Ngày 6/12, CTCP Louis Holdings đăng ký mua vào 2,7 triệu cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), nhằm nâng tỉ lệ sở hữu lên 23% (tương đương 4,2 triệu cổ phiếu). Thời gian thực hiện từ ngày 9/12 đến ngày 20/12 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.
Tạm tính theo mức giá giao dịch hiện tại (37.000 đồng/CP chốt phiên ngày 7/12), Louis Holdings sẽ phải chi xấp xỉ 99,9 tỷ đồng để mua được số cổ phiếu trên.
Ở chiều ngược lại, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đang muốn thoái toàn bộ 5,1 triệu cổ phiếu AGM, tương đương với 28,17% vốn của AGM. Cụ thể, hôm 3/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) thông báo về phiên đấu giá lô cổ phần mà SCIC nắm giữ dự kiến diễn ra vào 28/12/2021 tại Tp.HCM, thời gian cung cấp thông tin về đợt đấu giá dự kiến từ ngày 8/12/2021.
Theo thông tin HoSE, giá chào bán khởi điểm của lô cổ phần là 187,5 tỷ đồng, tương đương mức giá hơn 36.500 đồng/cổ phiếu. Điều kiện tham dự đấu giá là nhà đầu tư tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân trong nước theo quy định. HoSE đề nghị công ty chứng khoán có nhu cầu đại lý cho cuộc đấu giá gửi đơn đăng ký.
Những biến động lớn ở Angimex
Về Angimex, doanh nghiệp ngành gạo được thành lập ngày 23/07/1976 và cổ phần hóa ngày 01/01/2008. Hiện Angimex là một trong những công ty chủ lực của tỉnh An Giang, sở hữu 3 mảng kinh doanh nòng cốt: Lương thực, Thương mại và kinh doanh dịch vụ xe Honda, Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và các khoản đầu tư vào liên doanh Angimex-Kitoku, Co.opmart… Bên cạnh đó, công ty còn sở hữu các bất động sản tại các vị trí đắc địa tại Tp.HCM, Long Xuyên (An Giang).
Thời gian vừa qua, doanh nghiệp này đã có sự xáo trộn lớn. Cụ thể, hồi tháng 5, Nguyễn Kim Group đã bán hơn 9,4 triệu cổ phiếu AGM (tương đương 51,58% vốn điều lệ Angimex) theo phương thức thỏa thuận. Giá trị đã giao dịch theo mệnh giá là hơn 94,37 tỷ đồng.
Cùng thời điểm nêu trên, ông Đỗ Thành Nhân đăng ký mua vào 1,48 triệu cổ phiếu AGM, nâng tỉ lệ sở hữu từ 0,27% (48.400 cổ phiếu) lên 8,16% (1,49 triệu cổ phiếu) và trở thành cổ đông lớn.
Sau động thái thoái vốn của nhóm cổ đông Nguyễn Kim, Angimex còn hai cổ đông lớn, gồm SCIC nắm 28,17% cổ phần và ông Đỗ Thành Nhân nắm 8,16%. Còn 63,67% cổ phần còn lại thuộc các cổ đông nhỏ lẻ.
Ngày 20/10, CTCP Louis Capital (TGG) - đơn vị liên quan ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT đã thoái toàn bộ 838.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 4,6% về còn 0% vốn điều lệ.
Tiếp đến, ngày 8/11, ông Đỗ Thành Nhân cũng bán ra 1,49 cổ phiếu, tương đương toàn bộ 8,16% vốn đang nắm giữ tại AGM sau hơn 3 tháng ngồi “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT. Mục đích cho việc thoái vốn này được công bố nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư. Tổng giá trị giao dịch giúp ông Nhân thu về gần 14,86 tỷ đồng.
Ngược lại với động thái của ông Nhân, CTCP Louis Holdings - nơi ông Nhân giữ chức Chủ tịch HĐQT mua lại 1,49 triệu cổ phiếu, chiếm 8,16% vốn của của AMG, đúng bằng lượng cổ phiếu AGM ông Nhân bán ra. Louis Holdings chính thức trở thành cổ đông lớn nắm giữ trên 5% cổ phiếu tại doanh nghiệp này.
Như vậy, nếu giao dịch mua vào 2,7 triệu cổ phiếu AGM thành công, Louis Holding sẽ nắm giữ 4,2 triệu cổ phiếu, tương đương 23% vốn điều lệ tại AGM.
Ông Đỗ Thành Nhân trở thành Chủ tịch HĐQT Angimex.
Cùng với biến động cổ đông là biến động nhân sự. Hồi cuối tháng 5, Angimex nhận được đơn từ nhiệm của 4 thành viên HĐQT gồm ông Lê Huỳnh Gia Hoàng, ông Nguyễn Minh Tân, bà Cao Thị Phi Hoàng, bà Nguyễn Thị Thu Thảo; 3 thành viên ban kiểm soát gồm ông Nguyễn Ái, bà Tạ Thị Hồng Thắm và ông Phạm Ngọc Hiếu cùng đơn từ nhiệm của Tổng giám đốc - ông Trần Hoàng An.
Ngày 22/7/2021, AGM tổ chức Đại hội cổ đông bất thường thông qua việc miễn nhiệm 4 thành viên Hội đồng quản trị; 3 thành viên Ban Kiểm soát và Tổng giám đốc Công ty, bầu bổ sung 8 người mới vào HĐQT, BKS và Tổng giám đốc. Trong đó, ông Đỗ Thành Nhân trở thành Chủ tịch HĐQT AGM.
Đáng chú ý, vị trí Tổng giám đốc Agmimex có khá nhiều biến động khi trong vòng hơn 3 tháng thay 3 lần Tổng giám đốc.
Cụ thể, ngày 11/6, HĐQT miễn nhiệm ông Trần Hoàng An sau khi ông này có đơn từ nhiệm. Đồng thời, bổ nhiệm ông Vũ Tiến Hùng vào vị trí này.
Tuy nhiên, đến ngày 7/9, ông Hùng làm đơn từ nhiệm sau khi mới ngồi ghế Tổng giám đốc chưa được 3 tháng. Ông Nguyễn Trung Kiên được bổ nhiệm vào vị trí này từ ngày 9/9. Nhưng chỉ sau 11 ngày, HĐQT Angimex đã bổ nhiệm ông Võ Thanh Bào giữ chức Tổng giám đốc, thay ông Nguyễn Trung Kiên.
Cổ phiếu tăng phi mã từ khi có sự xuất hiện "họ Louis"
Về tình hình kinh doanh của AGM, trong quý III vừa qua, doanh thu thuần đạt 1.297 tỷ đồng, tăng 149% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 và chi phí vận chuyển, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp chỉ đạt gần 4 tỷ đồng giảm 53% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu thuần đạt 2.333 tỷ đồng, tăng 54,5% so với 9 tháng năm 2020. Song do chi phí gia tăng nên lãi sau thuế doanh nghiệp giảm 11% về mức 18 tỷ đồng.
Agimex dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường lần 2 năm 2021 vào ngày 17/12 tới để thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ, điều chỉnh tỷ lệ chia cổ tức năm 2020, phê chuẩn miễn nhiệm và trình thông qua danh sách ứng viên bầu thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2021-2025.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AGM cũng trải qua nhiều biến động về giá và thanh khoản và có thể chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, trước ngày 4/5/2021, cổ phiếu AGM chỉ giao dịch vùng 14.400 đồng/cổ phiếu và thanh khoản không đáng kể.
Hồi tháng 5, cổ phiếu AGM gây chú ý với 12 phiên tăng trần liên tiếp. (Ảnh: Tradingview)
Giai đoạn 2, từ 4/5 đến 20/5/2021, cổ phiếu này tăng liên tục 12 phiên gây sự chú ý của giới đầu tư, thanh khoản giai đoạn này vẫn thấp.
Giai đoạn 3, từ 3/8 đến 17/9, thanh khoản gia tăng đột biến trước khi cổ phiếu đảo chiều, tổng khối lượng khớp lệnh lên tới 3.509.900 cổ phiếu, chiếm 19,3% khối lượng cổ phiếu lưu hành; giá cổ phiếu dao động trong vùng 30.000 - 41.000 đồng/cổ phiếu, ước tính giá trung bình là 36.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, từng vùng giá 14.400 đồng tăng lên 41.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 190% trong vòng hơn 4 tháng. Đà tăng của cổ phiếu bắt đầu từ khi xuất hiện nhóm cổ đông mới liên quan tới họ “nhà Louis”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu “họ Louis” lao dốc không phanh cũng khiến cổ phiếu AGM có ba phiên giảm sàn liên tục, từ 21/9 - 23/9.
Sau pha giảm sâu, cổ phiếu AGM hồi phục vào những phiên gần đây bất chấp sự điều chỉnh của thị trường và đang gần tiếp cận với đỉnh được xác lập trong phiên 15/9/2021.
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy