Dòng sự kiện:
‘Mổ xẻ’ loài cá mặt trăng quý hiếm ngư dân câu được ở ThừaThiên-Huế
05/05/2018 05:55:51
Cùng tìm hiểu loài cá mặt trăng rất quý hiếm vừa được một ngư dân ở Thừa Thiên-Huế câu được trên biển.

Ngày 4/5, thông tin từ anh Hà Trọng Bình (41 tuổi), trú thôn 2, xã Hải Dương, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong lúc thả câu tại khu vực gần biển Đông, anh đã bất ngờ bắt được một con cá "khủng" có hình thù kì lạ trông rất quý hiếm.

 Qua nghiên cứu, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế xác nhận loài cá do ngư dân Bình phát hiện, đánh bắt có tên cá mặt trăng, là loài cá quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam.

Theo Sách đỏ Việt Nam, cá mặt trăng có tên khoa học là Mola mola, thuộc bộ cá nóc (Tetraodontiformes). Loài này có thân hình trứng, dẹp bên, miệng rất nhỏ. Vây lưng và vây hậu môn ngắn nhưng rất cao, gần như đối xứng nhau. Vây đuôi dài nhưng thấp, bao quanh cả phía sau thân, mép ngoài của vây hơi lượn song; Vây ngực rất nhỏ, tròn. Da thô, mỏng, không phủ vảy, không có đường bên; Răng trên hàm gắn kết với nhau thành tấm răng lớn. (Ảnh: Sách đỏ Việt Nam)

Sở dĩ có một số nơi gọi loài cá này là cá mặt trời bởi người ta cho rằng chúng tắm nắng trên mặt biển do quan sát thường thấy chúng bơi ì ạch sát mặt nước. Đây là loài cá biển độc đáo cỡ lớn có màu sắc sặc sỡ và thân ngắn sống ngoài đại dương, thường lặn xuống dưới vùng nước sâu, nơi nhiệt độ rất thấp. (Ảnh: Sách đỏ Việt Nam)

Thức ăn của cá mặt trăng là các loại rong, thuỷ mẫu, động vật giáp xác phù du, ấu thể cá chình. Có một đặc điểm rất thú vị ở cá mặt trăng, do cá mặt trăng thường sống ở vùng nước sâu, nhiệt độ thấp ở đây có thể ảnh hưởng đến các chức năng thần kinh và thị giác của cá nên chúng đã tiến hóa một cách độc lập với khả năng tự sưởi ấm mắt và não để hạn chế tác động kể trên. (Ảnh: Sách đỏ Việt Nam)

Cá mặt trăng phân bố trong các vùng biển nhiệt đới phía bắc và phía nam xích đạo. Ở Việt Nam, phân bố chủ yếu ở Vịnh Bắc bộ và vùng biển miền Trung. Trên thế giới, phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Đông nam Á, Australlia, Ấn Độ, Xri Lanka, Đại Tây Dương.

Về sinh sản, cá mặt trăng là một trong những loài cá đẻ nhiều trứng nhất trong các loài cá ở đại dương. Cá cái chỉ có một buồng trứng chứa khoảng 300 triệu trứng. Trứng của loài cá này trôi lơ lửng theo các dòng hải lưu. Lúc còn nhỏ cũng bơi bình thường như những loại cá khác, chỉ đến khi trưởng thành chúng mới bắt đầu lười biếng chỉ thích trôi nghiêng theo các dòng hải lưu.

Kỳ Anh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến