Dòng sự kiện:
Năm mới thoái vốn có dễ không?
08/01/2019 16:10:45
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2018, vẫn còn 667 DN chưa thực hiện định kỳ đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trong đó, TP HCM có nhiều DN chưa niêm yết sau cổ phần hóa nhất.

CTCK Rồng Việt vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư cho biết, trong năm 2019 thị trường còn nhiều khó khăn song vẫn tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư năng động giải ngân.

Trong đó, báo cáo đặc biệt đưa ra quan điểm lạc quan về kết quả kinh doanh của các công ty trong dài hạn nhờ sự mở rộng của tầng lớp trung lưu, thu nhập tiếp tục tăng và chính sách khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Chính phủ. Do vậy, các ngành bán lẻ, công nghệ thông tin, bảo hiểm và ngân hàng vẫn có triển vọng tăng trưởng doanh thu khả quan. Ngoài ra, các ngành như dệt may, thủy sản, logistics, bất động sản khu công nghiệp và năng lượng cũng được giới phân tích đặc biệt lưu ý, kỳ vọng nhà đầu tư có thể đưa ra được quyết định đầu tư tốt nhất trong năm nay.

Tính đến hết năm 2018, vẫn còn 667 DN chưa thực hiện định kỳ đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán

Trong báo cáo có một điểm mới mà nhà đầu tư cần quan tâm, đó là môi trường đầu tư năm mới có thể xuất hiện trở lại câu chuyện thoái vốn nhà nước của một nhóm các cổ phiếu loại ưu. Điều này đi ngược lại với tình hình của năm 2018 khi mà mọi chuyện về thoái vốn nhà nước gần như chững lại, nếu không nói là giảm nhiều so với năm 2017. Cụ thể, tổng giá trị thoái vốn 2018 chỉ đạt 35,7 ngàn tỷ đồng, chỉ bằng 29% của năm 2017. Một nửa số vốn được thoái chủ yếu đến từ 3 DN trong lĩnh vực dầu khí là Tổng công ty dầu khí Việt Nam (PVOil), Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt nam (PVPower) và Công ty TNHH –MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Trong khi đó, năm 2019, Bộ Tài chính kỳ vọng thu về 50.000 tỷ đồng từ thoái vốn, cao hơn 40% so với 2018. Thế nhưng, theo số liệu ước tính của các nhà phân tích, tỷ lệ đóng góp vào khoản thu trên hầu hết sẽ đến từ các thương vụ bị tạm hoãn từ 2017 và 2018 như Công ty Phát triển đô thị và KCN cao su Việt Nam (VRG), Mobifone, Tổng công ty phát điện 3 (Genco 3), Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (PLX) và VGT.

Tính đến thời điểm này, các chuyên gia lý giải vì điều kiện thị trường không thuận lợi, cộng thêm quy định khắt khe về giá chào bán tại Nghị định 32/2018/ND-CP là những nguyên nhân của sự chậm trễ thời gian qua. Vì vậy, trong năm 2019, để có thể nhanh chóng thúc đẩy quá trình thoái vốn diễn ra tốt đẹp, buộc các cổ phiếu đầu tư theo chủ đề này cần phải là các mục tiêu thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư chiến lược: Triển vọng tốt, có thể tạo ra giá trị hiệp lực cho người mua. Việc tái khởi động câu chuyện thoái vốn của một số công ty sẽ vấp phải nhiều khó khăn, nhất là các công ty như PLX, GAS, POW hay ACV.

Ví dụ ACV các thương vụ mua bán cảng hàng không trên thế giới gần đây có mức bội số từ 16x-18x. Nếu tính ở thời điểm hiện tại, ACV sẽ có nhiều cơ hội để tích lũy trong năm 2019. Thế nhưng, những lo ngại về ảnh hưởng của việc đóng cửa 2 đường băng tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài vẫn còn đó, thậm chí điều này còn tác động xấu đến giá cổ phiếu.

Các chuyên viên phân tích của CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá, năm 2019 các tập đoàn lớn trong nước đã và đang tiếp tục thoái vốn như VEA, Lilama, Viglacera… Tuy nhiên dù có nhiều lợi, thế nhưng vẫn chưa thể đưa ra chính xác được thời điểm nào thoái vốn thành công.

Thực ra, thị trường mấy năm nay không còn xa lạ khi nhắc đến DNNN gặp khó khăn khi thoái vốn. Vì vốn dĩ thị trường chứng khoán vấp phải quá nhiều rào cản liên quan đến các quy định, công ty hoạt động không hiệu quả,  giá cổ phiếu biến động, thao túng giá cổ phiếu… Do đó, chuyện thoái vốn bị trì trệ từ năm này qua năm khác mà vẫn chưa thành công.

Có thể lấy dẫn chứng từ trường hợp của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG). Cuối năm 2017, Tổng công ty Đầu tư - Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán 96,2 triệu cổ phần VCG (tương đương 22% vốn điều lệ) nhưng không thành công. Thời gian sau có nhiều bất ngờ xảy ra đối với số cổ phần VCG đấu giá sau này nhưng chuyện thoái vốn của công ty này vẫn chưa kết thúc.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2018, vẫn còn 667 DN chưa thực hiện định kỳ đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trong đó, TP.HCM có nhiều DN chưa niêm yết sau cổ phần hóa nhất, với 11 công ty mẹ và hàng trăm công ty con.

Những kỳ vọng về nguồn thu có được từ chuyện thoái vốn nhà nước ở năm 2019 vẫn là một câu hỏi lớn. Vì như đã nói, chỉ có những thay đổi lớn từ các DN thì mới mong đạt được kết quả như Bộ Tài chính đề ra…

Theo Thời báo ngân hàng
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến