Dòng sự kiện:
Một số ngân hàng châu Âu sẽ sớm 'về chung nhà'
10/06/2018 20:00:19
Từ lâu đã có nhiều đồn đoán về việc lợi nhuận kém và chi phí tăng cao có thể gây ra làn sóng sáp nhập ngân hàng ở châu Âu. Dù vậy, các thương vụ vẫn khó được theo dõi.

Song theo CNN, hiện giờ đồn đoán lại dấy lên vì nhiều bài báo viết rằng Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất Đức và đang trong cảnh khó khăn, có thể kết hợp với đối thủ Đức là Commerzbank. Trong khi đó, Barclays có thể về cùng một nhà ở Anh với Standard Chartered. Trường hợp sáp nhập xuyên biên giới hiếm hoi hơn có thể xảy ra giữa ngân hàng Pháp Société Générale và nhà băng Ý UniCredit.

Không có dấu hiệu gợi ý nào cho việc những cái tên ở trên đang có động thái mở đường cho việc sáp nhập. Tuy nhiên, lý do hợp nhất trong khu vực là khá lớn và động lực thúc đẩy các nhà băng xích lại gần nhau khó lòng suy yếu.

Vấn đề chính là châu Âu có quá nhiều ngân hàng. Trên khắp 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, mỗi chi nhánh ngân hàng phục vụ 54.000 công dân, theo Liên đoàn ngân hàng châu Âu. Đây là tỷ lệ tương đương với ở Mỹ. Song ở một số nước như Anh, tỷ lệ này cao hơn khi cứ mỗi 170.000 người thì có một ngân hàng. Tại Nhật Bản, số lượng người dân trên mỗi ngân hàng lên đến gần 900.000 người.

“Bạn có thị trường rất phân mảnh ở hầu hết lục địa châu Âu. Quy mô nói trên là một loại tài sản”, CEO Barclays Jes Staley cho hay.

Tiếp theo là vấn đề lợi nhuận. Trong khi các nhà băng Mỹ đang có doanh thu kỷ lục, nhiều ngân hàng châu Âu vẫn chật vật. Deutsche Bank, ngân hàng vốn đã mất tiền trong nhiều năm nay, bị hãng xếp hạng tín nhiệm S&P hạ xếp hạng đầu tháng này. Giám đốc điều hành mới của ngân hàng thông báo ông sẽ cắt giảm 7.000 việc làm, tập trung vào ngân hàng đầu tư cho khách hàng châu Âu và kiểm soát chi phí nhiều hơn.

Vị thế tài chính của Barclays thì giảm vì hàng tỉ USD thanh toán để giải quyết cáo buộc lừa nhà đầu tư về chất lượng của các sản phẩm thế chấp từng thúc đẩy khủng hoảng tài chính năm 2008. Theo Liên đoàn ngân hàng châu Âu, các ngân hàng trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang tệ hơn trong việc sử dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận. Ngân hàng ở khu vực này chỉ tạo lợi nhuận 1,8%, thấp hơn nhiều so với 8,8% của ngân hàng ở Mỹ và 7,3% của ngân hàng ở Nhật Bản.

ZEB, hãng tư vấn dịch vụ tài chính, cho hay đầu năm nay rằng họ dự báo có sự “củng cố ngành công nghiệp rộng rãi” từ giờ đến năm 2021, đặc biệt là ở các thị trường bị phân mảnh nhiều nhất như Đức và Áo. ZEB dự báo: “Một số ngân hàng lớn hoạt động hiệu quả sẽ trở thành chuyên gia thâu tóm các ngân hàng nhỏ hơn và hoạt động ít hiệu quả hơn”.

Theo Thanh niên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến