Dòng sự kiện:
Mù mờ định giá cổ vật
26/08/2017 13:35:46
Với hàng ngàn năm thăng trầm và bây giờ hội nhập, việc giao lưu mua bán cổ vật là cần thiết. Nhà nước nên mở cửa cho hoạt động này phát triển lành mạnh.

Do ràng buộc về mặt pháp lý nên hiện nay việc trao đổi, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật ở nước ta không diễn ra “danh chính ngôn thuận”, chẳng cơ quan nào giám định hoặc đưa ra đấu giá, rao bán công khai... để tìm ra giá trị cao nhất.

Cổ vật quý được cất công sưu tầm, gìn giữ muốn được đấu giá, mua bán công khai
ẢNH: QUỲNH TRÂN

Chén đời tống giá…10 triệu đồng

Hơn 20 năm đam mê với nghề sưu tầm cổ vật, ông Nguyễn Văn Quỳnh - Chủ tịch Hội Cổ vật TP.HCM, không quên nhiều chuyện cười ra nước mắt, bắt nguồn từ sự… thiếu hiểu biết. Vì đồ cổ đôi khi tưởng là “đồ bỏ” lại rất giá trị. Mới đây ông Quỳnh mừng không ngủ được vì vô tình có được một cái tô màu lục đời Lý mà chỉ đổi bằng 2 cái hũ xanh trắng Trung Quốc. “Tôi đã run lên khi nhìn thấy cái tô cách đây gần 1.000 năm còn như nguyên vẹn”.

Ông Quỳnh kể tiếp: “Vừa rồi, một người được giới thiệu mang tới đưa tôi xem một cái chén đời Tống (Trung Quốc) hình hoa cúc rất đẹp, đề nghị tôi đổi mấy món đồ có giá chỉ khoảng 10 triệu đồng. Trong khi ấy, món chén đời Tống này ở nước ngoài họ từng bán đấu giá tới cả triệu USD.

Vì tình trạng cổ vật hiện không có ai giám định và định giá nên chẳng biết đâu mà lần, mọi giá trị chỉ dựa vào kinh nghiệm. Linh mục Nguyễn Hữu Triết (nhà thờ Tân Sa Châu, TP.HCM), nổi tiếng trong lĩnh vực sưu tầm cổ vật, sách xưa ở VN, hiện là chủ sở hữu bộ đèn dầu lạc thời kỳ Đông Sơn với hơn 1.000 cây (trên 2.000 năm tuổi), bộ sưu tập tượng Chăm Pa, tượng văn hóa Óc Eo…, cho biết chuyện mua phải đồ giả, đồ giả cổ hay bị lừa gạt vẫn xảy ra thường xuyên.

Ông kể: “Có người ở Vũng Tàu tới chào có vài món đồ đã hét giá 150 triệu đồng, tôi bảo mang về. Tâm lý họ nghĩ rằng cứ đồ cổ là có giá chứ đâu biết giá trị của cổ vật phụ thuộc vào nhiều yếu tố”. Nhà sưu tầm Nguyễn Văn Phẩm (ngụ Q.3, TP.HCM) cho rằng: “Cổ vật càng quý khi nó gắn liền với từng giai đoạn lịch sử. Đơn cử như thời kỳ Tây Sơn gắn bó với xã hội một vương triều quá ngắn ngủi. Các hiện vật trong giai đoạn này sau đó bị phá hủy, thất lạc nhiều nên những gì còn sót lại là vô cùng giá trị”.

Ấm tỳ bà (gốm Chu Đậu)

Ấm quả bòng (gốm Trần)

Cần có cơ quan giám định cổ vật

Ông Phẩm đề xuất: “Với hàng ngàn năm thăng trầm và bây giờ hội nhập, việc giao lưu mua bán cổ vật là cần thiết. Nhà nước nên mở cửa cho hoạt động này phát triển lành mạnh. Các cổ vật quý giá có một không hai, bảo vật quốc gia thì nhà nước được quyền ưu tiên mua trước, còn các loại khác như chén đĩa đời Minh, Chu Đậu trục vớt từ các tàu đắm, binh khí qua đồng… thì nên cho bán”.

Theo linh mục Triết, nhà nước cần có cơ quan giám định cổ vật, quy tụ các chuyên gia, nhà sưu tầm có uy tín và kinh nghiệm để có thể xác định được giá trị thật và thành lập các công ty đấu giá cổ vật để tránh tình trạng mua bán, trao đổi không phép, tự định giá với nhau làm “chảy máu” cổ vật như hiện nay.

Còn theo nhà sưu tầm Nguyễn Văn Quỳnh, luật Di sản cần điều chỉnh để cổ vật VN có điều kiện được giao lưu ra nước ngoài, từ đó nâng cao giá trị cổ vật. “Ví dụ do thiếu thông tin nên đồ sứ vua quan triều Nguyễn đặt làm ở Trung Quốc trước đây rất được ưa chuộng ở VN, nhưng ở nước ngoài chẳng là gì. Các cổ vật văn hóa Óc Eo, Chăm Pa, Sa Huỳnh, Đinh - Lê - Lý - Trần lại được xem tương đương với đồ chúa Nguyễn để trao đổi giá trị ngang nhau là điều đáng tiếc. Gần đây có hai người Nhật sang giới thiệu 40 món cổ vật VN sưu tầm được ở Nhật khiến tôi quá đỗi kinh ngạc vì đó là những món vô cùng giá trị và chưa từng nhìn thấy bao giờ. Họ ra giá 4 triệu USD để lấy kinh phí xây bảo tàng tại VN, nhưng tôi không biết giá trị chính xác là bao nhiêu”.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, cho biết những thập niên gần đây có xu hướng những nhà sưu tầm cổ vật VN ra nước ngoài mua đấu giá cổ vật và thực tế họ đã mang về nhiều cổ vật quý. “Hiện nay hội nhập về văn hóa là xu thế tất yếu của thế giới. Việc luật sửa đổi bổ sung về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư có hiệu lực năm 2017 cho phép mua bán, đấu giá cổ vật, di vật, bảo vật quốc gia là bước đi đúng hướng, phù hợp với xu thế của thế giới, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành”, ông Tuấn nói.

Theo ông Trịnh Xuân Yên, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM: “Tính đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã tiếp nhận từ hải quan chuyển qua hơn 13.000 cổ vật, đa phần thu giữ được từ trước năm 2000. Sau khi thành lập hội đồng giám định giá trị và niên đại, đơn vị tiến hành bảo quản và đưa một phần cổ vật ra trưng bày”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quỳnh không đồng tình với việc đánh đồng các cổ vật đều như nhau để... tịch thu: “Trừ những bảo vật quốc gia, cổ vật quý hiếm không được mua bán, còn lại đều có thể sang nhượng. Nếu cứ quy định cứng nhắc, 1 đồng tiền cổ cũng bị quy là cổ vật không cho mang ra nước ngoài là bất hợp lý. Cả chiếc tàu đắm chẳng lẽ giữ lại toàn bộ? Sao không bán bớt để có ngoại tệ mua lại những cổ vật VN đang lưu lạc ở nước ngoài mang về gìn giữ và trưng bày?”. Ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, mong cổ vật VN có trang quảng bá, giới thiệu riêng trên mạng để mọi người cùng vào tìm hiểu, trao đổi, không nên bó hẹp trong nước.

Theo Thanh niên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến