Dòng sự kiện:
Tạo bình đẳng trong kinh doanh vàng
10/06/2018 07:47:56
Cuối năm qua, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến rộng rãi.
 

Xóa độc quyền sản xuất vàng miếng

Một trong những nội dung Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 được đặc biệt quan tâm là tại Khoản 3, Điều 4 được sửa đổi, bổ sung: “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, huy động vàng từ tổ chức, cá nhân, kinh doanh vàng trên tài khoản”.

Sau khi Dự thảo trên được đưa ra, phía VGTA đã có văn bản góp ý sửa đổi nghị định. Theo quan điểm của VGTA, NHNN cần sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh vàng hợp lý, bình đẳng, từng bước trả lại thị trường vàng cho doanh nghiệp.

NHNN là cơ quan quản lý, không có chức năng kinh doanh. Với vị thế độc quyền sản xuất, liệu NHNN có bán vàng miếng ra thị trường hay cất giữ trong kho. Giả sử, NHNN bán ra thì sẽ thực hiện theo kênh phân phối nào, giá nào và ai được mua vàng miếng? Nếu chỉ có một số doanh nghiệp từng được phép mua vàng miếng tại các phiên đấu thầu vào năm 2013 thì thị trường tiếp tục tình trạng thiếu bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vàng miếng.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA)

Mặt khác, khi NHNN bán vàng, tức cơ quan này trở thành một đơn vị kinh doanh, không phù hợp với quy định pháp luật. Vì thế, VGTA đánh giá dự thảo nghị định quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng là chưa đủ.

Trên thế giới, không có ngân hàng trung ương nào sản xuất và bán vàng miếng ra thị trường, mà thường giao cho một tổ chức độc lập thực hiện. Do đó, để hợp lý hóa độc quyền sản xuất vàng miếng, NHNN cần bổ sung điều khoản sản xuất, phân phối vàng miếng do một đơn vị độc lập, thay mặt NHNN thực hiện và bất cứ doanh nghiệp nào được phép kinh doanh vàng miếng cũng được quyền giao dịch với đơn vị này.

Vì vậy, quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng ngay từ Nghị định 24 là không phù hợp với thông lệ quốc tế, đi ngược lại tiến trình phát triển của thị trường. Mặt khác, theo Dự thảo sửa đổi, nếu NHNN sản xuất vàng miếng có nghĩa là đã sử dụng vàng tiêu chuẩn quốc tế chế tác thành vàng thương hiệu quốc gia, vừa tốn kém chi phí, đồng thời lại biến vàng tiêu chuẩn quốc tế có khả năng thanh khoản cao trở thành vàng nguyên liệu khi xuất khẩu ra thế giới, tính thanh khoản sẽ không cao, giá bán lại thấp hơn vàng tiêu chuẩn quốc tế.

Liên quan đến đề xuất NHNN được độc quyền về kinh doanh vàng tài khoản, nếu Nhà nước độc quyền kinh doanh trên tài khoản thì NHNN sẽ giao dịch với đối tượng nào, là các tổ chức quốc tế hay tổ chức trong nước. Đây cũng là vấn đề cần làm rõ nội dung trong Dự thảo để đảm bảo khả năng thực thi chính sách được thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về quy định “NHNN độc quyền huy động vàng từ tổ chức cá nhân”, theo VGTA, quy định này đang được hiểu là doanh nghiệp vay mượn vàng của người dân cũng là hình thức huy động vàng. Tuy nhiên, Hiệp hội cho rằng, không thể đánh đồng việc huy động vàng với việc doanh nghiệp vay mượn vàng.

Vì doanh nghiệp vay mượn vàng của người dân là quan hệ dân sự mà Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự cho phép. Việc doanh nghiệp vay mượn vàng của dân chỉ là một công đoạn hỗ trợ vốn bằng nguyên liệu cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nên không thể coi đây là hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Hơn nữa, doanh nghiệp vay vàng của dân, nhưng vẫn trả lãi, mặc dù lãi huy động vàng rất thấp và không cho vay lại nên đây không phải là hoạt động giữ hộ vàng hay huy động vàng. Do đó, VGTA đề nghị NHNN cần tách bạch 2 khái niệm: Huy động vàng của Nhà nước để phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế và vay vàng của doanh nghiệp để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nếu không tách bạch thì vô hình trung làm cho doanh nghiệp vô cùng khó khăn, cản trở việc phát triển sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Tạo điều kiện cho nữ trang vàng phát triển

Một vấn đề khác được NHNN đưa ra trong Dự thảo đó là NHNN lo ngại, hoạt động vay vàng như trước đây đã gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng, làm gia tăng tình trạng “vàng hóa”. Nếu dùng vàng của dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng trang sức, doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro thanh khoản vàng khi dân đến rút vàng mà chưa bán được vàng trang sức để mua vàng trả lại dân.

Nhưng trong những năm qua, số lượng vàng vay của các doanh nghiệp sản xuất trang sức, mỹ nghệ là khá nhỏ, chỉ ở mức dưới 20.000 lượng (tương đương 750 kg), nếu so với thời điểm đỉnh cao các ngân hàng thương mại huy động trước đây lên đến 35 tấn vàng.

Quy mô thị trường vàng Việt Nam hiện khoảng 350 - 400 tấn, nên khi doanh nghiệp có nhu cầu mua vàng trên thị trường để trả cho người cho vay (750 kg tương đương 0,2% quy mô của thị trường) thì sẽ không gặp bất cứ khó khăn gì về thanh khoản và hoàn toàn nằm trong năng lực và tầm kiểm soát của các doanh nghiệp.

Quy định NHNN độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu đồng nghĩa sẽ không có doanh nghiệp nào được phép nhập khẩu loại vàng này. Trong khi đó, nhiều năm qua, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng không biết mua vàng nguyên liệu ở đâu để sản xuất nữ trang, buộc phải mua vàng trôi nổi với giá cao, vô tình tạo điều kiện cho nhập lậu vàng, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định tỷ giá.

Không những thế, có nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn so với giá vàng thế giới. Thế nhưng, do doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng không được phép xuất khẩu nên vàng miếng SJC bị xuất lậu sang các nước lân cận. Còn các doanh nghiệp sản xuất nữ trang tranh thủ thời điểm giá vàng thế giới ở mức cao thực hiện xuất khẩu sản phẩm.

Do đó, VTGA khuyến nghị, NHNN sớm sửa đổi điều kiện xuất nhập khẩu vàng phù hợp với diễn biến của thị trường để các doanh nghiệp sản xuất nữ trang thuận lợi trong việc mua nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm.

Một vấn đề khác được VGTA quan tâm là Dự thảo Nghị định không có điều khoản nào sửa đổi về điều kiện kinh doanh vàng miếng. Hiện nay, theo Nghị định 24, doanh nghiệp có vốn 100 tỷ đồng, nộp thuế 3 năm liên tiếp 500 triệu đồng/năm, mạng lưới hoạt động có 3 chi nhánh hoặc cửa hàng tại các tỉnh, thành phố mới được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp muốn mở thêm điểm kinh doanh vàng miếng thì phải tiếp tục xin phép NHNN là không hợp lý.

Vì vậy, VGTA cho rằng, NHNN đã tạo ra giấy phép con về kinh doanh vàng miếng, mà hệ quả là vô tình loại bỏ một số doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng khi họ tham gia mở rộng thị trường, người dân gặp bất tiện khi giao dịch vàng miếng.

Trong khi đó, Nhà nước đang kêu gọi hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, tạo điều kiện bình đẳng trong kinh doanh. Vì thế, VGTA đề xuất cơ quan quản lý bổ sung vào nghị định mới các điều kiện kinh doanh vàng miếng theo hướng giảm thiểu tiêu chí về vốn, mạng lưới..., bỏ giấy phép con, từng bước trả lại thị trường vàng miếng cho các doanh nghiệp kinh doanh.

Từ trước tới nay, vàng là loại tài sản giá trị lớn, có mặt trong rất nhiều gia đình Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, với quan niệm vàng đem lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống. Truyền thống cất trữ vàng được củng cố trong nhiều năm chiến tranh và tiếp theo thời bình do những biến động kinh tế, lạm phát, đồng tiền mất giá... Có cầu thì tất phải có cung. Có những nhu cầu thật và những nhu cầu không thật do đầu cơ, nhưng tất cả đều phải được đáp ứng.

Từ đó đã hình thành nên một thị trường vàng, được kích thích, mua bán ngày càng sôi động, lợi nhuận tạo được do tần số giá biến động nhanh, mà giá cả vàng hoàn toàn bị chi phối bởi những nhà tư bản tài chính ngân hàng ở phương Tây. Chênh lệch giá tạo lợi nhuận có lúc rất cao, dĩ nhiên có lúc thua lỗ do tính toán sai, nhưng đủ sức cuốn hút người người, nhà nhà kinh doanh vàng.

Theo Nguyễn Thành Long
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Theo Tin nhanh chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến