Dòng sự kiện:
Mối nguy với đồng nhân dân tệ
27/09/2022 19:24:28
Sức mạnh của đồng USD và triển vọng kinh tế Trung Quốc suy yếu khiến đồng nhân dân tệ giảm mạnh. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không muốn đổi tiền về đồng nội tệ.

Đồng nhân dân tệ giảm mạnh so với đồng USD. Ảnh: Reuters.

CNBC đưa tin theo công ty dịch vụ tài chính Macquarie Group, thặng dư thương mại của Trung Quốc đang trên đà lập đỉnh 1.000 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, điều này cũng không thể ngăn đồng nhân dân tệ trượt dốc mạnh so với đồng USD vì triển vọng kinh tế xấu đi.

"Thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc đang tiến tới mức chưa từng có trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn không muốn chuyển từ ngoại tệ về đồng nhân dân tệ vì triển vọng kinh doanh sa sút", ông Larry Hu - chuyên gia kinh tế trưởng tại Macquarie - chia sẻ.

Đồng nhân dân tệ suy yếu

Ông Hu ước tính trong 8 tháng đầu năm nay, tỷ lệ thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc (tính theo giá trị) được chuyển về đồng nhân dân tệ đạt 36%, giảm từ 57% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý đầu năm, tỷ lệ này vẫn đạt 50%, nhưng đã giảm dần sau khi Thượng Hải bị phong tỏa nhiều tuần để đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 mới.

Theo Macquarie, các doanh nghiệp xuất khẩu tin rằng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục yếu đi trong bối cảnh kinh tế suy yếu. Thêm vào đó, nhu cầu tái đầu tư vào chuỗi cung ứng bằng đồng nội tệ của giới doanh nhân cũng giảm dần.

Bất chấp thặng dư thương mại cao kỷ lục, đồng nhân dân tệ vẫn chịu sức ép lớn so với đồng USD

Ông Larry Hu - chuyên gia kinh tế trưởng tại Macquarie

Điều này đồng nghĩa với việc mức thặng dư kỷ lục cũng không thể ngăn đồng nhân dân tệ suy yếu nghiêm trọng.

"Bất chấp thặng dư thương mại cao kỷ lục, đồng nhân dân tệ vẫn chịu sức ép lớn so với đồng USD", ông Hu nhận định.

Trong một báo cáo mới được công bố, đội ngũ chiến lược tiền tệ của Macquarie dự báo đồng nhân dân tệ sẽ giảm còn 7,15 nhân dân tệ đổi 1 USD vào cuối năm nay. Nhưng đến ngày 26/9, đồng nội tệ của Trung Quốc đã rơi xuống dưới ngưỡng này.

Các ngân hàng trung ương lớn trên khắp thế giới đang thắt chặt chính sách để đối phó với lạm phát. Lãi suất điều hành của Mỹ hiện ở mức 3-3,25%, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.

Trong tháng này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã mạnh tay nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm để hạ nhiệt lạm phát, còn Ngân hàng Anh tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm.


Khủng hoảng địa ốc đè nặng lên nền kinh tế thứ hai thế giới. Ảnh: Reuters.

Trái ngược với các ngân hàng trung ương khác, tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất 0,1 điểm phần trăm từ 2,1% xuống 2%, lần cắt giảm thứ hai trong năm nay.

Tháng này, PBoC đã giữ nguyên lãi suất. Động thái của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang lao đao vì các đợt bùng phát Covid-19 mới và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản.

Theo báo cáo mới được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 đã bị hạ từ 5% trong dự báo hồi tháng 4 xuống 3,3%. Đây là lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ, các quốc gia còn lại của khu vực châu Á đang phát triển sẽ tăng trưởng nhanh hơn Trung Quốc.

Cần củng cố niềm tin

Khác với các lập luận thông thường, ông Hu cho rằng để ổn định đồng nhân dân tệ, Bắc Kinh cần nới lỏng chính sách mạnh tay hơn.

"Nếu đà phục hồi của nền kinh tế giúp củng cố niềm tin, nhiều nhà xuất khẩu sẽ đổi từ đồng USD sang đồng nhân dân tệ", ông Hu giải thích.

Thặng dư thương mại của Trung Quốc đã tăng lên kể từ thời kỳ đại dịch. Việc kiểm soát Covid-19 tốt giúp Bắc Kinh duy trì khả năng cung ứng cho các mặt hàng xuất khẩu. Trong khi đó, những biện pháp phong tỏa kìm hãm nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Nhu cầu nội địa tại Trung Quốc cũng lao dốc vì cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp bất động sản. Thêm vào đó, Bắc Kinh không mạnh tay bơm tiền vào nền kinh tế, mà sử dụng các chính sách công nghiệp, chi tiêu tài khóa và hỗ trợ có mục tiêu để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ giảm tốc, bởi lạm phát và khủng hoảng năng lượng làm suy yếu nhu cầu toàn cầu.

Trong tháng 8, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 4, thời điểm Thượng Hải bị phong tỏa, gây gián đoạn các hoạt động vận tải.

 Tác giả: Thảo Phương

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến