Mua bán nợ xấu theo thị trường: Giá có thể âm?
07/09/2015 10:57:31
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nêu quan điểm xung quanh Thông tư 14 về xử lý nợ xấu theo hướng mới.

Tin liên quan

BizLIVE có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng xung quanh Thông tư 14 về xử lý nợ xấu theo hướng mới.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính

Theo ông trái phiếu hoán đổi nợ xấu theo Thông tư 14 sắp tới được chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng với nhau và sẽ góp phần giải quyết nợ xấu tận gốc?

Theo Thông tư 14, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được mua nợ xấu của các ngân hàng theo giá thị trường (trước đó mua theo giá trị sổ sách) và trả cho ngân hàng trái phiếu do VAMC phát hành. Trái phiếu này được giao dịch trên thị trường mở (OMO), được dùng để tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước, được chuyển nhượng giữa các tổ chức tín dụng với nhau hoặc với Ngân hàng Nhà nước.

Để thị trường mua bán nợ được thực sự diễn ra phải hội tụ đủ 3 điều kiện: Thứ nhất, nợ xấu phải được mua bán theo giá thị trường (Thông tư 14 đã đạt được).

Thứ hai, nợ xấu được mua bán theo hình thức mua đứt bán đoạn. Thông tư 14 đã cho phép ngân hàng bán đứt nợ xấu cho VAMC, chuyển toàn bộ quyền lợi của ngân hàng sang chủ nợ mới là VAMC. Tuy nhiên, điều kiện này chưa thể đạt được kỳ vọng về hiệu quả, vì tính pháp lý tại Việt Nam còn xung đột và chồng chéo về xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ vay, tòa án vẫn chỉ cho phép người khởi kiện con nợ phải là chủ nợ đầu tiên (ngân hàng).

Cần phải có cơ chế cho VAMC khi trở thành chủ nợ mới, đó là xử lý tài sản đảm bảo không cần dựa vào chủ nợ cũ và cũng không cần sự hợp tác của con nợ.

Thứ ba, mua bán nợ xấu phải được thực hiện bằng “tiền tươi thóc thật”. Trái phiếu mà VAMC phát hành thông qua việc mua nợ theo giá thị trường chưa phải là “tiền tươi”.  Để có thể hoán đồi trái phiếu này thành tiền mặt thì nó phải được các công ty chứng khoán công nhận và nhà đầu tư sẵn sàng mua.

Với Thông tư 14 chắc chắn nợ xấu sẽ được xử lý tốt hơn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vì trong 3 điều kiện để hình thành một thị trường mua bán nợ thực sự, Thông tư 14 mới chỉ đáp ứng được điều kiện thứ nhất. Điều kiện thứ hai và ba vẫn vướng mắc.

Vậy theo ông nợ xấu sẽ được mua bán với giá thị trường ở mức nào?

Mua nợ xấu với giá thị trường, VAMC có thể chiết khấu với tỷ lệ rất cao. Chẳng hạn, món nợ xấu có giá danh nghĩa là 100 đồng, mức chiết khấu có thể tới 50% - 60%, VAMC sẽ mua với giá chỉ 40-50 đồng.

Với những khoản nợ quá xấu giá mua có thể âm mà không phải là 0 đồng hay là chiết khấu 100%. Nghĩa là người bán nợ xấu sẽ phải bù thêm tiền cho người mua nợ xấu đó. Điều này nghe có vẻ không logic, nhưng khi nợ xấu được thanh lý dù “âm tiền” thì người bán nợ vẫn được lợi là làm sạch được bảng cân đối kế toán, tình hình tài chính trên sổ sách lành mạnh hóa…

Với tổng khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay nếu thực hiện mua theo giá thị trường thì tổng mức chiết khấu bình quân lên tới 50% giá trị danh nghĩa của khoản nợ.

Trên thế giới, thị trường mua bán nợ phát triển thì giá trị thực của nợ xấu từ nhóm 3 -5 phải chiết khấu đến 50% giá trị thực.

(Nguồn: VAMC)

Thông tư 14 đang thực hiện một bước “chứng khoán hóa nợ xấu” liệu có khả thi không, thưa ông?

Chứng khoán hóa nợ xấu nghĩa là nợ xấu được gom và “đóng gói” lại và dựa trên những khoản nợ đã “đóng gói” đó ngân hàng phát hành trái phiếu và bán trên thị trường chứng khoán lấy tiền tươi về. Tài sản đảm bảo của trái phiếu đó cũng chính là tài sản đảm bảo của nợ gốc.

Mỹ cũng đã xử lý nợ xấu liên quan đến bất động sản bằng cách chứng khoán hóa nợ xấu (mortgage - backed securities), nhưng biện pháp này đã góp phần đưa nước Mỹ lâm vào khủng hoảng tài chính năm 2007 dù tài sản đảm bảo ở Mỹ rất dễ thanh lý.

Chứng khoán hóa nợ xấu tại Việt Nam không phải là phương pháp xử lý tốt, phải hình thành thị trường mua bán nợ và thay đổi luật có liên quan.

Có thể VAMC không phải là giải pháp “tiền tươi thóc thật” nhưng có thể là giải pháp về cơ chế để việc mua bán nợ thuận lợi. Ý kiến của ông?

Đúng. VAMC có thể là trạm trung chuyển nợ xấu giữa ngân hàng với thị trường nợ xấu tương lai. Để làm được việc đó thì VAMC phải chứng tỏ tình hình tài chính của mình tốt. Hiện tại, VAMC có tổng tài sản khoảng 170.000 tỷ đồng (số trái phiếu đặc biệt đã phát hành).

Với trái phiếu mới, VAMC dự kiến thử nghiệm phát hành khoảng 40.000 -50.000 tỷ đồng. Để trái phiếu mới được sử dụng rộng rãi trên thị trường chứng khoán, VAMC phải tăng cường “sức khỏe” tài chính và công bố báo cáo tài chính của mình.

Bên cạnh đó, cách hay nhất là Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước đứng ra bảo lãnh thì tính thanh khoản trái phiếu mới của VAMC sẽ rất lớn.

Để xử lý tận gốc nợ xấu, ngoài việc hình thành một thị trường mua bán nợ thực sự, phải cho nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu vì họ có tiềm lực vốn rất mạnh. Đã có e ngại nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu sẽ thâu tóm bất động sản (vì 90% khoản nợ xấu VAMC mua có tài sản đảm bảo là bất động sản), điều này là vô lý. Vì đất đai không giống như hàng hóa đem từ chỗ này sang chỗ khác mà nằm trong lãnh thổ của từng quốc gia có chủ quyền.

Liên quan đến đất đai, tại Mỹ những năm 1980 có rất nhiều nhà đầu tư Nhật sang mua đất ở bang California vì giá “bèo”. Chính quyền Califonia cũng đã rất sợ người Nhật thâu tóm đất đai của họ. Nhưng đến năm 2000 thị trường bất động sản ở đây xuống dốc thê thảm, các nhà đầu tư Nhật lại bán hàng loạt. Thị trường tự điều chỉnh.

Xin cảm ơn ông!

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến