1. Tuần trước, người thân trong gia đình tôi nhận được điện thoại của người khách muốn mua căn hộ tại trung tâm Sài Gòn. Căn hộ “có vía” gì đó, ở vị trí đẹp, xây dựng cũng không tệ, chỉ có điều chủ đầu tư thì hụt hơi hết vốn nên sau khi bàn giao cho khách xong, thì cũng chìm lỉm luôn, nên sản phẩm thay vì tăng giá thì lại ít người để tâm.
Bàn giao căn hộ trước Tết xong, sau Tết gặp ngay cảnh bệnh dịch Covid-19, nên người mua đã quá ít giờ gần như không có ai lai vãng. Không bán được, nên cho thuê với giá cũng rẻ, coi như có người ở cho đỡ hiu quạnh, và khỏi phải đóng tiền phí quản lý hàng tháng.
Bỗng nhiên 1 ngày, cô môi giới điện thoại cho biết có khách quan tâm mua căn hộ, cả nhà cũng mừng. Nhưng nghe kỹ hơn, thì cô khách trả giá thấp hơn giá lúc mua tới 500 triệu đồng, khiến mọi người nhìn nhau ngao ngán. Có vẻ như người mua “nắm được thóp” của sản phẩm, dìm giá ở mức không thể tưởng tượng nổi. Và cũng có vẻ như người mua chưa thiện chí, chỉ trả cho vui, cho có chuyện nói với nhau.
Tất nhiên là không ai bán với giá đó, và người mua cũng không thể tiếp cận được sản phẩm mà cô ấy thích. Mọi thứ trôi đi, chỉ có câu chuyện ấy cứ trở đi trở lại trong các cuộc bàn tán của mọi người.
Chúng ta nhìn vào thực tế theo cách hiểu, chỗ đứng mỗi người. Nhưng dù thế nào, thì cũng nhìn thẳng vào sự thật: người mua vì vin vào cớ thời dịch bệnh để “đánh” giá trị của sản phẩm xuống; còn người bán vì nghĩ dịch bệnh thế này, cần tiền mặt hơn, nên cũng cố gắng chiều chuộng khách hàng tối đa!
Tôi vừa viết bài, vừa tranh thủ chat với cô môi giới ấy, hỏi rằng, sau khi cuộc ngã giá ấy không thành công, thì cô có giới thiệu cho khách căn khác hay không, cũng với giá đó hay không. Cô môi giới trả lời, “em đã nói với khách là không có giá như vậy ngay từ bữa đó rồi”.
Vậy là “xôi hỏng bỏng không”. Các anh em môi giới bất động sản làm tự do suốt từ Tết tới giờ ít có khách, nên có người nào tìm tới thì mừng hơn bắt được vàng. Nhưng ở đây thì có lẽ chỉ là mạ vàng mà thôi. Nghe chuyện, cũng có chút ngậm ngùi, phải không?
2. Nhà đất là tài sản có giá trị. Nên dù ở phương trời nào, Á, Âu hay Mỹ, người ta cũng nhìn vào tài sản này để đánh giá tiềm lực kinh tế của ai đó.
Ở Việt Nam, tùy theo túi tiền, nhưng với kinh nghiệm hơn 20 năm đầu tư, tôi vẫn cho rằng cách tiết kiệm ổn nhất vẫn chính là mua căn hộ, đất nền theo dạng trả góp.
Ban đầu chỉ là đồng vốn nhỏ, khoảng 2 - 3 năm sau, người mua đã có thể sở hữu tài sản lớn hơn, tròn đầy hơn.
Đã gọi là tiết kiệm, là “bỏ ống heo”, thì thay vì mỗi tháng số tiền kiếm được có thể ăn xài thỏa thích, giờ đóng vào tiến độ dự án. Cứ như vậy thì mới có thể mua được căn hộ hoặc miếng đất nền giá trị lớn hơn. Tất nhiên, việc chọn chủ đầu tư là vấn đề cần lưu tâm hàng đầu, để quyết định sản phẩm ấy có giá trị hay mất giá.
Vào thời dịch bệnh, khi nhu cầu về tiền mặt nhiều hơn, việc cho thuê khó khăn, nhiều người bán nhà đất, căn hộ đi để tìm phương cách kinh doanh khác. Nhưng sử dụng tiền mặt như thế nào ở thời này cũng vô cùng nan giải. Kênh để tiết kiệm ngân hàng đang thấp. Kênh chứng khoán đang “đỏ lửa”. Kênh kinh doanh khác khá phiêu lưu bởi thị trường đang co cụm lại. Rất khó chứ không giỡn.
Tôi có cô em quen biết, cách nay 5 tháng, cô ấy bán 1 căn hộ nghỉ dưỡng để lấy tiền cho cậu con trai đóng học bên New Zealand. Vừa đóng xong gần cả tỷ đồng, nghĩa là gần bằng 1/2 giá trị căn hộ, thì con trai quay về Việt Nam rồi không trở lại trường học được nữa.
Cuối cùng, cô quyết định không cho con học tiếp, vì lo dịch bệnh, và cũng vì không biết tới bao giờ mới được quay trở lại New Zealand. Vậy là số tiền học đã đóng “cuốn theo chiều gió”. Phần còn lại, thì chi trả ăn xài cho mấy tháng nay kinh doanh đình trệ. Có sẵn tiền, người ta thường có xu hướng vung tay quá trán. Mua món này, món kia cho “đã”. Chỉ sau có vài tháng, mà 2 tỷ đồng đã phát tán khắp nơi.
Cách hay nhất thời gian này, là ai ở đâu thì ngồi yên ở đó. Chờ dịch bệnh qua đi, yên ổn rồi thì lại tính tiếp. Cả nghĩa đen và nghĩa bóng trong cuộc sống và đầu tư. Có lẽ vài tuần, và cũng có khi phải vài tháng…
Tác giả: Nhà thơ Đinh Thu Hiền
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy