Dòng sự kiện:
Môi giới tất bật dẫn khách xem đất sau nới lỏng giãn cách
27/09/2021 16:49:23
Nhiều môi giới ở khu vực ngoại thành Hà Nội cho biết, sau nới lỏng giãn cách việc đi lại được thoải mái hơn, họ phải tất bật dẫn khách đi xem đất nhưng tỉ lệ giao dịch lại không nhiều.

Tất bật dẫn khách xem đất

Anh Đoàn, một số môi giới ở khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, 1 tuần nay kể từ ngày Hà Nội cho phép nới lỏng giãn cách sau hơn 2 tháng thực hiện việc "ai ở đâu ở yên đó" để phòng, chống dịch COVID -19, gần như anh chỉ có mặt tại nhà vào buổi tối vì ngày nào cũng tất bật với lịch trình dẫn khách đi xem đất.

Theo anh Đoàn, từ khi Hà Nội nới lỏng việc đi lại, trung bình ngày nào anh cũng dẫn hơn 10 đoàn khách đi xem đất, thậm chí có hôm còn không có thời gian ăn và nghỉ trưa.

“Ngay trong thời điểm Hà Nội giãn cách, tôi đã nhận được rất nhiều lịch hẹn đi xem đất, đến bây giờ khi việc đi lại được thoải mái hơn, mọi người bắt đầu đổ xô đi xem. Nếu như trước đây lượng khách xem đất tập trung vào dịp cuối tuần thì bây giờ ngày thường cũng đông, bởi nhiều người vẫn chưa phải đi làm lại nên họ tranh thủ đi xem luôn”, anh Đoàn nói.

Anh Đoàn và nhiều môi giới khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) tất bật với lịch trình đưa khách đi xem đất khi Hà Nội nới lỏng giãn cách. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, môi giới này tiết lộ dù tỉ lệ người có nhu cầu mua đất rất nhiều nhưng tỉ lệ giao dịch thành công thì giảm hơn so với thời điểm trước dịch COVID - 19. Bởi nhà đầu tư có nhiều băn khoăn về khả năng thanh khoản nhanh để thu hồi vốn của phân khúc này giữa bối cảnh hiện tại.

“Riêng Hòa Lạc, giá đất hiện tại không có nhiều biến động so với thời điểm trước dịch do đợt “sốt đất” hồi đầu năm khu vực này không bị “bơm” quá nhiều. Đối với đất thổ cư trong làng, trong ngõ (ô tô vào được) đang có giá trung bình từ 12 - 13 triệu đồng/m2. Còn với đất phân lô, vị trí đẹp, pháp lý rõ ràng thì đang dao động trong khoảng 17 - 18 triệu đồng/m2. Với tình hình hiện tại, tôi, anh em môi giới và nhiều nhà đầu tư cho rằng đến thời điểm cuối năm có thể xuất hiện một đợt “sốt đất” nhỏ nữa", anh Đoàn nhận định.

Cũng theo anh Đoàn: "Sau đợt giãn cách dài này, tôi nhận thấy tâm lý của khách cũng có sự thay đổi. Nếu như trước đây khách chủ yếu hỏi đất phân lô hay đất thổ cư thì đợt này, khách quan tâm về đất vườn để làm trang trại, homestay tăng hơn hẳn. Một số khách ruột tâm sự với tôi rằng sau mấy đợt dịch họ mong muốn tìm đất vườn để làm căn nhà nghỉ dưỡng cho gia đình, có nơi trốn dịch có thể tự cung tự cấp mà không phải lo vấn đề đi chợ, mua hàng như trong thành phố chật chội”.

Trong khi đó, anh Toàn (30 tuổi), một môi giới tay ngang khu vực La Phù (Hoài Đức) cho biết, ngay khi tình hình dịch COVID -19 ở Hà Nội đỡ căng thẳng hơn, nhiều khách hàng đã chủ động liên lạc với anh để hẹn lịch đi xem nhà, đất.

Hàng loạt biển rao bán nhà dự án được môi giới treo ở các khu dân cư tại La Phù (Hoài Đức).

“Bình thường tôi chạy xe chở hàng nhưng mấy hôm nay nhiều người đặt lịch đưa đi xem nhà, đất nhiều quá nên tôi đành tạm nghỉ để dẫn khách đi. Nhiều văn phòng môi giới khu vực này thậm chí còn thay cả biển quảng cáo cho mới để hút khách", anh Toàn nói.

Theo anh Toàn hiện giá nhà khu vực đất giãn dân chưa có sổ đỏ ở La Phù giảm từ 5-10 triệu đồng/m2 so với thời điểm "sốt đất". "Trước “sốt đất” giá nhà đất khu vực này trung bình khoảng 55 – 60 triệu đồng/m2. Giai đoạn “sốt đất” thì lên khoảng 80 – 90 triệu đồng/m2. Còn hiện tại mức giá này trung bình trong khoảng 75 – 80 triệu đồng/m2.”, anh Toàn cho biết.

Nhiều văn phòng môi giới BĐS ở khu vực La Phù (Hoài Đức) đã mở cửa để đón khách khi Hà Nội nới lỏng việc giãn cách xã hội.

Ngoài anh Đoàn và anh Toàn, nhiều môi giới nhà, đất ở các huyện ngoại thành Hà Nội khác cũng cho biết sau đợt dịch COVID -19 này, lượng khách hàng đi xem đất có xu hướng nhiều hơn nhưng giao dịch thành công thì còn khá ít.

“Bây giờ thời buổi dịch bệnh khó khăn rồi lâu lâu lại có “sốt đất” nên khách hàng trước đây vốn đã thận trọng nay lại càng thận trọng hơn trước khi quyết định xuống tiền đầu tư, vì thế mà nhiều đoàn dù đã ưng lắm nhưng vẫn cố đi xem vài chỗ nữa để so sánh rồi mới quyết định giao dịch”, một nữ môi giới cho biết.

Cẩn trọng khi đầu tư đất thời điểm hiện tại

Lý giải về hiện tượng lượng người tham gia thị trường bất động sản (BĐS), nhất là phân khúc đất nền tăng cao giữa đại dịch trong buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng hiện tại chúng ta có 5 kênh đầu tư chính thống là tiền gửi ngân hàng, đầu tư vàng, ngoại tệ, chứng khoán và BĐS.

Trong đó, lãi suất của tiền gửi ngân hàng đang giảm rất mạnh nên không còn hấp dẫn như trước đây. Vàng thì giá lên xuống thất thường khiến người đầu tư luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ. Thị trường ngoại tệ thì chỉ dành cho những người kinh doanh được phép giao dịch với Ngân hàng Nhà nước. Chứng khoán có sức bật mạnh nhưng cũng biến động theo giờ nên vô cùng rủi ro.

Chuyên gia cảnh báo, trước khi xuống tiền mua đất, nhà đầu tư cần phải thật sự cẩn trọng, phân tích kĩ vấn đề pháp lý, cơ sở hạ tầng, so sánh với giá đất khu vực đang phát triển gần đó,...để có quyết định đúng đắn và khôn ngoan giữa bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Đối với BĐS mặc dù thị trường đang chịu tác động rất mạnh và bức tranh chung không được sáng sủa như những năm trước dịch COVID -19, khiến cung - cầu nhiều lúc đứt gẫy nhưng nhìn chung về lâu dài nó vẫn là kênh đầu tư tốt và tiềm năng. Bởi nó đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn, khả năng sinh lời và có tính thanh khoản.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định, giữa tình hình đại dịch COVID -19 chưa có hồi kết, các nhà đầu tư sẽ luôn có sự tính toán thận trọng và dài hạn với lộ trình tài chính rõ ràng nên sẽ không bán tháo để cắt lỗ hoặc có phải bán thì giá ra cũng ít nhất phải ngang bằng giá mua vào. Còn những nhà đầu tư bán tháo thời điểm hiện tại là do nguồn lực tài chính không đủ mạnh để trụ.

Đồng thời, ông Đính cảnh báo, ở thời điểm hiện tại trước khi đầu tư đất nền cần phải hết sức lưu ý vì trong mấy tháng đầu năm có xảy ra tình trạng “sốt đất”. Bởi khi “sốt đất” giá đất không thực, là “giá ảo”, “giá bong bóng” nên nếu đầu tư lúc này chỉ có thua thiệt và thực tế là chưa đầu tư đã thấy lỗ.

Tác giả: Lộc Liên - Ninh Phan

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến