Mua bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ với giá “bèo”
15/01/2015 13:27:33
ANTT.VN – Câu chuyện làm chứng chỉ, bằng đại học, thậm chí bằng cao học: Thạc sĩ, Tiến sĩ giả không còn là câu chuyện mới. Các trang rao bán, nhận làm bằng giả vẫn hoạt động công khai, thậm chí còn “nhộn nhịp” trên mạng xã hội.

Tin liên quan

Dễ như “mua bằng”

Chỉ cần gõ Google với cụm từ “cần làm bằng giả” có hơn 900.000 kết quả hiện ra trong 0,24s về các trang web rao bán, làm các loại bằng cấp, từ đại học cho đến Tiến sĩ. Tình trạng làm giả bằng cấp, tài liệu có xu hướng gia tăng. Điều đáng chú ý là những đường dây làm giả này thường được tổ chức hết sức tinh vi với công đoạn khép kín thông qua nhiều chân rết và những đại lý khác nhau. Và đặc biệt cách thức làm bằng giả có thể được thực hiện khá dễ dàng.

Tại các trang rao bán làm bằng giả, cách thức làm việc được đưa ra khá dễ dàng. Khách hàng chỉ cần gặp mặt trực tiếp đưa thông tin, có bằng trong tay mới cần trả tiền mà không cần đặt cọc. Để các khách hàng yên tâm, “chủ nhà” còn đưa ra những thông tin để “thượng đế” yên tâm như: bằng có phôi thật tem thật (7 màu và có 6 cánh ) , mộc giấp lai nổi và mộc đóng 100%. Việc quảng cáo làm bằng giả trên mạng rất công khai, tràn lan với đủ dịch vụ, đồng thời có cả số điện thoại và cách thức hướng dẫn để khách hàng có thể tự tìm hiểu và liên lạc.

Bằng Thạc sĩ Toán học được làm giả (Ảnh An ninh thủ đô)

Có những địa chỉ, dù chỉ mới “làm ăn” nhưng cũng thu hút được hàng trăm khách hàng. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an triệt phá một đường dây sản xuất bằng cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ để bán ở khắp cả nước. Mới hoạt động từ tháng 2/2014, nhưng đường dây này đã "cung cấp" gần 600 bằng cấp giả các loại cho "khách hàng".  Đường dây này do đối tượng Phạm Đăng Thành (sinh năm 1990, quê Quảng Ngãi, tạm trú quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cầm đầu. Hiện công an tạm giữ hình sự 9 đối tượng; 3 đối tượng đang chờ làm rõ, xử lý sau.

 Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, đường dây làm bằng cấp do đối tượng Thành cầm đầu, hoạt động từ tháng 2/2014 đến nay. Để tìm khách hàng, các đối tượng này đăng thông tin trên trang Facebook cá nhân. Khi khách có nhu cầu đặt hàng, Thành và đồng bọn tiếp nhận thông tin rồi chuyển giao cho Chu Ngọc Trung (sinh năm 1983, ngụ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để gia công , sản xuất bằng giả.

 Được biết, đối tượng Trung đang bị Công an Thành phố Biên Hòa ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú từ tháng 9/2014 để điều tra về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trung nhận làm mỗi bằng cấp giả các loại với giá 2-4 triệu đồng/bằng.

Các đối tượng tại cơ quan điều tra

 Các đối tượng cũng khai nhận, từ khi hoạt động đến nay đã làm, bán ra thị trường khoảng 500-600 bằng cấp giả các loại cho những người có nhu cầu ở khắp cả nước. Bằng cao đẳng, đại học, các đối tượng bán với giá 5-7 triệu đồng/bằng; còn bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả được bán với giá 7-9 triệu đồng/bằng. Khám xét nơi ở của các đối tượng, lực lượng công an thu giữ lượng lớn tang vật gồm: Hàng trăm phôi bằng, học bạ, bảng điểm của nhiều trường trong cả nước; nhiều máy tính, máy in, máy photocopy; hàng chục con dấu các loại…

Thủ đoạn tinh vi

Phương thức, thủ đoạn sản xuất giấy tờ giả hiện nay của các đối tượng đều hết sức tinh vi. Các đối tượng làm giả chuyên nghiệp hiện nay thường không sử dụng phương pháp làm giả “truyền thống” (coppy scan từ hình dấu thật rồi in màu kỹ thuật số) vì cách này dễ bị phát hiện bằng mắt thường do không tạo được vết hằn chữ ký trên bản in và mực không đồng màu như đóng dấu.

Hàng loạt bằng giả do các đối tượng làm

Thay vào đó, toàn bộ hình dấu và chữ ký được các đối tượng tạo ra từ hình dấu giả qua phương pháp khắc dấu lazer. Các hình dấu làm bằng phương pháp này khi sử dụng đóng trực tiếp trên văn bản rất sắc nét, khó phân biệt được bằng mắt thường do mực in đều, đồng màu. Phông chữ và kích cỡ trên con dấu được chỉnh sửa bằng phần mềm vẽ kỹ thuật số trên máy vi tính nên cho độ chính xác cao, giống với con dấu thật khiến cho việc phát hiện ngày càng khó khăn hơn. Do việc làm bằng giả tinh vi như vậy nên rất khó phát hiện bằng mắt thường, gây khó khăn trong việc xác minh. Những trường hợp này chỉ có thể phát hiện khi đối chiếu với hồ sơ gốc, danh sách sinh viên đã tốt nghiệp.

“Điều 267 (Bộ Luật hình sự) Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:

A) Có tổ chức;

B) Phạm tội nhiều lần;

C) Gây hậu quả nghiêm trọng;

D) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng”.

 

Thu Thủy

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến