Kết thúc năm 2021, chỉ số VN-Index tăng 35,7% từ 1.103,87 điểm lên 1.498,28 điểm. Chỉ số VN30 tăng 43,45 từ 1.070,77 điểm lên 1.535,71 điểm và là một năm thăng hoa của thị trường khi hầu hết các cổ phiếu đều tạo nền giá cao hơn so với thời điểm đầu năm.
Nhà đầu tư mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản
Số tài khoản mở mới tăng kỷ lục trong năm 2021. Nguồn: VSD.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ trong 11 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 1,31 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán được mở mới, nâng số tài khoản từ 2,77 triệu lên 4,08 triệu và đạt kỷ lục số tài khoản mở mới trong 1 năm.
Trong hơn 1,31 triệu tài khoản mở mới, có tới hơn 1,3 triệu tài khoản thuộc về nhà đầu tư trong nước, chỉ có 4.133 tài khoản thuộc về nhóm nhà đầu tư nước ngoài.
Thanh khoản liên tục lập kỷ lục mới
Chỉ số VN-Index duy trì đà tăng giá và thanh khoản trong năm 2021. Nguồn: Fireant.
Thống kê từ 1/1 - 28/12/2021, khối ngoại rút ròng 58.471,36 tỷ đồng trên sàn HOSE và rút ròng gần như cả năm, chỉ riêng tháng 4/2021 mua ròng nhẹ 181,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, trái với lo ngại dòng vốn bị rút khỏi thị trường, thanh khoản thị trường vẫn liên tục lập kỷ lục mới.
Cụ thể, trong năm 2021, giá trị giao dịch trên sàn HOSE gấp 3,35 lần năm 2020 và đạt 5.425.600 tỷ đồng, tương ứng trung bình 21.966,06 tỷ đồng/phiên. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh gấp 3,76 lần và giá trị giao dịch thoả thuận gấp 1,53 lần so với năm 2020.
Thêm 17 doanh nghiệp tỷ đô xuất hiện trên HOSE
Nếu như đầu năm, trên sàn HOSE có 30 mã cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn hơn 1 tỷ USD thì tới ngày 28/12/2021, có 47 mã thuộc nhóm này, tăng thêm 17 mã. Hàng loạt doanh nghiệp nhờ vào đà tăng chóng mặt của giá cổ phiếu đã nhanh chóng vào Top doanh nghiệp có vốn hoá tỷ USD.
Trong đó, vốn hoá trong 1 năm tăng ấn tượng nhất phải kể đến DIC Corp (mã DIG) tăng 445,2% so với đầu năm, lên 50.738,93 tỷ đồng; Chứng khoán VNDirect (mã VND) tăng 435,1% lên 34.143,11 tỷ đồng; Hoá chất Đức Giang (mã DGC) tăng 264,8%, lên 27.680,69 tỷ đồng…
Nhờ đà tăng giá kỷ lục của các cổ phiếu trong năm 2021, vốn hoá trên sàn HOSE đã tăng từ 4.157.214 tỷ đồng lên 5.852.090 tỷ đồng, tương ứng tăng 40,77% so với đầu năm.
73 mã smallcap về mệnh giá
Nếu như đầu năm 2021, sàn HOSE có 90 mã cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá thì đến 28/12/2021 chỉ còn 17 mã, tức giảm 73 mã, tương ứng giảm 81,1%.
Giai đoạn 6 tháng cuối năm, thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến cơn sốt cổ phiếu thị giá thấp khiến hàng loạt cổ phiếu thu hút dòng tiền và bứt phá vượt mệnh giá.
Huy động vốn qua kênh cổ phiếu đạt 96.800 tỷ đồng
Theo dữ liệu thống kê của FiinPro Platform, luỹ kế 11 tháng đầu năm, giá trị phát hành cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường đạt 96.800 tỷ đồng, tăng 386% so với năm 2020 và đạt kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây, gấp nhiều lần giai đoạn 2016 - 2020 tới nay.
Năm 2021, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiết kiệm duy trì mức thấp, dòng tiền mới liên tục đổ vào thị trường chứng khoán. Điều này đã tạo ra cơ hội tuyệt vời để nhiều công ty đẩy mạnh huy động vốn từ cổ đông hiện hữu, chào bán đấu giá cổ phiếu hoặc phát hành riêng lẻ.
Trong đó, có một số doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành tăng vốn hai lần trong năm. Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã BCG) là một trong số đó. Công ty này đã chào bán 67,46 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn thêm 674,6 tỷ đồng trong tháng 3/2021. Đến tháng 12/2021, Công ty chốt danh sách cổ đông để tiếp tục chào bán 148,77 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.785,22 tỷ đồng.
Điều tương tự cũng diễn ra tại Chứng khoán SSI (mã SSI), Chứng khoán VNDirect (mã VND), Chứng khoán VIX (mã VIX), Tập đoàn PAN (mã PAN).
Cụ thể, tại SSI, trong tháng 10/2021, Công ty đã chào bán 109,55 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, SSI lên kế hoạch chào bán 497,3 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 7.460 tỷ đồng trong thời gian tới, dự kiến là năm 2022 hoặc một thời điểm khác theo quyết định của Hội đồng quản trị.
Tại VND, trong tháng 7/2021, Công ty đã chào bán 214,5 triệu cổ phiếu với giá 14.500 đồng/cổ phiếu để huy động 3.110,46 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đang lên kế hoạch chào bán tiếp 435 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 4.350 tỷ đồng trong năm 2022.
Nhìn chung, tận dụng cơ hội dòng tiền trên thị trường chứng khoán dồi dào, các công ty niêm yết đã huy động dòng vốn mới giá rẻ để nâng cao năng lực tài chính, đầu tư cho dự án mới, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Câu chuyện huy động vốn của thị trường chứng khoán trong nước cũng có nét tương đồng với các quốc gia trên thế giới. Cụ thể, theo dữ liệu Bloomberg, trong năm 2021, tổng giá trị huy động vốn của các doanh nghiệp toàn cầu đạt 12.100 tỷ USD thông qua phát hành cổ phiếu, phát hành công cụ nợ và các khoản vay mới, đạt mức kỷ lục từ năm 1998 tới nay do mặt bằng lãi suất thấp trên toàn cầu tiếp tục duy trì.
Tác giả: Hạc Hiên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy