Dòng sự kiện:
Nâng cao hiệu quả tận dụng thực thi FTA để thúc đẩy xuất khẩu
22/01/2023 14:36:32
Dư địa để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới vẫn còn rất lớn, đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa…

Năm 2022 xuất khẩu hàng hóa nói chung và với các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói riêng của Việt Nam đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Nhưng cũng chỉ là những lợi thế so sánh mang tính giai đoạn, trước khi các “đối thủ” cũng tham gia các FTA.

Trước những khó khăn được dự báo trong năm 2023, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam cần được hỗ trợ tận dụng tốt hơn nữa lợi thế từ các FTA để tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Doanh nghiệp lo ngại nhất là về các biến động và bất ổn của thị trường

Kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về những lực cản khiến DN khó hiện thực hóa các cơ hội tiềm năng từ các FTA cho thấy: DN lo ngại nhất là về các biến động và bất ổn của thị trường (46,8%), hạn chế trong năng lực cạnh tranh của DN (46,4%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức áp dụng (40,1%). Đáng nói, mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể so với các năm trước nhưng bất cập trong công tác tổ chức thực thi các FTA của các cơ quan Nhà nước vẫn là lực cản với khoảng 28,2% DN.

Một điều đáng lưu tâm nữa là tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong hai năm 2020 - 2021 (giai đoạn mà các FTA với tất cả 53 đối tác đã có hiệu lực), tăng trưởng xuất khẩu trung bình đi các thị trường FTA là 10,3%/năm, thấp hơn so với mức 13%/năm tăng trưởng trung bình của xuất khẩu đi toàn thế giới. Nói cách khác, với động lực từ các FTA, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đi các thị trường FTA là khá cao nhưng vẫn chưa bằng tốc độ tăng trưởng trung bình ở các thị trường chưa có FTA.

Dự báo mới nhất của nhiều tổ chức quốc tế đều cho thấy năm 2023 không khả quan đối với xuất khẩu của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam năm 2023 đều giảm so với năm 2022 và giảm sâu so với năm 2021. Riêng khu vực đồng Euro dự kiến giảm sâu từ 3,1% năm 2022 xuống 0,5% năm 2023, thậm chí là tăng trưởng âm ở các thị trường bạn hàng lớn của Việt Nam ở EU như Đức, Italia... Mặt khác, thu nhập giảm, cầu tiêu dùng yếu ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm được dự báo trong năm 2023 chắc chắn sẽ khiến quy mô thị trường bị thu hẹp.

Các địa phương đã chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới

Mới đây, tại Tọa đàm Nâng cao vai trò của các địa phương trong hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, hầu hết các tỉnh thành đã rất chú ý đến việc thực hiện các FTA thế hệ mới và việc ban hành kế hoạch thực hiện các FTA này của các địa phương ngày càng tích cực hơn.

“Đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau khoảng độ hơn 8 tháng kể từ khi FTA này có hiệu lực mới có đầy đủ các kế hoạch thực hiện của các tỉnh thành. Thế nhưng, đến Hiệp định Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) chỉ có khoảng 4 tháng và đến Hiệp định Thương mại Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) chỉ khoảng độ chưa đến hai tháng đã có đầy đủ kế hoạch thực hiện từ các tỉnh thành”, ông Ngô Chung Khanh dẫn chứng.

Cùng đó, kết quả thực hiện cũng ghi nhận ngày càng tích cực hơn. Chẳng hạn trước đây các báo cáo đầu tiên Bộ Công Thương nhận được năm 2020, tức là một năm sau khi CPTPP có hiệu lực, nhiều báo cáo còn tương đối sơ sài, chung chung. Tuy nhiên, khi sang đến EVFTA điều này đã được cải thiện qua việc các số liệu hay các thông tin mà tỉnh, thành cung cấp đầy đủ hơn. Đáng lưu ý, nhiều tỉnh thành cũng đưa ra rất chi tiết đối với từng mặt hàng hay từng lĩnh vực đã hỗ trợ như thế nào với doanh nghiệp.

Hơn nữa, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành trong cả nước sang các thị trường FTA thế hệ mới gia tăng đáng kể. Có những tỉnh ghi nhận tăng trưởng hai con số cùng với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và có những tỉnh có những mặt hàng chiến lược để thúc đẩy xuất khẩu và ghi nhận kim ngạch tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, dư địa vẫn còn rất lớn như chỉ có 38/63 tỉnh thành là có ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu với các nước CPTPP.

Ở góc độ địa phương, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, ngay sau khi các Hiệp định FTA thế hệ mới được ký kết và có hiệu lực, thành phố Hà Nội đã xây dựng, triển khai thực thi các FTA. Tuy nhiên, do ảnh hưởng đại dịch, số lượng doanh nghiệp có giao dịch xuất khẩu với các nước được ký kết trong Hiệp định cũng còn hạn chế và chưa xứng với tiềm năng của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có được các lô hàng hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định. Các hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hà Nội vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống, chưa thay đổi theo những cái mới, và đặc biệt thị trường mới như Canada, Mexico, Peru vẫn còn khiêm tốn. 

Trong khi đó, ông Đinh Trọng Cường, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ khi có các FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đã có sự gia tăng đáng kể, ví dụ kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU đạt mức tăng từ 0,75% cho đến ba lần so với trước đó.

Để chủ động thúc đẩy hội nhập sâu rộng và triển khai thực thi các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệp định CPTPP và các Hiệp định FTA khác. Trong các năm qua, Sở Công Thương tỉnh đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các thương vụ tại các nước cũng như các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thông tin về thị trường xuất khẩu, các văn bản mà hướng dẫn về thực thi các FTA của các bộ, ngành nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, doanh nghiệp đã hiểu rõ hơn về các FTA thế hệ mới cũng như khai thác, tận dụng các ưu đãi, cơ hội mở rộng thị trường từ các cam kết trong FTA. Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn cũng gặp một số khó khăn, thách thức như về mặt khách quan. Chẳng hạn như diễn biến bất lợi của quốc tế như là cuộc xung đột của Nga - Ukraine còn kéo dài, diễn biến về chi phí năng lượng, nhiên liệu tăng, tình hình lạm phát ở các nước cũng như các chi phí logistics tăng, biến đổi khí hậu, các quy định cao về chất lượng sản phẩm cũng như các quy định về môi trường, lao động, thẻ vàng tại các nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng còn rất nhiều như hạn chế về khả năng đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chất lượng, hạn chế về năng lực, về xúc tiến thị trường và tiếp cận các khách hàng còn chưa cao.

Phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả tận dụng thực thi FTA

Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực, song các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ các doanh nghiệp thực sự hiểu và khai thác được cơ hội từ các FTA vẫn còn khá hạn chế. Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vẫn còn khoảng cách rất là lớn giữa nhu cầu của các doanh nghiệp và khả năng, mức độ đáp ứng của chính quyền các địa phương. Vì vậy, cần phải đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này.

“Mặc dù các chính quyền địa phương đã xây dựng các kế hoạch hỗ trợ cũng như triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng chúng tôi cho rằng phải tìm hiểu xem nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể ra sao, cần cung cấp thông tin về vấn đề gì, với từng nhóm doanh nghiệp theo quy mô, và theo ngành nghề… Trên cơ sở đó mới thiết kế và triển khai các chương trình hỗ trợ 1 cách hiệu quả”, ông Phạm Ngọc Thạch nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin về những lợi ích các FTA mang lại với doanh nghiệp cần chuyên sâu, cụ thể hơn. Từ kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, doanh nghiệp rất mong muốn các cơ quan nhà nước triển khai hỗ trợ hội nhập một cách hiệu quả hơn, đáp ứng sát hơn với nhu cầu của doanh nghiệp. Do đó, ông Phạm Ngọc Thạch cho rằng, cần đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình thực thi các FTA. Mặt khác, cách thức hỗ trợ phải xuất phát từ những vấn đề thực tế của doanh nghiệp. Hơn nữa, cần tạo được một cơ chế kết nối phối hợp giữa các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với các hiệp hội sẽ đáp ứng được nhu cầu các doanh nghiệp được một cách tốt hơn.

Để giải quyết bài toán kết nối trên, ông Ngô Chung Khanh cho biết, tới đây Bộ Công Thương sẽ phối hợp triển khai về bộ chỉ số đánh giá FTA Index từ đầu năm 2023. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành lập một tổ công tác liên ngành và phối hợp với các tỉnh thành.

Do đó, Bộ Công Thương cũng đã có gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành cung cấp các đầu mối để cùng với nhau nghiên cứu phương pháp điều tra, phương pháp tính, phương pháp xây dựng chỉ số cho chính xác và công bằng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chuẩn bị các dữ liệu và hy vọng đầu năm 2023 các công việc sẽ được sẵn sàng để chính thức triển khai liên quan về đánh giá FTA Index.

Hơn nữa, Bộ sẽ tiến hành các hoạt động phổ biến, tuyên truyền cho các tỉnh thành, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương liên quan để biết rằng có một chỉ số đang chuẩn bị được hình thành.

“Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ để có được một kết quả tốt nhất trong thời gian tới nhằm nâng cao hiệu quả tận dụng thực thi FTA của các tỉnh, thành nói riêng và của Việt Nam nói chung”, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.

Tác giả: Tuệ Minh (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến