Nam A Bank không sáp nhập với Eximbank
08/09/2015 06:59:28
Gần một năm sau thông tin sẽ về một nhà với Eximbank, lãnh đạo Nam A Bank khẳng định ngân hàng đang lộ trình tự tái cơ cấu, chưa có kế hoạch sáp nhập với đơn vị khác.

Tin liên quan

 

Chủ tịch Hội đồng quản trị Phan Đình Tân khẳng định Nam A Bank không sở hữu bất kỳ cổ phần nào của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ông cũng nhấn mạnh, Nam A Bank đang đi đúng lộ trình tự tái cơ cấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

"Tự tái cơ cấu cũng là giải pháp khả thi cho các ngân hàng có quy mô như Nam A Bank", ông Tân nói và cho biết ngân hàng sẽ hoàn thiện tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế trên toàn hệ thống. Song song với việc mở rộng mạng lưới hoạt động rộng khắp tại các tỉnh thành lớn, Nam A Bank chú trọng vào việc lành mạnh hóa tài chính, công tác quản trị rủi ro và tuân thủ cơ cấu sở hữu.

Ngân hàng Nam Á khẳng định không sở hữu cổ phần Eximbank và chưa có ý định sáp nhập vơi ngân hàng khác.

Giữa năm 2014, Nam Á cho biết đang tìm kiếm một ngân hàng khác để tính chuyện sáp nhập. Đầu năm nay, trao đổi với VnExpress, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho biết Nam A Bank nhiều khả năng sẽ sáp nhập với Eximbank.

Tháng 3 năm nay, Eximbank công bố danh sách ứng cử viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có tên hai lãnh đạo cao nhất ban điều hành của Nam A Bank lúc ấy là nguyên Tổng giám đốc Trần Ngô Phúc Vũ và nguyên Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Tâm.

Ông Phan Đình Tân cho biết ông Vũ và ông Tâm xin nghỉ khỏi Nam A Bank theo nguyện vọng cá nhân, hai ông này sở hữu cổ phiếu Eximbank trên phương diện đầu tư cá nhân. "Nếu có, việc ông Vũ và ông Tâm được ứng cử vào Hội đồng quản trị Eximbank có thể là họ tham gia với tư cách được các nhà đầu tư khác tín nhiệm đề cử theo đúng điều lệ Eximbank", ông Tân bình luận.

Ngân hàng Nam Á chính thức hoạt động từ ngày 21/10/1992, với 3 chi nhánh, gần 50 cán bộ nhân viên và vốn điều lệ 5 tỷ đồng. Đến nay, ngân hàng có 60 điểm giao dịch, vốn điều lệ 3.021 tỷ đồng. Kết thúc năm 2014, tổng tài sản của Nam A Bank đạt 37.293 tỷ đồng, huy động vốn và dư nợ cho vay đạt 33.481 tỷ và 16.629 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 32% lên 242 tỷ đồng.

Năm nay, ngân hàng đặt chỉ tiêu nâng tổng tài sản lên 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 360 tỷ đồng và duy trì nợ xấu ở dưới 3% trên tổng dư nợ.

Trong khi đó, Eximbank được thành lập tháng 4/1989 và đi vào hoạt động tháng 1/1990 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Những năm 1995-1996, Eximbank là một ngân hàng tiếng tăm, gần như vượt tất cả các tổ chức tín dụng cổ phần về thanh toán xuất nhập khẩu, chỉ đứng sau Vietcombank. Nhưng thời hoàng kim qua mau khi nhà băng này liên quan đến một số hợp đồng cho vay rủi ro. Năm 1997, Eximbank rơi vào bế tắc và đứng trước nguy cơ đổ vỡ nên phải đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, được sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước, thông qua việc giao cho Vietcombank tiếp quản.

Đầu năm 2000, ông Trương Văn Phước từ vị trí Phó giám đốc Vietcombank chi nhánh TP HCM được điều chuyển làm Tổng giám đốc Eximbank. Suốt một năm vật lộn với nợ xấu, ông Phước và các cộng sự cũng đã vực dậy thành công Eximbank. Từ năm 2001 Eximbank có lãi trở lại, thoát kiểm soát đặc biệt từ 2004 và tăng trưởng vượt bậc nhiều năm sau đó. Năm 2014, hoạt động của nhà băng này chững lại, lợi nhuận cả năm 2014 chỉ vỏn vẹn 56 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 169.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 12.335 tỷ đồng.

Trả lời báo chí gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, kết quả thanh tra Eximbank đã hoàn tất, cơ quan này sẽ thông qua số cổ phần của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nắm giữ ở Eximbank và có thể đưa nhân sự của Ngân hàng Nhà nước vào điều hành, quản lý..

Theo Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 được ban hành kèm theo Quyết định số 254 của Thủ tướng Chính phủ thì việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém (giai đoạn này đã hoàn thành). Giai đoạn 2 là thu hẹp số lượng các tổ chức tín dụng xuống còn khoảng 20.

Những tháng đầu năm 2015, làn sóng mua bán, sáp nhập ngân hàng tiếp tục nóng với hàng loạt cặp đôi chính thức được công nhận hôn ước như MHB - BIDV, PG Bank - Vietinbank, Mekong Bank - Maritime Bank và Southern Bank - Sacombank.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến