Dòng sự kiện:
Mua đứt, bán đoạn nợ xấu
06/07/2021 06:19:52
Hình thành một thị trường mua bán nợ xấu chuyên nghiệp và hấp dẫn.

Sau 8 năm kể từ khi thành lập, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới có thể hiện thực hóa việc thành lập sàn giao dịch mua bán nợ, nhưng vẫn còn một quãng đường dài cho đến khi các sản phẩm nợ trở thành món hàng được mua bán thường xuyên theo cơ chế thị trường.

Mở sàn giao dịch nợ xấu

Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC, dự kiến khoảng đầu quý III/2021, sàn giao dịch sẽ chính thức ra đời. Bên cạnh đó, VAMC cùng Hiệp hội Ngân hàng sẽ thành lập câu lạc bộ liên quan đến việc xử lý nợ, bao gồm 23 thành viên AMC (đơn vị xử lý nợ trực thuộc ngân hàng thương mại).

Đại diện VAMC trước đó nhiều lần chia sẻ về mô hình sàn giao dịch nợ xấu. Theo đó, VAMC sẽ đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, giúp kết nối cho các nhà đầu tư gặp nhau, thảo luận và mua bán các khoản nợ xấu.

Kể từ khi thành lập vào năm 2013, VAMC trên thực tế được nhiều chuyên gia kiến nghị phải sớm xây dựng sàn giao dịch nợ xấu trên theo tiêu chí công khai, minh bạch, nhưng từ đó đến nay vẫn gặp trục trặc về các vấn đề pháp lý. Mua đứt bán đoạn nợ xấu là điều mà các cơ quan quản lý, thị trường mong muốn từ lâu, nhưng chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do khác nhau.



Theo lãnh đạo VAMC, lý do là vì các cơ chế pháp lý chưa đồng bộ mà rời rạc, nằm ở nhiều văn bản khác nhau. Bên cạnh đó, thông tin về hàng hóa vẫn chưa được chuẩn hóa, chưa có đơn vị đầu mối thu thập, phân loại, xác thực và quản lý. Năng lực của các tổ chức định giá về giá trị thực của nợ xấu, giá khởi điểm... cũng được đánh dấu hỏi.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ. Sau khi Nghị quyết 42 đi vào triển khai, nhiều văn bản bổ sung khác cũng được ban hành theo, giúp việc xử lý nợ xấu có bước tiến lớn và tiệm cận thông lệ quốc tế hơn. Từ đó, xử lý nợ xấu có nhiều chuyển biến.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, số liệu mới cập nhật cho biết lũy kế từ ngày 15.8.2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 30.4.2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350.000 tỉ đồng nợ xấu (được xác định theo Nghị quyết số 42, tương ứng 66% số nợ), cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng (54%), ngoại bảng (24%) bán cho VAMC (22%).

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết từ khi Nghị quyết 42 ra đời, cùng với việc quy định về đấu giá tài sản, VAMC đã bán đấu giá thành công gần 3.000 tỉ đồng các khoản nợ và tài sản bảo đảm từ năm 2018 đến nay, một con số rất nhỏ so với quy mô nợ xấu vì vẫn thiếu những quy chuẩn quan trọng của thị trường mua bán nợ xấu.

“Đóng gói” nợ

Lãnh đạo VAMC cũng chia sẻ, ở một số thị trường phát triển khác, các khoản nợ được “đóng gói” và “chứng khoán hóa”, giúp dễ dàng mua bán trên thị trường hơn. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức và có đủ sản phẩm phái sinh cho các khoản nợ xấu, khiến thị trường kém thanh khoản, không hấp dẫn được nguồn lực bên ngoài đổ vào.

Một ví dụ tiêu biểu cho câu chuyện “đóng gói” và xử lý nợ là KAMCO, tổ chức xử lý nợ xấu ra đời trong bối cảnh Hàn Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Ở thời điểm tháng 3.1998, nợ xấu của Hàn Quốc tương đương 18% tổng dư nợ và bằng 27% GDP. Đến năm 2006, KAMCO đã khôi phục gần 95% số tiền mà các quỹ công đã bơm vào những doanh nghiệp gặp khó khăn sau khủng hoảng tài chính. Đồng thời, KAMCO cũng đã có được 7.200 tỉ won lợi nhuận. Các tổ chức tài chính Hàn Quốc cũng hồi phục được doanh thu, tỉ lệ nợ xấu thấp.



Bài học của KAMCO cho thấy muốn xử lý nợ vẫn cần phải có “tiền tươi thóc thật” chảy vào để hỗ trợ các tài sản xấu. Tiền ở đây có thể đến từ những nhà đầu tư nội địa và nước ngoài. Thậm chí, để hấp dẫn nhà đầu tư, KAMCO không tiếc sức “tô vẽ” sản phẩm nợ, thực hiện chiến dịch marketing, tổ chức các buổi đấu giá ở nước ngoài. Dòng tiền đổ vào nợ xấu đơn giản vì mức giá phù hợp và thủ tục minh bạch.

Một ví dụ khác về mô hình xử lý nợ là TAMC của Thái Lan. Thành lập năm 2001, TAMC tìm cách “hút” nợ xấu khỏi hệ thống tài chính và sau đó quản lý việc mua bán nợ xấu. Đến năm 2004, TAMC đã tái cấu trúc tương đương 98% tổng giá trị sổ sách đã nhận từ các tổ chức tài chính. TAMC đã hỗ trợ các “con nợ” phục hồi hoạt động bằng cách bổ sung thêm vốn dưới hình thức tăng vốn trên thị trường chứng khoán hoặc cho vay vốn lưu động.

Nhìn chung, kinh nghiệm để giải quyết nợ xấu như nhiều chuyên gia nhắc đến từ trước đến nay vẫn là phải có “tiền tươi thóc thật”. Hai bài học trên đều cho thấy điều này và nếu VAMC muốn thị trường thực sự tồn tại, sản phẩm cũng phải đủ hấp dẫn người mua.

Thời gian để xử lý nợ cũng không còn nhiều khi Nghị quyết 42 sẽ sớm hết hiệu lực chỉ trong hơn một năm nữa. Khi đó, việc xử lý nợ xấu sẽ đối mặt với “áp lực kép” vì khoản nợ cũ trong giai đoạn trước đây cộng dồn với nợ xấu mới sinh vì dịch bệnh diễn biến phức tạp.

“Chúng tôi kiến nghị, nên tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm. Sớm hình thành hệ thống thị trường mua bán nợ, phải có khuôn khổ pháp luật cho thị trường ấy, các công cụ cũng phải được hoàn thiện. Hiện nay, có thể mua bán nợ theo hình thức cạnh tranh hoặc đấu giá, còn rất sơ khai”, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC, chia sẻ.

Tác giả: Phương Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến