Môi giới nâng giá căn hộ gấp nhiều lần
Khoảng 1 tháng nay, chị V (45 tuổi, Hà Nội) liên tục nhờ người quen có hiểu biết chuyên sâu về lĩnh vực bất động sản giúp nghe ngóng và tìm kiếm một căn chung cư ít nhất có 2 phòng ngủ, được trả góp dài hạn cho vợ chồng con trai và 3 cháu nhỏ.
Nhiều người khuyên chị V nên tìm đến một đơn vị môi giới chuyên nghiệp để họ tư vấn và giúp chị sớm tìm được nhà, thay vì nhờ người quen bởi nhờ vả thì mọi người ít có trách nhiệm hơn.
Tuy nhiên, sau 2 tuần nhờ môi giới tìm dự án phù hợp với nhu cầu, chị V tá hỏa phát hiện, cùng một số căn hộ có diện tích, vị trí tương đương ở cùng dự án nhưng các môi giới mà chị liên hệ lại báo những giá chênh lệch nhau rất nhiều.
Điển hình, tại dự án Chung cư Ngoại giao Đoàn (Bắc Từ Liêm). Thời điểm mở bán vào giai đoạn 2016 – 2019, mỗi căn hộ tại đây có giá khoảng 16 – 35 triệu đồng/m2, tùy tầng và góc.
Thời điểm mở bán giai đoạn 2016 - 2019, các căn hộ tại dự án Chung cư Ngoại giao Đoàn có giá từ 16 - 35 triệu đồng/m2.
Đến giai đoạn hiện tại, theo sự biến động của thị trường, các căn hộ ở khu vực này được rao bán phổ biến trong khoảng 45 – 55 triệu đồng/m2, tùy tầng và góc. Theo đó, để sở hữu một căn hộ 3 phòng ngủ diện tích 103m2 thì chị V phải bỏ ra từ 4,6 – 5,6 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là khi thông tin về dự án, không ít môi giới cho biết các căn hộ tại dự án đến nay đều đã lên giá, dao động từ 80 đến hơn 100 triệu đồng/m2. Vì thế, để sở hữu một căn hộ 3 phòng ngủ diện tích 103m2 thì chị V phải bỏ ra từ 8,2 – 10,3 tỷ đồng, chênh với mức giá mà thị trường rao bán từ 35 – 45 triệu đồng/m2.
Trong khi chủ nhà và một số môi giới rao bán căn hộ tại dự án Ngoại giao Đoàn trong khoảng 45 - 55 triệu đồng/m2 thì không ít môi giới rao bán ở mức 80 - 101 triệu đồng/m2 và mức giá ngày càng tăng.
Thậm chí, để chị V tin tưởng, những môi giới này còn liên tục gửi chị link bài viết trên các Fanpage, group mạng xã hội chuyên đăng tải những bài viết liên quan đến dự án Chung cư Ngoại giao Đoàn với mức giá tương tự với khoảng giá mà họ giới thiệu với chị.
Do đó, chị V quyết định nhờ người quen tư vấn cũng như bản thân tự tìm hiểu để tìm mua chung cư chứ không nhờ môi giới nữa.
Khảo sát thực tế, không chỉ dự án chung cư Ngoại giao Đoàn mà nhiều dự án nhà ở và đất nền trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều gặp phải tình trạng bị môi giới nâng giá quá cao so với mức giá sàn mà chủ đầu tư mở bán, khiến người mua thực khó tiếp cận với sản phẩm.
Cẩn trọng với chiêu trò của môi giới
Chia sẻ với Tiền Phong, môi giới N.V.T (37 tuổi) cho biết, hiện nay không hiếm môi giới dùng chiêu trò “lướt sóng” để ăn lợi nhuận bằng cách chỉ đặt cọc với chủ nhà, chủ đất sau đó rao bán lại, khi có khách mua thì họ sang tay ngay để ăn chênh lệch.
Thậm chí, những môi giới này còn lập ra các Fanpage, hội nhóm mạng xã hội và website chuyên rao bán nhà, đất rồi thay phiên nhau rao bán nhà, đất ở mức giá cao. Để những thông tin này chân thực hơn, các môi giới còn liên kết với nhau để tự tương tác, bình luận khen ngợi về mảnh đất, căn hộ hoặc tự tạo ra các giao dịch mua bán BĐS ảo nhằm “lòe” người mua không có kinh nghiệm.
Không ít môi giới dùng chiêu trò tạo giao dịch ảo để "lòe" khách hàng có nhu cầu.
Hay như việc khi cần rao bán một dự án nào đó, môi giới sẽ tung chiêu liên tục đăng tải bài viết trên các phương tiện mạng xã hội để tạo hiệu ứng kích cầu, cho khách hàng thấy rằng khu vực này đang “sốt”, từ đó thu hút người quan tâm.
“Dĩ nhiên, môi giới là nghề trung gian, thu nhập từ việc ăn phần trăm lợi nhuận chênh lệch trong các giao dịch nhà, đất nhưng mức chênh lệch ấy cần phù hợp, không nên quá cao so với thị trường, khiến người mua mất dần lòng tin”, môi giới N.V.T bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARS) cho rằng, việc môi giới tung chiêu hô hào thị trường BĐS đã "ấm" lên từ trước đến nay không phải hiếm, thường xuyên diễn ra nhằm tạo sóng ảo. Ông Đính chỉ rõ, có những nhóm môi giới, chủ nhà và cả chủ đầu tư còn bày trò "bắt tay" mua bán, đưa ra công chứng để tạo giao dịch ảo, "tay trái" bán sang "tay phải".
Vì thế, ông Đính khuyên người mua nhà, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới bất động sản để tránh rơi vào tình trạng mất thêm tiền hay bị "kẹp" hàng, nhất là trong lúc thị trường còn nhiều khó khăn như hiện tại.
Trong khi đó, môi giới H.H (45 tuổi, TP HCM) tiết lộ, môi giới hay có quy tắc chung là với các dự án căn hộ chung cư, tỷ lệ mất giá sau 3 -4 năm sử dụng rơi vào khoảng 20%. Trên 5 năm sẽ cộng dồn tỷ lệ khấu hao và tùy thuộc vào quy định của từng sàn.
Người mua nhà, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước các chiêu trò của môi giới bất động sản để tránh rơi vào tình trạng mất thêm tiền hay bị "kẹp" hàng.
Ví dụ, khách hàng muốn mua một căn hộ với giá 2 tỷ đồng. Trong vòng 4 năm, gia chủ muốn bán lại, bên môi giới sẽ trừ đi 20%, tức là 400 triệu đồng. Sang năm thứ 5 mới muốn bán thì tỷ lệ khấu trừ sẽ là 22-23%, tùy thỏa thuận. Đáng chú ý, với các căn hộ ở dự án chưa có sổ hồng, mức khấu hao sẽ tăng lên, rơi vào khoảng 25 – 35% để môi giới có thể ép giá với gia chủ.
Do đó, môi giới H.H cho rằng, nếu khách hàng muốn mua sát giá nhà nhất, thì nên tự tìm hiểu, khảo sát và so sánh giá nhà với các căn hộ tương tự ở cùng dự án, nếu thấy mức giá chênh quá cao so với giá mà môi giới đưa ra thì họ nên tránh mua, hoặc có mua cũng nên chủ động tự giao dịch hoặc tìm đơn vị môi giới có tâm hơn…
Tác giả: Lập Đông
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy