Dòng sự kiện:
Mối quan hệ Anh-EU sau Brexit: Hồi kết dang dở
31/01/2020 22:09:37
23 giờ (giờ GMT) ngày 31/1, nước Anh chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 47 năm là thành viên của khối thương mại khu vực lớn nhất hành tinh này.

Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh tại London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

23 giờ (giờ GMT) ngày 31/1, nước Anh chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 47 năm là thành viên của khối thương mại khu vực lớn nhất hành tinh này.

Câu chuyện Brexit bắt nguồn từ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh giữa năm 2016, song "mầm mống" của lần chia tay định mệnh này có lẽ đã xuất hiện từ trước đó rất lâu với những tranh cãi dai dẳng giữa Anh và EU về mối quan hệ hai bên.

Ngày 1/1/1973, Vương quốc Anh chính thức trở thành thành viên EU. Tuy nhiên "tuần trăng mật" của mối quan hệ Anh-EU không kéo dài.

Ngay đầu thập niên 1980, chính phủ của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã có những tranh cãi với EU về việc đóng góp cho ngân sách của khối này.

Đến những năm 1990, mâu thuẫn giữa Anh và EU tiếp tục nảy sinh, Anh quyết định rút khỏi Cơ chế tỷ giá hối đoái (ERM) của châu Âu năm 1992 và sau đó là không tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu năm 1997.

Mâu thuẫn giữa Anh và EU bị đẩy lên đỉnh điểm vào ngày 29/3/1996 khi Ủy ban châu Âu công bố lệnh cấm xuất khẩu toàn cầu đối với thịt bò của Anh do những lo ngại liên quan đến bệnh bò điên.

Các chính trị gia và cả những người nông dân Anh đều cảm thấy độc lập chủ quyền quốc gia bị tổn thương nặng nề khi họ không còn được tự quyết định, mà Brussels mới có quyền cho phép Anh được bán sản phẩm của mình ở đâu trên thế giới.

Lần đầu tiên sau hơn 20 năm gia nhập EU, các chính trị gia Anh và EU đã có những suy nghĩ nghiêm túc về tư cách thành viên của Anh trong EU.

20 năm sau, câu hỏi về tư cách thành viên của Anh trong EU được chính thức đưa ra tại cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016.

Gần 52% cử tri Anh đã lựa chọn “Ra đi” và nước Anh bước vào một giai đoạn đầy khó khăn và bất ổn.

Các cuộc đàm phán căng thẳng giữa Anh và EU, những cuộc tranh cãi trong nội bộ nước Anh về việc ra khỏi EU như thế nào đã diễn ra triền miên trong suốt hơn 3 năm qua.

Đại diện thường trực của Anh tại Liên minh châu Âu (EU) Sir Tim Barrow (trái) trao bản thỏa thuận Anh rời EU chờ được phê chuẩn cho Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Jeppe Tranholm-Mikkelsen tại Brussels, Bỉ ngày 29/1. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai cuộc tổng tuyển cử sớm được tổ chức tại Anh mới có thể đưa đến được việc hạ viện nước này, sau những rạn nứt và chia rẽ nghiêm trọng trong nội bộ, thông qua Luật Brexit nhằm cho phép nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/1.

Nước Anh, và cả EU, đã đi một chặng đường dài chông gai để tới được "hồi kết" của câu chuyện Brexit.

Sau ngày 31/1, nước Anh sẽ bước vào gian đoạn chuyển tiếp kéo dài 11 tháng. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, Anh sẽ tiếp tục được hưởng các quyền lợi cũng như phải gánh những nghĩa vụ như khi là thành viên EU.

Công dân Anh sẽ không còn là công dân EU, nhưng sẽ vẫn được tự do đi lại giữa các nước thành viên EU như trước đây.

Anh sẽ tiếp tục phải tuân thủ các quy định và pháp luật của EU, tiếp tục đóng góp vào ngân sách của khối, nhưng nước này bị đẩy ra khỏi các thể chế chính trị của EU: các nghị sỹ Anh tại Nghị viện châu Âu phải "khăn gói" về nước, Anh không còn ghế trong các cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU cũng như không còn tiếng nói trong vô số các cơ quan kỹ thuật của khối...

Tuy nhiên, 11 tháng chuyển tiếp này là quãng thời gian quan trọng để Anh và EU đàm phán và thông qua một thỏa thuận quy định các mối quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Sau gần 50 năm gắn kết và hội nhập, mối quan hệ giữa Anh và EU đã trở nên sâu rộng và vô cùng phức tạp. Do đó, thỏa thuận trên sẽ phải bao gồm rất nhiều lĩnh vực từ mua bán hàng hóa đến dịch vụ, từ quyền tự do đi lại, quyền của người lao động đến các vấn đề như bảo vệ môi trường, trợ cấp nhà nước, an ninh...

Đây là một thỏa thuận toàn diện và đầy tham vọng, nhưng giữa Anh và EU vẫn còn tồn tại bất đồng trong nhiều lĩnh vực. EU muốn tiếp tục được đánh bắt cá trong vùng biển của Anh, nơi mà tàu thuyền của các nước EU mỗi năm khai thác khoảng 700.000 tấn hải sản.

Anh thì yêu cầu được tiếp tục tự do tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của EU, lĩnh vực hằng năm mang lại cho Anh gần 100 tỷ USD thặng dư.

Không muốn Anh trở thành đối thủ kinh tế trong tương lai, EU yêu cầu Anh phải tiếp tục tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về trợ cấp nhà nước.

Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Boris Johnson muốn nước Anh, sau khi rời EU, phải xây dựng các quy định của riêng mình, rời xa các tiêu chuẩn và quy định của EU...

Do những bất đồng này, trong cuộc họp với Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 8/1 tại Anh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã khẳng định rằng đàm phán thỏa thuận thương mại giữa EU và Anh sẽ khó khăn hơn cả quá trình đàm phán để nước Anh ra khỏi EU.

Ngoài ra, với việc đã đại diện cho các nước thành viên đàm phán nhiều hiệp định thương mại, EU rõ ràng có kinh nghiệm trên bàn thương lượng hơn rất nhiều so với Anh, quốc gia không được phép trực tiếp đàm phán một thỏa thuận thương mại với một nước nào kể từ khi gia nhập EU.

EU cũng ở vị thế cao hơn khi có đến 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Anh là với EU, trong khi chỉ 10% hàng xuất khẩu của EU là đến Anh.

Chính phủ của Thủ tướng Johnson cũng không thể lấy lý do quốc hội nước này không chấp nhận để mong EU hạ bớt các yêu cầu như khi đàm phán thỏa thuận Brexit, vì đảng Bảo thủ hiện đã chiếm đa số áp đảo ở Hạ viện Anh.

Tất cả những điều trên dẫn đến khả năng Anh sẽ chịu rất nhiều sức ép từ phía EU trong quá trình đàm phán. Tuy nhiên, với chính sách “Nước Anh toàn cầu” nhằm khôi phục và nâng cao vị thế của mình, trong các cuộc đàm phán, Anh khó có thể dễ dàng khuất phục trước các yêu cầu từ phía EU.

Thời gian 11 tháng của gian đoạn chuyển tiếp để hoàn tất một thỏa thuận toàn diện như vậy cũng là một thách thức đối với cả Anh và EU. Những thỏa thuận thương mại ít tham vọng hơn với Canada, Ukraine, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, EU cũng phải mất từ 4 đến 9 năm để hoàn tất.

Do đó, nhiều người cho rằng 11 tháng mới chỉ đủ để các cơ quan chuyên môn của EU chuẩn bị các tài liệu và dịch ra các ngôn ngữ khác nhau cho quốc hội 27 nước thành viên xem xét thông qua, chưa có thời gian để Anh và EU đàm phán thỏa thuận thương mại toàn diện và đầy tham vọng đó.

Với những bất đồng và khó khăn trên, dù rất tự tin và luôn khẳng định rằng nước Anh sẽ hoàn tất một thỏa thuận thương mại với EU đúng thời hạn do nước này tự ấn định trong Luật Brexit là cuối tháng 12/2020, nhưng ngày 14/1, khi trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Boris Johnson cũng phải thừa nhận rằng nước Anh vẫn cần dự phòng khả năng không đạt được một thỏa thuận đúng thời hạn.

Thủ tướng Johnson có thể xin gia hạn thời gian chuyển tiếp ra sau tháng 12/2020. Dù hiện bị cấm, nhưng với thế đa số áp đảo của đảng Bảo thủ, ông Johnson có thể yêu cầu Hạ viện Anh sửa đổi Luật Brexit.

Tuy nhiên, nếu làm như vậy, cả đảng Bảo thủ và Thủ tướng Johnson đều mất thể diện chính trị vì đã không giữ được cam kết của mình. Nhưng nếu không đạt được một thỏa thuận đúng thời hạn, mọi giao dịch giữa Anh với EU sau tháng 12/2020 sẽ được thực hiện trên cơ sở các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - đây chính là viễn cảnh Brexit không thỏa thuận mà cả Anh và EU đều cố tránh trong suốt thời gian vừa qua.

Điều này dẫn đến một kịch bản khác là Thủ tướng Johnson có thể lựa chọn đạt được một thỏa thuận thương mại hạn chế, chỉ bao gồm việc mua bán hàng hóa, với EU đúng thời hạn tháng 12/2020.

Các vấn đề gai góc khác như việc đánh bắt cá trên vùng biển của Anh, dịch vụ tài chính, trợ cấp nhà nước... sẽ được để lại tiếp tục đàm phán sau tháng 12/2020.

Như vậy, có thể nói nước Anh chưa thể hoàn thành việc rời EU vào ngày 31/1 và câu chuyện Brexit sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2020, thậm chí dài hơn nữa.

Hồi kết câu chuyện Brexit, trên thực tế là đoạn đầu của một chặng đường phía trước cũng gập ghềnh không kém đối với nước Anh.

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến