Dòng sự kiện:
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 10 tỷ đồng
12/01/2019 12:00:43
Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 149 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt là 10,67 tỷ đồng (đã thu là 10,23 tỷ đồng).

Mới đây, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 được tổ chức ở Hà Nội, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 1.250 cuộc thanh tra, kiểm tra và ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với 1.157 cuộc thanh tra, kiểm tra.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 

Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy về cơ bản các tổ chức tín dụng đã chấp hành các quy định của pháp luật, tập trung thực thực hiện các giải pháp cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và Đề án 1058; đầu tư, cho vay các lĩnh vực có hiệu quả, lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp, khách hàng quan tâm hơn đến công tác kiểm tra, kiểm soát nộ bộ nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các bộ phận, đơn vị và cán bộ, nhân viên.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Tú cho biết, hoạt động của các tổ chức tín dụng còn một số tồn tại, hạn chế, vi phạm và rủi ro tiềm ẩn mang tính phổ biến trong một số hoạt động như: cấp tín dụng, phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro, huy động vốn, quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, đảm bảo tỷ lệ, giới hạn an toàn…

Trên cơ sở các sai phạm được phát hiện, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 149 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt là 10,67 tỷ đồng (số tiền đã thu là 10,23 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các tổ chức trung gian thanh toán và đã phát hiện một số tồn tại, vi phạm.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 13 kiến nghị yêu cầu khắc phục và ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 520 triệu đồng.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra 9.810 kiến nghị, yêu cầu tổ chức tín dụng khắc phục. Đến nay, đã có 6.371 kiến nghị được thực hiện. Các kiến nghị đang chỉnh sửa, khắc phục chủ yếu là các kiến nghị liên quan đến công tác xử lý nợ xấu do khách hàng có khó khăn về tài chính nên chưa thu hồi được nợ, hoặc do kết luận thanh tra mới ban hành nên tổ chức tín dụng đang trong quá trình thực hiện kiến nghị.

Kết quả thực hiện, xử lý sau thanh tra của các tổ chức tín dụng được gắn với việc xem xét cấp phép mở rộng mạng lưới và cung ứng dịch vụ ngân hàng mới của các tổ chức tín dụng …

Tuy vậy, Phó Thống đốc Tú nhận định: “Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục, xử lý trong thời gian tới.

Cụ thể: Hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng còn nhiều tồn tại, bất cập về nguồn lực và công nghệ, tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động nên công tác phát hiện các rủi ro, vi phạm còn hạn chế; Chất lượng một số cuộc thanh tra chưa cao, chất lượng, hiệu quả công tác giám sát còn phụ thuộc nhiều vào báo cáo của đối tượng giám sát; Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan với Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống rửa tiền chưa thực sự kịp thời và chặt chẽ”.

Đánh giá cao những kết quả trong điều hành hoạt động ngân hàng thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Năm 2018, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt có liên quan đến điều hành CSTT của Việt Nam. Nhưng chúng ta hợp lực cùng nhau đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh đối ngoại một cách xuất sắc, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao với 12 chỉ tiêu hoàn thành toàn diện. Đặc biệt, chỉ tiêu quan trọng nhất chúng ta hoàn thành tốt cả về số lượng và chất lượng, trong đó một điều rất đáng mừng là nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và tăng trưởng. Điều này rất quan trọng về lâu dài. Và để đạt được nền tảng vĩ mô như vậy thì có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có vai trò rất quan trọng của hệ thống ngân hàng. “Tôi đặc biệt đánh giá cao NHNN và các bộ ngành đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong đó có CSTT và hoạt động tín dụng. Và như chúng ta đã biết trong bất cứ một quốc gia nào thì vai trò của hệ thống ngân hàng đều rất quan trọng. Nhiều NHTM đã chia sẻ khó khăn với nền kinh tế, với doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới thiếu bền vững thì hệ thống ngân hàng đã góp hoạt động chia sẻ với nền kinh tế và người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một số điểm sáng trong hoạt động ngân hàng năm 2018 cũng được Thủ tướng một lần nữa nhắc lại tại hội nghị như: Năm qua, NHNN đã mua vào 10 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối lên con số kỷ lục hơn 60 tỷ USD. Tăng trưởng tín dụng 14% thấp hơn năm 2017, nhưng GDP tăng 7,08% cho thấy dòng tín dụng từ hệ thống ngân hàng đã được “bơm” vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các ngành ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu. Gần 900 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được toàn ngành xử lý trong năm, góp phần giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu xuống còn 1,89% trên tổng dư nợ. “Nợ xấu đã giảm rất mạnh và với tỷ lệ nợ xấu như vậy thì về cơ bản nợ xấu ngân hàng rất thấp, trong khi mấy năm trước còn là cục máu đông”, Thủ tướng chia sẻ.

Bên cạnh ghi nhận, biểu dương Ban lãnh đạo NHNN, nhất là cá nhân Thống đốc Lê Minh Hưng trong điều hành và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt lưu ý những vấn đề còn tồn tại của hệ thống ngân hàng. Theo đó, thời gian qua, các NHTM hoạt động tốt hơn nhưng năng lực chưa cao, sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng, cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh, trình độ quản lý chưa cao, công nghệ ngân hàng còn khoảng cách đáng kể so với thế giới, xử lý nợ xấu vẫn còn tồn tại,… “Đặc biệt, tín dụng đen còn xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn, làm mất niềm tin người dân. Các đồng chí cần chủ động hơn trong phối hợp Bộ Công an trong xử lý vấn đề tín dụng đen; cần kịp thời tạo điều kiện hơn cho người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng”, Thủ tướng Chính phủ lưu ý. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị ngành ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm soát nội bộ, công tác thanh tra giám sát cần kịp thời hơn và phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến