trong toàn hệ thống.
“Ước tính, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho vay tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ này. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ triển khai tập huấn ngay lập tức các chi nhánh về quy trình cho vay và sẽ tiến hành tiếp nhận hồ sơ vay vốn của doanh ngiệp ngay”, ông Thuận nói.
Năm 2020, Chính phủ đã triển khai gói cho vay ngừng việc 16.000 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ đạt 0,25%. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, kết quả thực hiện gói 16.000 tỷ đồng không đạt yêu cầu, do điều kiện quá khắt khe, thủ tục rườm rà… Do đó, để chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn, trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất lần này đi vào cuộc sống, thủ tục được cắt giảm tối đa.
“Tôi cùng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội thống nhất về việc giảm mọi thủ tục không cần thiết, thoáng đến mức không thể thoáng hơn, rút ngắn thời gian tối đa mà vẫn phải đảm bảo các bước rà soát. Ví dụ, trước đây, để giải ngân hồ sơ vay trả lương ngừng việc, doanh nghiệp phải mất hơn một tháng, thì hiện quy trình giảm xuống chỉ còn 7 ngày. Trước đây, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ xem xét hồ sơ vào ngày mùng 5 hàng tháng, thì bây giờ bỏ hết hạn mức thời gian, nộp hồ sơ ngày nào là xem xét ngày đó”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Khuyến khích vay phục hồi sản xuất
Một trong những điểm mới của Quyết định số 23 vừa được Thủ tướng ban hành là ngoài chính sách vay vốn lãi suất 0% để trả lương ngừng việc, doanh nghiệp được vay vốn trả lương phục hồi sản xuất. Đây chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.
Theo đó, để phòng, chống Covid-19, khi người sử dụng lao động phải dừng sản xuất, kinh doanh do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2022 khi quay trở lại sản xuất - kinh doanh hoặc người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động di làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%.
Doanh nghiệp không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, gói tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng này sẽ ưu tiên cho vay trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chính sách mới này sẽ giúp người sử dụng lao động có thêm nguồn vốn để trả lương cho người lao động, dành thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai thực hiện chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, người sử dụng lao động tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình.
Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngay khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP, nhiều tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam đã dịch văn bản sang tiếng Hàn, tiếng Nhật để đón đầu chính sách hỗ trợ.
“Với thủ tục, cơ chế thông thoáng hơn, cộng với mức độ ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh đợt 4, tôi tin rằng, gói 7.500 tỷ đồng sẽ nhanh chóng được giải ngân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
“Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, gói hỗ trợ này là nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Tuy quy mô gói hỗ trợ khiêm tốn hơn gói hỗ trợ năm ngoái, song điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn, khả năng thành công cao hơn. Dù vậy, đây cũng chỉ là sự cấp cứu tạm thời, về lâu dài, vẫn cần có những chính sách đặc thù với các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid 19”. - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế |
Tác giả: Hà Tâm
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy