Một cảng hàng hóa tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công ty nghiên cứu thị trường Moody’s Analytics cho biết, sự biến động của thị trường hàng hóa toàn cầu và môi trường giao dịch ngày càng lo ngại rủi ro có khả năng khiến lạm phát tăng cao hơn trong năm 2022.
Trong bài phân tích “Triển vọng toàn cầu: Thách thức lớn” công bố ngày 20/6, nhà kinh tế Shahana Mukherjee của Moody’s Analytics cho biết các ngân hàng trung ương trong những tháng sắp tới sẽ tiếp tục thu hẹp các biện pháp kích thích liên quan tới đại dịch COVID-19 và thắt chặt lãi suất.
Theo bà Mukherjee, nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những biến động bất lợi với triển vọng ảm đạm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Đà tăng trưởng đã bị gián đoạn sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2021 nhờ đợt kích thích tài khóa chưa từng có tại Mỹ và sự tăng trưởng chắc chắn theo định hướng thương mại của Trung Quốc.
Đại dịch COVID-19 và gián đoạn nguồn cung liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu và áp lực lạm phát liên quan làm tăng thêm sự không chắc chắn về thời gian và tốc độ phục hồi toàn cầu. Do đó, tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo ở mức 2,8% vào năm 2022 và 3,1% vào năm 2023.
Bà nói rằng giá dầu toàn cầu và các hàng hóa khác tăng mạnh kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bùng phát, thúc đẩy lạm phát tăng sang quý 2/2022 và đè nặng lên đà tăng trưởng kinh tế thế giới.
Đồng thời, việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để đối phó với đợt bùng phát dịch bệnh đã dẫn đến sự gián đoạn nguồn cung mới, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt trong các ngành công nghiệp chủ chốt và làm tổn hại đến dòng chảy thương mại trong khu vực.
Nhà kinh tế của Moody’s Analytics nhấn mạnh các hạn chế thương mại đã làm tăng thêm những thách thức về giá cả. Môi trường địa chính trị căng thẳng do cuộc chiến Ukraine vẫn có thể hạn chế nguồn cung toàn cầu của palladium, nickel và các nguyên liệu đầu vào quan trọng khác để sản xuất chất bán dẫn. Điều này có thể làm dấy lên những thách thức về nguồn cung toàn cầu vốn dự kiến sẽ dịu bớt trong năm 2022 đối với ngành công nghiệp này.
Ngoài ra, sự bất ổn do cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến một số thị trường mới nổi có quan điểm thận trọng hơn về an ninh năng lượng và lương thực trong nước, dẫn đến các lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu đối với lúa mì, dầu cọ, đường và các mặt hàng khác. Những diễn biến này đã làm tăng khả năng áp lực giá từ phía nguồn cung trên diện rộng hơn.
Bà Mukherjee dự báo cú sốc nguồn cung từ cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn là nguy cơ giảm chính đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022, với tác động giá hàng hóa tăng cao làm ảnh hưởng đến chi tiêu thực tế, đầu tư và tâm lý.
Cùng với đó, sự lây lan của các biến thể COVID-19 trong tương lai vẫn là nguy cơ có thể làm suy yếu thêm lòng tin, nhưng có thể sẽ không làm chệch hướng đà phục hồi.
Ngoài ra, sự yếu kém của thị trường bất động sản Trung Quốc có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc và chính nền kinh tế nước này trải qua thời gian biến động kéo dài và phí bảo hiểm rủi ro cao hơn./.
Tác giả: An Nguyễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy