Dòng sự kiện:
‘Mỏ vàng’ cho vay tiền mặt của công ty tài chính bị kiểm soát
07/04/2019 19:01:00
Sau thời gian bùng nổ cho vay tiền mặt tại các công ty tài chính, Ngân hành Nhà nước đưa ra dự thảo giới hạn hình thức cho vay này không quá 30% tổng dư nợ.

Ba công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất thị trường là FE Credit, Home Credit và HD Saison

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Trong đó, nội dung đáng chú ý là việc bổ sung quy định tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính

Cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp bao gồm giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng vay hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Căn cứ thực trạng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam, Ban soạn thảo đánh giá cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, vì vậy để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nên hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt.

Ngoài việc bị kiểm soát quy mô cho vay theo hình thức này không quá 30% tổng dư nợ cho vay. Các công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Cho vay tiền mặt trong thời gian gần đây là động lực tăng trưởng của các công ty tài chính tiêu dùng sau khi mảng cho vay mua xe và đồ gia dụng có dấu hiệu bão hòa. Báo cáo của FiinGroup (trước đây là StoxPlus) đánh giá, cho vay tiền mặt đã trở thành "mỏ vàng" mới, có sức tăng trưởng cao nhờ nhu cầu vay tiền rất lớn từ những người không có tài khoản ngân hàng và thu nhập thấp.

Thông tin từ các báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tại công ty dẫn đầu thị trường là FE Credit, tỷ trọng cho vay tiền mặt ở cuối năm 2018 là 77% trong tổng danh mục cho vay hơn 53 nghìn tỷ đồng. Tại HD Saison con số này là 32% trong quy mô cho vay khoảng 11 nghìn tỷ đồng.

Các công ty mới gia nhập thị trường như MCredit hay Easy Credit, SHB Finance đều giới thiệu sản phẩm cho vay tiền mặt. Còn VietCredit giới thiệu sản phẩm Thẻ tín dụng có thể rút tiền tại hơn 15.000 ATM. Các sản phẩm này là cách thức tiếp cận và chiếm thị phần nhanh nhất của các công ty tài chính mới có mặt trên thị trường cho vay tiêu dùng.

Nếu quy định mới của NHNN được ban hành, các công ty tài chính có thể phải điều chỉnh chiến lược sản phẩm cho vay thay vì tập trung quá nhiều vào cho vay tiền mặt như hiện nay. Đồng thời giúp cơ quan quản lý bước đầu kiểm soát thị trường cho vay tiêu dùng sau giai đoạn bùng nổ vừa qua.

Thị trường cho vay tiêu dùng hiện nằm trong tay ba công ty FE Credit, HomeCredit và HDSaison, chiếm khoảng 75% thị phần theo một báo cáo nghiên cứu công bố năm ngoái của FiinGroup. Nhóm tiếp theo gồm Mcredit, Toyota Finance hay Prudential Finance, mỗi công ty chiếm khoảng 5%.

Dù thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam vẫn được đánh giá nhiều tiềm năng và có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20% mỗi năm, song đa phần các công ty tài chính đều phải cho vay chậm lại trong năm ngoái để kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn.

Tại FE Credit, công ty tài chính của VPBank tăng trưởng chậm trong 9 tháng đầu năm 2018. Tuy vậy riêng trong quý cuối năm 2018, FE Credit đã bất ngờ cho vay thêm gần 7.000 tỷ đồng để đạt quy mô 53.270 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm 2017.

Còn HDSaison, công ty tài chính liên doanh giữa HDBank và Credit Saison (Nhật Bản), tổng dư nợ chỉ tăng trưởng cho vay 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 11,3 nghìn tỷ đồng.

Trong khi các công ty tài chính giảm tốc, hình thức cho vay ngang hàng (P2P lending) ngày càng phổ biến ở Việt Nam trở thành một lựa chọn cho người có nhu cầu tài chính ngắn hạn.

Theo TheLeader

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến