Chiến tranh lạnh công nghệ
Mỹ sẽ tiếp tục nhằm vào các công ty Trung Quốc bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Ảnh: Reuters
Trong suốt 20 năm qua, điện thoại iPhone được Apple thiết kế tại California và được lắp ráp tại Trung Quốc. Đây là sự kết hợp giữa công nghệ Mỹ và ngành sản xuất giá rẻ ở Trung Quốc, mang đến cho thế giới những sản phẩm rẻ mà chất lượng.
Thế nhưng, khi Trung Quốc theo đuổi tham vọng công nghệ, nước Mỹ cảm thấy bị đe dọa ngôi vị. Mỹ đã hành động để công ty Trung Quốc không được tiếp cận những bí quyết, công nghệ của Mỹ, từ đó đẩy thế giới vào tình trạng chia rẽ về công nghệ mà không nước nào từng lường trước.
Mỹ đã nhằm vào công ty Huawei, một trong những công ty tiên phong về công nghệ của Trung Quốc, giáng cho công ty này hai cú đấm liên tiếp, vừa đảm bảo an ninh quốc gia không bị tổn hại, vừa kiềm chế sự thống trị của tập đoàn Trung Quốc trong lĩnh vực mạng không dây thế hệ thứ 5 (5G).
Mỹ đã ban hành sắc lệnh hành pháp ngăn chặn giới công nghệ Mỹ mua hàng từ đối thủ nước ngoài bị coi là gây rủi ro an ninh quốc gia, đồng thời đưa Huawei vào danh sách đen, không cho tiếp cận phần mềm, chip của công ty Mỹ.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, đây không phải là chiến thuật đàm phán ngắn hạn của Mỹ nhằm khiến Trung Quốc nhượng bộ trong chiến tranh thương mại. Đó là loạt đạn khởi đầu trong một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ mới. Cuộc chiến này có thể làm gián đoạn chuỗi cung toàn cầu và thay đổi trật tự kinh doanh toàn thế giới.
Ông Abraham Newman, Giáo sư trường Đại học Georgetown, nói: “Trường hợp của Huawei rõ ràng cho thấy mạng lưới kinh tế toàn cầu đã bước vào giai đoạn địa chiến lược. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, xu thế siêu toàn cầu hóa trong 20 năm qua là không bền vững. Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới”.
Cách đây 20 năm, Trung Quốc đã dựng “Vạn lý Tường lửa” với toàn bộ thế giới, chặn các dịch vụ trực tuyến của Mỹ từ Facebook tới Google. Mặc dù mục tiêu chính là kiểm soát dòng thông tin từ bên ngoài vào nhưng lệnh cấm này cũng có tác dụng kích thích ngành Internet trong nước phát triển mạnh mẽ, tạo ra một "hệ sinh thái" riêng của Trung Quốc.
Huawei là mục tiêu của Mỹ trong chiến tranh công nghệ. Ảnh: AFP
Cùng lúc đó, khi Trung Quốc dần dần mở cửa nền kinh tế nhưng đặt ra một loạt quy định cho các công ty nước ngoài muốn làm ăn ở Trung Quốc. Nếu công ty nước ngoài nào muốn tiếp cận 1 tỷ người tiêu dùng Trung Quốc, họ sẽ phải liên doanh với công ty Trung Quốc và chia sẻ công nghệ.
Mỹ coi cách làm ăn này là “cưỡng ép chuyển giao công nghệ”, bất công và cáo buộc Trung Quốc vi phạm quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc trên và kết quả là Mỹ đã quyết định xây một bức tường kỹ thuật số cao hơn.
Đòn giáng nhằm vào Huawei, đặc biệt là khi công ty này đang triển khai mạng lưới di động 5G toàn cầu, không chỉ là một vấn đề kinh tế. Từ lâu, Mỹ đã tụt hậu về công nghệ viễn thông so với Trung Quốc.
Hơn nữa, trong kỷ nguyên dữ liệu, Huawei bị quân đội Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Mỹ cũng cho rằng Huawei có mối quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là các cơ quan tình báo.
Do đó, đa số chính trị gia Mỹ cho rằng đã tới lúc “ra tay” với Huawei. Bằng cách không cho Huawei tiếp cận công nghệ Mỹ quan trọng như hệ điều hành Android của Google và một loạt loại chip Mỹ, Mỹ có thể chặn đường phát triển của Huawei ở nước ngoài và kiểm soát sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ.
Phát biểu ngày 22/5 trong chuyến thăm tỉnh Giang Tây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Đổi mới công nghệ là gốc rễ sống còn của các doanh nghiệp. Chỉ khi chúng ta có tài sản trí tuệ và công nghệ cốt lõi của riêng mình, chúng ta mới có thể sản xuất sản phẩm cạnh tranh và sẽ không bị đánh bại trong cuộc cạnh tranh căng thẳng”.
Nhiều người cho rằng căn nguyên căng thẳng thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ là mất cân đối thương mại, mà là vấn đề liệu Mỹ có để yên cho Trung Quốc tự phát triển ngành công nghệ cao trong nước không. Một cựu quan chức Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc nhận định: “Trung Quốc và Mỹ có thể tiếp tục xung đột thêm 100 năm nữa. Ngay cả khi nhất trí đình chiến thương mại, hai bên vẫn cạnh tranh trong mọi lĩnh vực, từ thương mại, quân sự cho tới công nghệ”.
Vừa cạnh tranh vừa phụ thuộc
Tổng thống Donald Trump (thứ hai bên phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình (thứ hai bên trái) trong một cuộc họp song phương ở Argentina năm 2018. Ảnh: AP
Có thể nói, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ hiện nay là vừa cạnh tranh vừa phụ thuộc.
Xu hướng toàn cầu hóa trong những năm 1990 đã biến đổi nền kinh tế toàn cầu. Các chuỗi cung liên kết mật thiết với nhau để tối đa hóa hiệu quả.
Khi đó, Trung Quốc và Mỹ tận hưởng thời kỳ “trăng mật”, hợp tác để cung cấp sản phẩm “Made in China” giá rẻ cho người tiêu dùng Mỹ và mở cửa thị trường Trung Quốc rộng lớn cho doanh nghiệp Mỹ.
Trong quá trình đó, Trung Quốc nhanh chóng áp dụng công nghệ Mỹ để xây dựng các ngành của mình. Dần dần, Mỹ không còn coi quá trình này là đôi bên cùng có lợi.
Tới năm 2019, Trung Quốc đã nhanh chóng thu hẹp khoảng cách về GDP với Mỹ. Xét về tỷ lệ trong GDP toàn cầu, khoảng cách giữa hai nền kinh tế sẽ chỉ là 5 điểm phần trăm vào năm 2030, giảm so với 27 điểm phần trăm năm 2000.
Về chất, cũng có sự thay đổi đáng kể. Trung Quốc gần đây đã thông báo tham vọng dẫn đầu thế giới trong sản xuất hàng công nghệ cao từ xe điện, máy bay cho tới robot. Trí thông minh nhân tạo đã trở thành một chiến trường quan trọng.
Ngoài Huawei, Trung Quốc còn có một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới khác, ví dụ như tập đoàn Internet Tencent hay tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.
Việc những công ty này có bị ảnh hưởng trong chiến tranh công nghệ hay không còn tùy thuộc vào cách Mỹ nhìn nhận. Mỹ đang tìm cách mở rộng lệnh cấm thương mại, không chỉ dừng lại ở Huawei mà còn với những công ty sản xuất camera giám sát như Hikvision hay công ty công nghệ nhận diện khuôn mặt Sensetime.
Không chỉ vậy, với các công ty dù không phải của Mỹ nhưng sản phẩm chứa hơn 25% công nghệ hoặc nguyên liệu nguồn gốc Mỹ, họ cũng bị cấm cung cấp hàng và dịch vụ cho Trung Quốc.
Theo ông Paul Triolo, Giám đốc chính sách công nghệ toàn cầu của Tổ chức Eurasia, Mỹ sẽ tiếp tục nhằm vào các công ty Trung Quốc mà nước này coi là mối đe dọa tiềm tàng cho an ninh quốc gia.
Điều này cũng mở rộng sang cả an ninh kinh tế. Vì thế, Mỹ sẽ ngày càng tìm cách ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ. Ông cho rằng nếu đàm phán thương mại tiếp tục đình trệ, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế công ty công nghệ Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. Sẽ có một cuộc chạy đua trong vấn đề này.
Để đối phó với cơn gió ngược, công ty Mỹ ở Trung Quốc đang áp dụng chiến lược “Ở Trung Quốc, vì Trung Quốc”, tức là nội địa hóa sản xuất và nguồn cung ở Trung Quốc để phục vụ thị trường Trung Quốc. Chiến lược này đối lập với chiến lược “Ở Trung Quốc, vì thế giới” trước đây.
Trong khi đó, Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty tư nhân tăng tốc phát triển công nghệ cốt lõi trong nước, hỗ trợ bằng biện pháp trợ cấp hoặc chính sách.
Hiện nay, Trung Quốc và Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nhau. Mặc dù Apple sử dụng ít linh kiện Trung Quốc trong iPhone, nhưng hãng này lắp ráp sản phẩm ở các nhà máy Trung Quốc.
Ông Henry Farrell, Giáo sư khoa học chính trị và vấn đề quốc tế tại Đại học George Washington, cho rằng hai nước rất cần nhau. Trung Quốc hay Mỹ đều không thể sở hữu mọi công nghệ cốt lõi trên thế giới.
Do đó, dựng “bức màn sắt” công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến cả hai bên thiệt hại.
Theo báo Tin tức
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy