Đồng Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN
Khi chính phủ Ấn Độ công bố kế hoạch đánh thuế tài sản điện tử vào tháng Hai, giới truyền thông đặc biệt chú ý tới mức thuế 30% áp lên thu nhập từ các khoản đầu tư tài sản kỹ thuật số đã thu hút sự chú ý.
Nhưng một loại thuế suất khác mới là điều khiến ngành tài sản điện tử cảnh báo về một cuộc khủng hoảng thanh khoản có khả năng gây mất ổn định trên toàn thị trường.
Cùng với khoản thuế trên thặng dư vốn, Bộ Tài chính Ấn Độ đã công bố khoản khấu trừ thuế 1% tại nguồn (TDS) đối với tất cả các khoản chuyển nhượng tài sản kỹ thuật số trên một quy mô nhất định bắt đầu từ ngày 1/7. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng không cho phép bù đắp tổn thất trong giao dịch tài sản kỹ thuật số.
Chính sách mới gây nhiều lo ngại
Đây là những động thái mới nhất của Chính phủ Ấn Độ, dù New Delhi vẫn chưa tuyên bố rõ ràng rằng nước này sẽ cho phép giao dịch tiền điện tử. Ấn Độ, với khoảng 15 triệu người dùng đang hoạt động trên thị trường tiền điện tử, đã bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng về quy định kể từ năm 2020. Thời điểm đó, Tòa án tối cao Ấn Độ đã hủy bỏ chỉ thị của Ngân hàng Trung ương về việc cấm các thực thể chịu quản lý làm việc với các công ty tài sản kỹ thuật số.
Khi chính phủ lần đầu tiên công bố các khoản thuế trên, thị trường đã đón nhận thông tin này khá tích cực vì nó được hiểu là một dấu hiệu cho thấy quốc gia Nam Á sẽ không cấm hoàn toàn các giao dịch tiền điện tử. Nhưng điều đó đã thay đổi khi ngành công nghiệp nghiên cứu sâu hơn các chi tiết của TDS.
Theo chế độ mới, người mua tài sản tiền điện tử phải thay mặt người bán khấu trừ TDS 1% nếu giao dịch vượt quá 10.000 rupee (khoảng 132 USD). Các giao dịch nhỏ hơn cũng sẽ bị đánh thuế nếu đạt 50.000 rupee tích lũy trong một năm tài chính. Nhà đầu tư sẽ được hoàn lại tiền nếu tổng số tiền được trích lập cho TDS trong năm tài chính vượt quá nghĩa vụ thuế tổng thể của họ trong cùng giai đoạn .
Ông Anoush Bhasin, người sáng lập công ty tư vấn thuế tài sản tiền điện tử Quagmire Consulting lên tiếng rằng không quốc gia nào khác áp thuế như vậy đối với tài sản điện tử.
Giới chuyên gia lưu ý rằng khi giao dịch được thực hiện trên một sàn tập trung, sàn này có trách nhiệm khấu trừ TDS cho mỗi giao dịch. Còn trên một nền tảng giao dịch phi tập trung, nơi người mua và người bán tương tác mà không cần trung gian, mọi giao dịch thường ẩn danh. Điều này làm cho việc thu TDS trở nên phức tạp.
Ngoài ra, việc thực thi hệ thống TDS cũng sẽ gần như không thể thực hiện được trên các nền tảng giao dịch nước ngoài. Vì vậy, thuế chủ yếu sẽ làm giảm bớt hoạt động trên các sàn giao dịch tại địa phương – nơi Chính phủ Ấn Độ có khả năng kiểm soát cao nhất.
Hệ thống thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn đối với các nhà giao dịch cặp tiền điện tử, như bitcoin/Ether. Đó là bởi mỗi giao dịch lại liên quan đến hai giao dịch riêng biệt. Ví dụ, nhà đầu tư sẽ mua bitcoin từ một đối tác, sau đó bán đi và mua Ether từ một đối tác khác.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng ở một giai đoạn, nhà đầu tư sẽ phải chịu lỗ 1% vì họ bán đi bitcoin. Rồi đến bước tiếp theo, họ sẽ phải khấu trừ thuế 1% vì mua ETH từ một người bán khác. Hoạt động kế toán cho những giao dịch này sẽ cực kỳ phức tạp.
Nguy cơ “chảy máu” cả vốn lẫn chất xám
Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN
Các nhà phê bình chỉ ra rằng trong khi thuế trên thặng dư vốn làm giảm sự hấp dẫn của tiền điện tử đối với các nhà đầu tư, thì TDS lại gây ra mối đe dọa đối với chính nền tảng của thị trường. Ấn Độ không đánh thuế như vậy đối với các giao dịch cổ phiếu.
Theo ước tính của ông Garegrat, những nhà giao dịch tần suất cao có thể thấy 60% vốn của họ bị chặn lại để thanh toán cho TDS chỉ sau 100 giao dịch.
Ông Sandeep Nailwal, người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp về công nghệ blockchain Ấn Độ Polygon, đã cảnh báo trong tháng này rằng hàng nghìn nhà phát triển, nhà đầu tư và doanh nhân sẽ tìm kiếm các điểm đến thân thiện với tiền điện tử hơn do sự không chắc chắn đó.
Phát biểu tại Hạ viện vào ngày 25 tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman cho biết TDS sẽ cho phép chính phủ theo dõi các giao dịch và không đại diện cho việc áp mức thuế mới. Tuy nhiên, giới quản lý và chuyên gia phản đối rằng nếu đó là ý định duy nhất của chính phủ, khoản thuế này có thể thực hiện vai trò đó với mức thuế suất nhỏ hơn nhiều mà không làm gián đoạn giao dịch.
Các nhà quản lý cấp cao, luật sư và nhà phân tích cảnh báo rằng TDS sẽ “hút” thanh khoản ra khỏi thị trường tài sản điện tử Ấn Độ bằng cách buộc các nhà giao dịch tần suất cao phải cắt giảm đáng kể giao dịch của họ. Kết hợp với quyết định của chính phủ về việc không cho phép bù đắp tổn thất giao dịch trong tài sản kỹ thuật số, chính sách mới có nguy cơ đẩy nhanh một cuộc di cư của các công ty khỏi thị trường tài sản điện tử Ấn Độ.
Ông Nischal Shetty, Giám đốc điều hành của WazirX - sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất Ấn Độ đã gọi TDS là “kịch bản xấu nhất cho ngành”. Đồng ý với nhận định này, Giám đốc điều hành chính sách Manhar Garegrat của sàn giao dịch tiền điện tử CoinDCX cho biết sẽ không còn thanh khoản trên thị trường tài sản điện tử Ấn Độ. Các lệnh đặt mua sẽ không được thực hiện hiệu quả như hiện nay, và sự kém hiệu quả như vậy cuối cùng sẽ làm suy yếu toàn bộ hệ sinh thái tiền điện tử Ấn Độ./.
Tác giả: H.Thủy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy