Dòng sự kiện:
Mong chờ gì từ Fed tại cuộc họp chính sách tuần này?
19/03/2019 10:47:21
Chỉ có hai điều quan trọng khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tiến tới bục họp báo trong ngày thứ Tư tuần này (20/3): Biểu đồ điểm dot-plot và số dư trái phiếu trong bảng cân đối kế toán.

Theo dự báo, Powell và các đồng nghiệp sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay qua đêm ở phạm vi 2.25-2.5% và tuân theo cam kết “kiên nhẫn” chờ đợi dữ liệu trước khi đưa ra bất kỳ động thái chính sách nào.

Dù vậy, một điều đáng mong chờ hơn là các nhà hoạch định chính sách thể hiện dự báo lãi suất của mình trên biểu đồ điểm dot-plot như thế nào. Dot-plot là một biểu đồ thể hiện quan điểm lãi suất của các nhà hoạch định chính sách trong vòng 3 năm tới bằng những vòng tròn nhỏ màu xanh.

Và cũng quan trọng không kém là thông tin về kế hoạch ngừng cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán của Fed. Hiện số dư trên bảng cân đối kế toán chỉ còn gần 3.8 ngàn tỷ USD trái phiếu.

“Đây sẽ là thông tin mới để thị trường tiến hành giao dịch: Liệu Fed có ý định ngừng cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán hay không?”, Ben Jeffery, Chiến lược gia tại BMO Capital Markets, nhận định.

Bất mãn với những nhận định của ông Powell về bảng cân đối kế toán trong tháng 12/2018, nhà đầu tư đã đẩy thị trường vào vòng xoáy suy giảm liên hồi và 1 tháng sau đó, Fed buộc phải tạm ngưng nâng lãi suất.

Kể từ đó, nhà lãnh đạo Fed công khai cho biết một trong những mục tiêu của ông là tránh làm ảnh hưởng tới thị trường “một cách không cần thiết”.

Các trader hiện dự báo Fed sẽ không nâng lãi suất trong năm nay và thậm chí còn cho rằng có một đợt giảm lãi suất trong năm 2020. Nếu đưa ra quan điểm khác với kỳ vọng của thị trường thì Fed có thể lần nữa khiến thị trường đi xuống. Và việc các nhà hoạch định chính sách giảm mạnh kỳ vọng nâng lãi suất cũng có thể khiến thị trường lao đao, nhất là nếu đi cùng với triển vọng kinh tế ảm đạm hơn.

Những tín hiệu sai hoặc gây bối rối về dự báo lãi suất hoặc danh mục trái phiếu của Fed có thể làm đảo lộn tâm lý bình thản trên thị trường mà Fed đã cố gắng gầy dựng trong thời gian gần đây.

Góp phần khiến nhiệm vụ của ông Powell thêm phần khó khăn là một đống dữ liệu kinh tế rối như mớ bòng bong, chẳng hạn như đà giảm tốc mạnh của tăng trưởng việc làm trong tháng trước, nhưng lại đi cùng với đà tăng trưởng mạnh hơn của tiền lương.

Bất ổn về triển vọng của nền kinh tế thế giới và hoạt động thương mại toàn cầu cũng như dự báo kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh đã đẩy thị trường vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Chỉ với một tín hiệu tiêu cực từ Fed, thị trường có thể lao dốc mạnh.

Chỉ dẫn từ Fed

Hồi tháng 1/2019, Fed đã chuyển hướng từ nâng lãi suất hàng quý sang cam kết kiên nhẫn trước khi đưa ra động thái chính sách. Ông Powell cũng cho biết Fed có thể ngừng cắt giảm số dư trái phiếu trong năm nay.

Tuyên bố chính sách của Fed tại cuộc họp lần trước chẳng hề đưa ra tín hiệu về việc lãi suất rồi sẽ tăng hay giảm. Có khả năng tuyên bố chính sách tháng 3 này cũng sẽ như thế.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ nâng lãi suất trong năm nay hay không, các nhà hoạch định chính sách Fed cũng đưa ra ít thông tin.

“Kiên nhẫn về cơ bản có nghĩa là chúng tôi sẽ không đưa ra quá nhiều chỉ dẫn về những kỳ vọng của chúng tôi trong tương lai bởi vì đã có quá đủ bất ổn rồi và chúng ta phải quan sát tình hình sẽ tiến triển ra sao”, Eric Rosengren, Chủ tịch Fed khu vực Boston, cho biết vào ngày 05/03/2019.

Thế nhưng, chỉ dẫn chính xác là những gì Fed đưa ra trong phần Tóm tắt Dự báo Kinh tế (SEP) đi kèm với tuyên bố chính sách trong ngày thứ Tư tuần này (20/03). Tài liệu này có thể cho thấy Fed đang kỳ vọng sẽ nâng lãi suất nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong năm 2019 – một điều mà hầu hết nhà hoạch định chính sách vẫn kỳ vọng.

Một số quan chức Fed lên tiếng ái ngại tại cuộc họp chính sách tháng 1/2019 rằng các dự báo có thể truyền tải một tuyên bố sai lệch về những gì Fed định làm, theo như những gì ghi nhận từ cuộc họp lần đó. Vào ngày 08/03, ông Powell cũng lên tiếng cảnh báo việc xem xét quá kỹ lưỡng các dự báo của các nhà hoạch định chính sách của Fed. Cho tới nay, cách truyền tải thông tin có phần thận trọng và luôn cảnh giác của Fed đã giúp thị trường có lại sự tự tin. Chỉ số đo lường mức độ biến động dự kiến về giá trái phiếu Chính phủ Mỹ trong 3 tháng đã chạm mức thấp nhất trong 17 năm. Thị trường cổ phiếu cũng phản ứng tích cực, trong đó chỉ số S&P 500 tăng hơn 12% trong năm nay.

Khi mà lạm phát vẫn tăng trưởng yếu ớt, Fed không cần phải gấp rút nâng lãi suất và nhà đầu tư đã loại bỏ kỳ vọng về một đợt nâng lãi suất trong năm nay, nhất là khi xuất hiện các tín hiệu cho thấy đà giảm tốc của châu Âu và Trung Quốc có thể “đè nặng” lên Mỹ.

Bảng cân đối kế toán

Trong những năm tháng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Fed đã mua hàng ngàn tỷ USD trái phiếu trong một nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang chật vật với muôn vàn khó khăn. Để đưa chính sách trở về mức bình thường, Fed bắt đầu cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán vào cuối năm 2017 bằng cách không tái đầu tư một phần trái phiếu khi chúng đến hạn.

Hiện nay, khi Fed muốn chấm dứt quá trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán, họ phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi. Chẳng hạn như, một số người cho biết họ không muốn các chính sách về bảng cân đối kế toán (vốn có thể thắt chặt điều kiện tài chính) đi ngược lại với mục đích của chính sách lãi suất thận trọng hơn.

Trước đó trong tháng này, Chủ tịch Fed khu vực New York John Williams nói với Reuters rằng “chẳng có câu trả lời rõ ràng” về mức hợp lý của số dư trên bảng cân đối kế toán. Nhà đầu tư sẽ ngóng chờ câu trả lời từ Fed trong tuần này. Ông Powell nhiều khả năng sẽ bị chất vấn về vấn đề này trong cuộc họp báo ngày thứ Tư (20/03).

Cliff Corso, Chủ tịch tại công ty quản lý đầu tư Insight North America LLC, cho biết thị trường đang trông chờ tín hiệu “xác nhận” từ Fed về quy mô và thành phần trong bảng cân đối kế toán của Fed để xem dự báo có Fed có khác gì với những giả định của họ hay không. “Bất kỳ sự khác biệt nào cũng có thể gây ra sự biến động đôi chút”, ông nhận định.

Theo FILI

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến